Nghiên cứu của ĐH Michigan (Mỹ) công bố trong tháng này trên Tạp chí Y khoa New England đã chỉ ra số giờ làm việc căng thẳng tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Một người càng làm việc căng thẳng trong thời gian lâu dài càng dễ bị trầm cảm.
Sau khi phân tích dữ liệu từ hơn 17.000 bác sĩ nội trú năm nhất trong vòng 11 năm trên khắp nước Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện những người làm việc trên 90 giờ/tuần có thể gia tăng các triệu chứng trầm cảm gấp 3 lần so với những người làm việc 40-45 giờ/tuần.
Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết giảm giờ làm việc trung bình mỗi tuần của các bác sĩ nội trú.
Thời gian làm việc tỷ lệ thuận với nguy cơ trầm cảm
"Làm việc liên tục sẽ khiến bạn có rất ít hoặc không có thời gian cải thiện tâm trạng", Tess Brigham, một nhà tư vấn đời sống (life coach) kiêm nhà trị liệu tâm lý gia đình, lý giải nguyên nhân làm việc căng thẳng lâu ngày có thể tăng nguy cơ trầm cảm.
Giờ làm việc tỷ lệ thuận với nguy cơ trầm cảm. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Đồng quan điểm, tiến sĩ Tâm lý học Jennifer Crall cho hay việc làm việc liên tục khiến con người không có thời gian chăm sóc bản thân, ăn uống ngủ nghỉ điều độ, tập thể dục hay giao tiếp xã hội.
"Con người cần thời gian chăm sóc bản thân để giảm mức cortisol và tăng serotonin (các chất điều chỉnh tâm trạng - PV) trong cơ thể. Cơ thể cần những thứ chất này để khỏe mạnh", cô giải thích.
Dù nghiên cứu chỉ phân tích dữ liệu trên những bác sĩ nội trú năm nhất, các tác giả vẫn tin rằng kết quả sẽ tương tự nếu thực hiện với những đối tượng có công việc căng thẳng thời gian dài.
Theo Brigham, so với tính chất căng thẳng của công việc, số giờ làm việc có thể gây ra nguy cơ trầm cảm nhiều hơn.
"Một công việc ít căng thẳng nhưng không có nhiều thời gian giao tiếp xã hội vẫn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần. Ngay cả khi làm một công việc dễ dàng, nếu cứ để bản thân dính chặt vào bàn làm việc và xa rời những người thân quen, con người vẫn sẽ dễ thấy chán nản", cô phân tích.
Ngoài ra, con người dễ mất tập trung khi làm việc quá thời gian làm việc tối đa của cơ thể. Đây là lý do nhiều công ty chuyển thời gian làm việc từ 6 ngày/tuần xuống 5 ngày/tuần.
Học cân bằng khi phải làm việc liên tục
Bất kỳ ai làm việc căng thẳng dài ngày đều có thể có nguy cơ mắc trầm cảm. Tuy nhiên, họ có thể áp dụng nhiều cách để hạn chế nó.
"Chìa khóa ở đây là phải biết đặt ranh giới cho công việc. Bạn có thể không có ngày nghỉ, nhưng phải có giờ nghỉ trong khi làm việc", Cralls nói.
Bên cạnh đó, cô gợi ý mọi người nên tự tạo ranh giới cá nhân cho mình, không nhận thêm việc hoặc làm quá nhiều việc một mình. Điều này có thể hạn chế mang căng thẳng về nhà, giúp bạn cân bằng khi dành quá nhiều thời gian để làm việc.
Đồng ý với Cralls, Brigham nhấn mạnh con người nên ngừng tự xem mình là một cái máy nếu muốn học cách cân bằng.
"Bạn cũng là con người với những nhu cầu tối thiểu. Hãy ngừng đâm đầu vào công việc và ép bản thân phải nói 'có' với bất kỳ điều gì", cô nói
Ngoài ra, khi ai đó gặp căng thẳng quá độ, Brigham khuyến khích họ nên nghỉ làm để cân bằng lại cuộc sống rồi quay lại làm việc. Theo cô, rất khó để cân bằng áp lực nếu con người đang trong tình trạng kiệt sức.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.