Từ trước tới nay các nhà khoa học luôn nghĩ Gardiner’s Seychelles – một trong những loài ếch nhỏ nhất thế giới với chiều dài thân tối đa 11 mm – không có thính giác vì chúng không có tai giữa (một cơ quan thính giác vô cùng quan trọng, tồn tại trong cơ thể phần lớn động vật trên cạn).
Một con ếch Gardiner’s Seychelles. Ảnh: National Geographic. |
Tai giữa chứa ba xương nhỏ. Chúng kết nối màng nhĩ với tai trong. Khi sóng âm thanh chạm màng nhĩ, nó rung lắc khiến các xương nhỏ chuyển động và truyền tín hiệu điện tới não để não chuyển đổi tín hiệu điện thành âm thanh.
Nhiều loài ếch không có tai giữa song vẫn liên lạc với nhau bằng âm thanh. Vì vậy các nhà khoa học đặt câu hỏi: Liệu ếch Gardiner’s Seychelles có thể nghe bằng một cách nào đó hay không?
Để trả lời câu hỏi, Thierry Aubin, một chuyên gia về âm học của Đại học Paris XI tại Pháp, cùng các đồng nghiệp đặt một loa phóng thanh trong một khu rừng trên đảo Seychelles ở phía tây Ấn Độ Dương. Đảo Seychelles là nơi duy nhất mà ếch Gardiner’s Seychelles sống. Sau đó họ phát tiếng kêu của những con ếch cái. Kết quả cho thấy những con ếch đực nhảy tới gần loa hơn và phản ứng với âm thanh. Hiện tượng đó chứng tỏ chúng nghe được âm thanh, National Geographic đưa tin.
Sau đó nhóm nghiên cứu tìm hiểu cơ chế nghe của chúng, nghĩa là cách thức mà sóng âm tới não. Họ chụp X quang một con ếch. Hình ảnh cho thấy hệ thống phổi của chúng phát triển kém nên các lá phổi không đóng góp vào khả năng nghe.
Hình mô phỏng quá trình di chuyển của sóng âm từ bên ngoài vào tai trong của ếch Gardiner’s Seychelles. Ảnh: National Geographic. |
Vì thế các nhà khoa học tập trung vào đầu lũ ếch. Bằng cách lập mô hình giả lập ba chiều về quá trình chuyển động của âm thanh trong đầu ếch, họ nhận thấy những xương trong miệng chúng đóng vai trò như thiết bị khuếch đại âm thanh.
Sóng âm di chuyển từ miệng tới tai trong của ếch nhờ một sự thích nghi hoàn hảo: Tạo hóa giảm số lượng lẫn độ dày của các lớp mô giữa miệng và tai trong.
“Đây là phát hiện thú vị bởi chúng ta chưa từng thấy cơ chế tương tự ở bất kỳ loài động vật nào”, nhà khoa học Aubin bình luận.