Câu chuyện hình ảnh từ camera hồng ngoại ghi lại cảnh đôi trai gái đang quan hệ tình dục trong ghế Sweetbox tại một cụm rạp chiếu phim CGV bị tung lên mạng Internet đã gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua, đặc biệt trên các mạng xã hội.
Ngay sau sự việc này, đội ngũ quản lý của CGV đã ra quyết định đình chỉ nhân viên để lọt hình ảnh ra ngoài, đồng thời họp bàn để đưa ra hình thức kỷ luật xứng đáng, phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Từ phía dư luận, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối, đả kích bộ đôi có hành vi thái quá giữa chốn công cộng. Ngoài ra, cũng có người chia sẻ quan ngại về quyền riêng tư của khách hàng trong rạp chiếu phim có thể bị xâm phạm thông qua hệ thống máy quay an ninh.
Sweetbox: Không gian riêng tư dành cho các đôi tình nhân
CGV là chuỗi rạp thường xuyên cho ra đời các loại ghế xem phim mới lạ, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu khán giả, tại cả quê hương Hàn Quốc lẫn trên toàn thế giới. Sweetbox là sản phẩm của họ, và hiện có mặt tại khoảng 30 cụm rạp ở Việt Nam.
Theo mô tả trên website chính thức, đây là “chiếc hộp ngọt ngào” dành cho “những buổi hẹn hoàn hảo”. Tọa lạc ở hàng ghế trên cùng trong mỗi phòng chiếu, với thiết kế vách ngăn cao và không có tay gác chính giữa, ghế Sweetbox là không gian riêng tư đầy lý tưởng cho những khán giả không thích bị làm phiền bởi các lời bàn luận hay tiếng nhai bỏng ngô, uống nước từ người xung quanh.
Sweetbox ra đời và nhắm tới đối tượng khán giả là các cặp tình nhân. Ảnh: CGV. |
Việc không có tay gác chính giữa và mức giá không quá cao biến Sweetbox trở thành lựa chọn đặc biệt phù hợp đối với các đôi tình nhân, thậm chí hơn cả ghế hạng sang trong phòng Gold Class - nơi mà khoảng cách giữa hai ghế là tương đối xa.
Có thể dễ nhận thấy ngay từ các hình thức quảng cáo, ghế Sweetbox chủ yếu muốn hướng tới đối tượng khán giả là các đôi tình nhân. Nếu ai đó đi xem phim một mình và muốn tận hưởng cảm giác riêng tư tuyệt đối do Sweetbox đem lại, họ sẽ phải bỏ tiền ra cho một đôi ghế.
Camera hồng ngoại trong rạp có cần thiết?
Sự vụ đang lan tỏa trên mạng Internet bắt nguồn từ việc một khách hàng bị mất ví và muốn kiểm tra an ninh để xem có thể nhận diện gương mặt kẻ xấu hay không. Tiếc là nó lại dẫn đến một vụ lùm xùm khác.
Có người quan ngại cho rằng việc nhà rạp lắp đặt camera an ninh mà không thông báo trước có thể khiến quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm. Điều đó đúng là đã xảy ra với trường hợp của đôi tình nhân bị phát hiện có hành vi khiếm nhã.
Máy quay an ninh thiết lập trong các rạp chiếu phim là điều cần thiết. Ảnh: Quora. |
Tạm bỏ qua chuyện hai người đó đúng hay sai, có vi phạm thuần phong mỹ tục hay không, thì chuyện nhân viên của CGV đưa hình ảnh từ camera an ninh lên mạng Internet là không đúng, và chủ rạp cần phải đảm bảo rằng chuyện này không còn xảy ra trong tương lai.
Đặt camera an ninh trong rạp thực tế là điều hoàn toàn cần thiết, đặc biệt để bảo vệ bản quyền những bộ phim chiếu rạp. Giả dụ một bộ phim bị quay trộm và lọt lên mạng Internet, các nhà phát hành thường có cách để nhận biết xem bản phim bị xâm hại đến từ rạp nào. Từ đó, họ tiếp tục phối hợp với chủ rạp để dò tìm xem liệu ai là người đã thực hiện hành vi quay trộm nhờ camera an ninh.
Ở các buổi công chiếu trước ngày khởi chiếu chính thức dành cho báo chí tại Việt Nam, nếu sự kiện diễn ra trước khu vực Bắc Mỹ, nhà phát hành còn yêu cầu cho nhân viên trực tiếp vào trong rạp để theo dõi. Bất cứ ai chỉ cần lấy điện thoại ra xem màn hình, chứ chưa nói đến việc giơ lên để quay trộm, sẽ lập tức bị nhắc nhở.
Ngoài ra, camera an ninh trong rạp còn để phát hiện những vụ việc xấu, chẳng hạn như khách hàng bị mất ví ở câu chuyện đang gây xôn xao dư luận. Nhưng chắc chắn rằng tính bảo mật của video ghi lại phải được đảm bảo, chứ không phải để lọt lên mạng Internet như lúc này.
Theo một luật sư, CGV nên thông báo với khách hàng về việc lắp đặt camera ở cụm rạp bởi quyền hình ảnh không quy định rằng phải xin phép nếu muốn thu thập hình ảnh mà chỉ quy định phải xin phép khi sử dụng hình ảnh đó. Vì thế, việc đặt camera và thu thập hình ảnh có thể không vi phạm Quyền hình ảnh. Nhưng nó có thể vi phạm Quyền đời sống riêng tư.
Luật sư nhấn mạnh: "Trong trường hợp khách hàng cho rằng đó là thông tin đời sống riêng tư của họ và bị thu thập, lưu giữ thông qua hệ thống camera mà họ không đồng ý thì bắt buộc CGV phải chứng minh điều ngược lại: rằng công ty đã thông tin cho khán giả biết việc có camera trong phòng chiếu.
Nếu CGV không chứng minh được điều đó thì việc thu thập hình ảnh của khán giả là sai, với điều kiện khán giả khẳng định đây là "đời sống riêng tư".
Riêng tư trong khuôn khổ
Trở lại với đôi tình nhân đã có hành vi giao cấu trên ghế Sweetbox bị ghi lại. Hành vi của họ giữa chốn công cộng quả là táo bạo, và đáng bị lên án. Họ đã bỏ tiền ra mua vé, và có quyền tận hưởng sự riêng tư mà không gian của “chiếc hộp ngọt ngào” đem lại.
Nhưng tận hưởng không có nghĩa là lạm dụng, hay thích làm gì thì làm giữa chốn đông người. Việc quan hệ tình dục trong rạp chiếu phim nói riêng, hay nơi công cộng nói chung, chưa và không bao giờ được ủng hộ.
Ở nước ngoài, chuyện các đôi tình nhân làm tình trong rạp chiếu phim đã nhiều lần bị phanh phui. Như trường hợp của một đôi nam nữ tại bang Texas, Mỹ hồi tháng 11/2017 bị nhân viên tại rạp bắt quả tang khi phòng chiếu đang trong quãng giờ nghỉ.
Họ rốt cuộc phải lên tường trình trên đồn cảnh sát, và sau đó nộp phạt một khoản tiền lên tới 1.600 USD (tương đương hơn 37 triệu đồng) cho hành vi khiếm nhã giữa chốn công cộng.
Nếu hành vi xấu xảy ra trong các suất chiếu phim có sự xuất hiện của trẻ em, người vi phạm sẽ càng bị phạt nặng. Còn các nhà rạp có thể đưa ra các hình thức cảnh cáo khác nhau, từ việc lập tức đuổi khỏi rạp cho tới cấm cửa khách hàng vô thời hạn.
Tất cả để thấy sự riêng tư thoải mái mà ghế Sweetbox đem lại là rất đáng trân trọng, nhưng khán giả không được phép lạm dụng nó để gây ảnh hưởng tới người khác.