Dù diện tích trên đảo ít, nước ngọt là hàng hiếm, đất, phân bón, xô chậu, giống rau, gà, vịt… đều phải gửi từ đất liền ra. Nhưng với tố chất người lính không ngại khó, không sở khổ, các chiến sĩ trên đảo Đá Lát (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đã phát triển thành công mô hình vường ao chuồng (VAC) ngay trên đảo, giúp cải thiện bữa ăn cho anh em chiến sĩ.
Kỳ công như tăng gia trên đảo
Chiều 6/1, tàu HQ-561 tiến sát đảo Đá Lát. Tuy nhiên, trưa 7/1, điều kiện con nước, tốc độ gió đã thuận lợi, xuồng trên tàu HQ-561 được hạ xuống để đưa chúng tôi và hàng hóa Tết lên đảo. Chiếc xuồng sắt chồm lên từng ngọn sóng, bọt tung trắng xóa, nước biển tạt thẳng vào mặt mặn chát.
Bí thư Chi đoàn đảo Đá Lát Bùi Viết Tuyến đang chăm sóc vườn rau xanh tốt trên đảo, đây còn gọi là vườn rau thanh niên. |
Từ xa đã thấy các chiến sĩ trên đảo Đá Lát ra tận cầu đón người từ đất liền. Các anh đưa tay đỡ từng người lên đảo cùng những lời chào mừng, cái bắt tay thật chặt, xen lẫn những nụ cười như sáng hơn trên làn da xạm đen vì nắng gió biển Đông. Ở một góc đảo, thấy có người lạ đàn chó tới vài chục con cũng chạy ra, con vẫy đuôi, con sủa inh ỏi.
Đứng từ đảo nhìn ra xa chỉ mênh mông nước, sóng vỗ vào chân đảo bọt tung trắng xóa, nước biển trong xanh nhìn thấy rõ đáy. Mỗi khi nước triều xuống có thể đi bộ trên bãi đảo. Nhưng khi triều lên, nước dâng cao tới 2-3 m.
Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm đảo, anh Bùi Viết Tuyến (28 tuổi, quê Tứ Kỳ, Hải Dương) – Bí thư Chi đoàn đảo Đá Lát kể, trên đảo các chiến sĩ ngoài thời gian làm nhiệm vụ sẽ phân chia nhau trồng và chăm sóc rau, chăm sóc gà, chó, cá.
Hai bên đảo được thiết kế thành dàn kê từng thùng nhỏ đựng đất được lấy từ đất liền ra để trồng rau. Khu vườn rau thanh niên chỉ rộng khoảng 10m2, nhưng đủ các loại rau, từ muống, cải, mùng tơi, tới các loại rau gia vị như ớt, đinh lăng, xả và cả rau mầm.
Do điều kiện khắc nghiệt trên đảo chìm, để trồng và chăm sóc rau được tốt các anh phải đúc kết kinh nghiệm từ không biết bao nhiêu đời lính truyền lại, mùa nào trồng rau gì. Để có vườn rau, trước khi gieo hạt các chiến sĩ trên đảo trộn đất với xơ dừa, phân bón và phơi trong khoảng nửa tháng mới gieo hạt.“Các loại rau được trồng xen lẫn nhau, đảm bảo chiến sĩ trên đảo luôn có rau xanh ăn”, anh Tuyến nói, tay vẫn tỉ mẩn chăm từng gốc mùng tơi, nhổ từng ngọn cỏ.
Trồng được rau, nhưng để bảo vệ được nó an toàn với sóng, với gió cũng rất cầu kỳ, đặc biệt vào mùa biển động, sóng biển cao tới 3-4 m, không ít lần rau của các anh bị sóng đánh tan tành. Mới hơn một tháng trước, vườn rau bị sóng đánh sập, các chiến sĩ phải đi nhặt lại từng thùng đất để trồng lại.
Anh Lương Văn Lừng lau chùi hệ thống pin mặt trời trên đảo Đá Lát. |
“Ở đây, mỗi khi biển động, sóng cao anh em lại phải bê từng thùng rau chuyển vào nhà. Nếu con sóng không quá cao các chiến sĩ phải lấy bạt che phía ngoài để ngăn sóng đánh nước mặn vào vườn rau. Nếu không may nước biển ngấm vào đất thì rau cũng hỏng hết, anh em lại phải rửa mặn cho đất mới trồng lại được”, anh Tuyến nói.
“Ở đây, mỗi khi biển động, sóng cao anh em lại phải bê từng thùng rau chuyển vào nhà. Nếu không may nước biển ngấm vào đất thì rau cũng hỏng hết, anh em lại phải rửa mặn cho đất mới trồng lại được”, Bí thư Chi đoàn đảo Đá Lát Bùi Viết Tuyến nói.
Không chỉ trồng rau, các chiến sĩ đảo Đá Lát còn nuôi hơn 30 chú chó, vài con gà, vịt, một cặp bồ câu và cả lợn. Đặc biệt, để luôn có cá tươi cho anh em chiến sĩ cải thiện bữa ăn, các anh còn thiết kế lồng cá rộng khoảng 2m2 đặt dưới biển. Mỗi khi biển yên, các anh lại ra biển đánh bắt cá, cá nhỏ ăn trước, còn cá to vài cân được đưa vào lồng nuôi.
Thức ăn nuôi cá chủ yếu là cá nhỏ, ốc, sò được đập nát và vứt vào lồng. Trong lồng lúc nào cũng có khoảng 20 con cá, chủ yếu là các loại cá bò, vì đây là loại cá sống dai, lại dễ chăm.
Thượng úy Vũ Đức Quỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết, trong năm 2014, các chiến sĩ đã trồng được hơn một tấn rau xanh, gần một tấn cá… đảm bảo cải thiện bữa ăn cho anh em ngoài chế độ chung.
Thắp sáng đảo xa
Ngoài vật chất, tinh thần cũng rất được quan tâm, để anh em chiến sĩ yên tâm công tác. Đặc biệt, cách đây ít năm hệ thống điện mặt trời và điện gió đã được lắp đặt trên đảo Đá Lát, do Đại học Bách khoa TP.HCM thực hiện. Nguồn điện tái tạo này đã từng bước đáp ứng đủ nhu cầu trên đảo, như thắp sáng, xem ti vi, nghe đài và các hoạt động khác, thay cho máy phát điện chạy xăng dầu như trước đây.
Tuy nhiên, các thiết bị điện mặt trời và điện gió lắp đặt giữa đại dương, trong điều kiện hơi muối nhiều nên công tác bảo dưỡng, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả cũng đòi hỏi nhiều công sức.
Khi chúng tôi đặt chân lên đảo Đá Lát, đúng lúc anh Lương Văn Lừng (34 tuổi, quê Hoàng Hóa, Thanh Hóa) đang tỷ mẩn lau, gạt nước đọng trên từng thanh pin mặt trời, đọng trong từng chân ốc vít, để các chi tiết không bị nước muối ăn mòn…
Chuyển hàng Tết từ đất liền ra với đảo Đá Lát. |
“Mình ở đây chủ yếu lau chùi, kiểm tra và báo cáo lại hiện trạng về đất liền. Mỗi năm hai lần có các kỹ sư của Đại học Bách khoa TPHCM ra sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng”, anh Lừng miệng nói tay vẫn không rời các ốc vít.
Ngoài hệ thông pin mặt trời cung cấp điện, đảo Đá Lát còn được trang bị một cột điện gió. Đảm bảo vào mùa mưa mặt trời thường bị mây che, sẽ có tuabin gió bổ sung lượng điện bị thiếu hụt.
Năm nay đã là cái Tết thứ 2 anh Lừng đón Tết trên đảo Đá Lát, xa vợ và 2 con. “Vợ chồng mình vẫn thường xuyên nói chuyện qua điện thoại, vợ và con rất thông cảm với nhiệm vụ thiêng liêng mình đang gánh vác, nên vẫn thường động viên mình yên tâm công tác, ở nhà đã có vợ lo. Dù nhớ nhà mình vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” an Lừng nói.
Qua báo Tiền Phong, anh Lừng cùng những chiến sĩ khác trên đảo Đá Lát gửi lời cảm ơn tới người trong đất liền, luôn quan tâm, chia sẻ cả vật chất và tinh thần với anh em chiến sĩ nơi đảo xa.
“Anh em chiến sĩ trên đảo hứa luôn quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng biển đảo, vùng trời tổ quốc. Đặc biệt vợ và con hãy yên tâm, ở đảo các cán bộ, anh em luôn quan tâm, giúp đỡ anh hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Lừng nói, rồi hướng mắt nhìn xa xăm về phía cuối chân trời.Lên xuồng rời đảo Đá Lát, các chiến sĩ trên đảo ra giúp đỡ từng người xuống xuồng. Xuồng đi ra xa dần, các anh vẫn đứng đó vẫy tay chào, nói với theo những câu hẹn gặp, những cầu chúc may mắn, những lời chúc năm mới…
Khi xuồng chúng tôi đã ra xa, ngoái nhìn lại mới thấy các anh dần trở về đảo, về với nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.