Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lần đầu đoạt lại mạng người từ tay hà bá của Thượng tá Đoàn

“Tôi còn nhớ như in ánh mắt đờ dại của cô gái nhìn tôi khi kéo được lên, bàn tay cô bấu chặt tay tôi đến chảy máu. Tôi phải ôm khoảng 10 phút tại chỗ để trấn an”.

Hơn chục năm nay, những người tham gia giao thông qua cầu Chương Dương đã quá quen thuộc với hình ảnh người CSGT đứng tuổi, tóc lốm đốm bạc cầm gậy đứng ở điểm đầu cầu để điều tiết giao thông. Ông chính là Thượng tá Lê Đức Đoàn thuộc đội cảnh sát giao thông số 1 (Công an thành phố Hà Nội), ông được ví như “vị cứu tinh” trên cầu Chương Dương vì đã hàng chục lần cứu người có ý định tự tử, đoạt lại mạng sống từ tay hà bá.

Sinh ra trong gia đình cán bộ kháng chiến, chứng kiến cảnh đất nước khói lửa chiến tranh chính là động lực và duyên cớ để chàng thanh niên Lê Đức Đoàn quyết tâm tham gia vào lực lượng công an nhân dân.

Thượng tá Lê Đức Đoàn thuộc đội CSGT số 1.

 

Tính đến nay, đã 36 năm ông khoác chiếc áo người lính, thời gian ông gắn bó với đội cảnh sát giao thông số 1 cũng đã gần 20 năm. Kể lại quãng thời gian làm việc tại điểm cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn tâm sự rằng: “Hơn 10 năm làm việc trên cầu có lẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời bởi không có điểm giao thông nào ở Hà Nội lại đặc biệt như ở đây vì liên tục có người tìm đến với ý định quyên sinh, nhảy từ trên cầu xuống sông Hồng để giải quyết những u uất của cuộc đời”.

Chưa quên ký ức về lần đầu tiên cứu người lên cầu Chương Dương để tự tử, Thượng tá Đoàn kể lại, một chiều mùa hè năm 1994, khi ấy vào giờ tan tầm, trời nổi mưa lớn nên dòng người lưu thông trên cầu vốn đông đúc lại càng thêm hỗn loạn vì ai nấy đều muốn nhanh chóng trở về nhà. Lúc này, một cô gái tên Đinh Thị Kim Oanh (SN 1975) đi xe bus xuống đầu cầu rồi lững thững đi bộ ra giữa cầu ngồi thả chân xuống dòng nước. Do ngày ấy các công trình thủy điện chưa có nên nước sông Hồng vào mùa mưa dâng cao và chảy xiết, mực nước có khi chỉ cách gầm cầu chưa tới 1m.

Ông đã từng cứu hàng chục người lên cầu Chương Dương để tự tử.

 

“Khi tôi đang làm nhiệm vụ, bất ngờ quần chúng tham gia giao thông báo tin về cô gái có điều bất thường, linh tính biết có chuyện chẳng lành, tôi đi bộ tới nhịp cầu số 7 (đoạn giữa sông) thấy một cô gái tóc dài với gương mặt hốt hoảng. Lúc đi tới cũng là lúc cô gái đang rướn người trèo lên lan can cầu để chuẩn bị nhảy, tội vội lao tới túm thật chặt lấy tay cô gái kéo lại và ôm ghì chặt vào người”.

Còn đang hốt hoảng nên cô gái vùng vẫy quyết liệt, sau một hồi giằng co bỗng òa khóc. Đợi cô gái bình tĩnh, Thượng tá Đoàn đưa về chòi ở điểm giao thông đầu cầu. “Sau khi nín khóc, cháu gái kể lại với tôi rằng do bị người yêu bỏ khi vẫn còn yêu sâu nặng nên chán nản chẳng thiết sống nữa. Tôi hỏi thăm được biết cháu quê ở tận Hưng Yên và đang theo học một trường cao đẳng tại đây. Phân tích để cháu gái hiểu ra điều đúng đắn xong tôi nhờ xe ôm chở cháu về nhà”.

3 ngày sau đó, khi Thượng tá Đoàn đang làm nhiệm vụ bỗng nghe tiếng “Cháu cám ơn chú” ngoảnh mặt lại hóa ra đó chính là cô gái mà ông đã cứu sống. Khác với vẻ ủ dột hôm trước giờ đây là nụ cười rạng rỡ của một tâm hồn vừa được tái sinh.

Đặc biệt trong những lần “đoạt mạng” khỏi tay hà bá, Thượng tá Đoàn day dứt nhất là khi cứu cô gái tên Nga. Cũng một buổi chiều tháng 8/2012, ông nhận được tin báo về một cô gái đi xe máy tới giữa cầu rồi bỏ lại xe treo lên lan can cầu để ngồi. Vội vã chạy tới nơi, Thượng tá Đoàn vừa kịp tóm được cánh tay cô gái để cứu thoát khỏi dòng nước xiết. “Tôi còn nhớ như in ánh mắt trừng trừng, đờ đại của cô gái nhìn tôi khi kéo được lên thành cầu, bàn tay cô gái bấu chặt bàn tay tôi đến chảy máu. Tôi phải ôm cô gái khoảng 10 phút tại chỗ để trấn an, sau đó cô gái gục đầu khóc đến ướt đẫm cả vai áo”.

Lúc Thượng tá Đoàn nhờ ô tô đưa cô gái về chốt giao thông, toàn thân cô gái vẫn rúm ró, sợ hãi ôm chặt lấy ông. Đến khi ngồi tâm sự, Thượng tá Đoàn không khỏi thương cảm vì cô gái tên Nga quê ở Nam Định, bố mất sớm, nhà nghèo nên phải lên Hà Nội kiếm việc làm thêm. Sau một thời gian, Nga lập gia đình với một người ở Hà Nội, gia đình không có vấn đề gì nhưng chồng Nga lại hay nổi cơn cuồng ghen vì Nga xinh xắn nên nhiều người hay để ý và buông lời tán tỉnh.

Mệt mỏi vì những áp lực, cô gái đã yếu lòng nghĩ đến chuyện tự tử, nghe chuyện xong, Thượng tá Đoàn đã gọi điện cho chồng cô gái tới và đứng ra nói chuyện phải quấy, giảng giải cho anh chồng phải biết tin và yêu thương nhiều hơn.

Khẽ trầm ngâm sau câu chuyện của cô gái Nga, Thượng tá Đoàn bảo rằng, cứu được người là tốt nhưng có lần dù nhận được tin báo đến khi chạy tới thì đã quá muộn, lòng cảm thấy có lỗi vô cùng.

Một lần có tin báo về một nam thanh niên đứng giữa cầu có ý định nhảy xuống sông, Thượng tá Đoàn chạy tới chỉ còn thấy chiếc xe máy và đôi dép, nhìn xuống dòng nước mênh mông không hề thấy dấu vết gì. “Giả dụ nếu còn thấy người đang chới với, bản thân những người lính sẽ kiên quyết nhảy xuống cứu nhưng hầu hết những người ra tự tử trên cầu Chương Dương đều ra khu vực giữa cầu, cũng là đoạn nước sông chảy dữ dội nhất nên cơ hội sống hầu như không có”, ông chia sẻ.

Ngoài những lần cứu người, Thượng tá Đoàn cũng nổi tiếng về những chiến công bắt cướp hiển hách ngay trên cầu Chương Dương. Trong lần bắt cướp trong đêm, Thượng tá Đoàn đã bị hàng chục tên cướp có hung khí hành hung phải nằm viện 3 tháng và chịu di chứng nặng nề.

Đến nay đã bước sang tuổi 54, với những gì cống hiến ông xứng đáng với danh hiệu quần chúng phong tặng “Chiến sĩ CSGT được nhân dân yêu mến nhất” và được vinh danh là “Công dân ưu tú của Thủ đô 2012”.

Lê Tú

Bạn có thể quan tâm