Sét hòn là một trong những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí, thách thức các nhà khoa học trong suốt nhiều thế kỷ. Người ta từng nhầm sét hình cầu với vật thể bay không xác định (UFO) khi chúng xuất hiện và phá hại nhà cửa của con người. Sở dĩ các nhà khoa học chưa thể giải mã hiện tượng này vì nó rất hiếm trong tự nhiên.
Sét hòn (trong vòng tròn đỏ) và kết quả phân tích quang phổ tia sét. Ảnh: Daily Mail. |
Tuy nhiên, bí ẩn sét hòn có thể sắp sáng tỏ khi các nhà khoa học thuộc Đại học Sư phạm Tây Bắc ở Lan Châu, Trung Quốc vô tình ghi hình sét hình cầu rộng 5 m trong một cơn bão năm 2012. Theo Daily Mail, sét hòn trong cơn bão chỉ tồn tại trong 2 giây nhưng nó sẽ giúp cộng đồng khoa học hiểu rõ hơn về hiện tượng thiên nhiên kỳ bí này.
Khi phân tích quang phổ sét hòn, các nhà khoa học phát hiện dấu vết của silic, sắt và canxi, những nguyên tố tồn tại trong đất. Nó chứng minh lý thuyết mà người ta đưa ra từ hơn một thập kỷ trước, theo đó sét hòn là sản phẩm của sự tương tác giữa mặt đất và sét thông thường.
Trên thực tế, con người có khả năng tạo ra sét hòn trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu tại Học viện Không quân Mỹ ở bang Colorado có thể tạo ra sét hình cầu bằng cách sử dụng tia lửa điện công suất cao từ các điện cực chìm một phần trong dung dịch điện giải. Tuy nhiên, người ta không thể dựa vào chúng để giải mã bí ẩn của sét hòn trong tự nhiên.
Video kết quả phân tích quang phổ của sét hòn trong cơn bão ở Trung Quốc năm 2012