Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm tín dụng khó lắm ai ơi!

Từ lâu rồi, nghề tín dụng được mặc định là công việc dễ kiếm tiền, nhanh giàu và rất “oai”. Thật ra, một nhân viên tín dụng luôn phải đối mặt với sức ép công việc vô cùng lớn.

Phải đúng từng bước một

Tín dụng là cho vay, là đem tiền của tổ chức tín dụng cho khách hàng vay và thu lãi trên phần vốn cho vay ấy. Nghe thì rất dễ, nhưng chỉ những người đã dấn thân vào nghề này mới hiểu rõ tín dụng là một nghề khó, thậm chí rất khó!

Cũng là làm ngân hàng nhưng nếu bạn làm kế toán, marketing hay thanh toán quốc tế..., công việc dù mất nhiều thời gian nhưng khi về nhà, bạn có thể hoàn toàn không suy nghĩ gì về nó. Làm tín dụng thì ngược lại, chỉ cần một món vay nhỏ có phát sinh vấn đề sẽ làm bạn phải lo lắng đến mất ngủ. Và một hợp đồng tín dụng lỡ ký sai, bạn có thể đánh đổi bằng cả cuộc đời.

Những vụ án được xét xử gần đây về cho vay để phát sinh nợ xấu, đã có nhiều nhân viên tín dụng bị vướng vòng lao lý, ít thì vài ba năm, nhiều thì mười, hai mươi năm, thậm chí chung thân. Liệu tất cả họ đều là người xấu? Hoàn toàn không phải. Có người chỉ vì sơ sót trong nghề nghiệp, có người vì một phút lơ đễnh trong quá trình ký duyệt hồ sơ, có người vì lòng tin tưởng đối với cấp trên, có người vì một phút nao núng trước sự cám dỗ của đồng tiền. Họ đáng trách, nhưng cũng rất đáng thương!

Rất ít người đã kinh qua nghề tín dụng dám mạnh miệng nói trong cuộc đời làm nghề, họ chưa bao giờ để nợ quá hạn hay nợ xấu. Có chăng thì đó là những người may mắn! Bởi con người ai không có những lúc sai. Thế nhưng nghề tín dụng buộc người làm nghề phải đi đúng từng bước một, vì chỉ cần một mắt xích trong chuỗi công việc có vấn đề, món vay sẽ rất khó thu hồi.

Rủi ro, ám ảnh

Có rất nhiều công việc cho một món vay mà một nhân viên tín dụng phải làm: tiếp thị khách hàng, thẩm định, phân tích ngành nghề, phân tích tài chính của khách hàng, phân tích rủi ro khách hàng có thể gặp phải, lập hồ sơ, thuyết trình với cấp trên, đi công chứng, giao dịch đảm bảo, giải ngân, kiểm tra sau vay, chịu trách nhiệm thu hồi nợ gốc lẫn lãi, thậm chí khi cần phải lập hồ sơ khởi kiện lên tòa án, phối hợp với cơ quan thi hành án phát mãi tài sản và thu nợ về. Mỗi phần công việc đó đều chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn, mà chỉ cần một phút sơ sót, nhân viên tín dụng có thể bị quy lỗi sai quy trình nghiệp vụ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở khâu tiếp thị và thẩm định, nhân viên tín dụng dễ gặp rủi ro bị khách hàng lừa đảo, như giấy tờ tài sản giả, báo cáo tài chính giả, hóa đơn giả, công ty “ma”, hàng thế chấp trong kho giả... Và một khi khách hàng đã cố ý làm giả, nhân viên tín dụng không khó bị mắc bẫy!

Ở khâu phân tích tài chính, nhân viên tín dụng thường gặp phải những báo cáo tài chính không minh bạch của các công ty (các công ty này rất ít khi thuê kiểm toán). Số liệu không thật dễ dẫn đến việc cho vay vượt quá nhu cầu hoặc với mục đích sử dụng tiền vay sai. Ở đây, họ còn gặp phải áp lực về chỉ tiêu dư nợ tín dụng. Nếu để mất khách hàng về tay ngân hàng đối thủ, nhân viên tín dụng sẽ bị quở trách. Nếu dễ dãi cho qua các “báo cáo tài chính không thật” được sử dụng làm cơ sở cấp tín dụng, khi món vay suôn sẻ thì chẳng ai khen, nhưng khi phát sinh vấn đề thì nhân viên tín dụng là người gánh chịu hậu quả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Muốn theo dõi chặt chẽ các món vay kinh doanh, nhân viên tín dụng phải mất rất nhiều thời gian kiểm tra hóa đơn đầu vào, đầu ra, theo dõi dòng tiền của khách hàng trong quan hệ giao dịch của họ với hàng trăm đối tác.

Nếu một trong các nhà cung cấp là giả (hóa đơn giả), món vay sẽ bị xem như cho vay sai mục đích - điều tối kỵ trong việc cấp tín dụng. Và nếu một nhân viên tín dụng phải quản lý khoảng 10 công ty vay vốn, bao nhiêu thời gian cho đủ để họ quản lý dòng tiền của khách hàng? Và khi sự việc diễn ra theo chiều hướng xấu, nguyên nhân “không đủ thời gian kiểm tra hóa đơn chứng từ” sẽ bị bác bỏ, người ta chỉ biết đúng và sai.

Có cả những trường hợp hạn mức tín dụng vay hàng chục tỷ đồng nhưng tài sản thế chấp không đủ hoặc không có tài sản thế chấp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty cổ phần có vốn nhà nước. Ở những công ty này, tài sản thế chấp là tài sản nhà nước giao, không có giấy tờ tài sản để đi công chứng hay giao dịch đảm bảo và hợp đồng vay vốn được thiết lập trên mối quan hệ giữa ban giám đốc tổ chức tín dụng và ban giám đốc doanh nghiệp, nhân viên tín dụng chỉ là người thừa hành nhiệm vụ. Thế nên, nhân viên tín dụng nào được yêu cầu quản lý những món vay này sẽ rất hồi hộp và bị động. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định thì không có dư nợ, còn nếu bỏ qua yếu tố tài sản, đến lúc phát sinh nợ khó đòi, kiểm tra thấy tài sản đảm bảo không đủ hoặc không có, lỗi trước tiên cũng lại thuộc về nhân viên tín dụng.

Lại còn những trường hợp rất éo le như khi khách hàng vay vốn xong, đang kinh doanh thuận lợi, bỗng đâu từ trên trời xuất hiện những chính sách “trái ngang” hạn chế kinh doanh lĩnh vực này, cấm kinh doanh lĩnh vực kia, khách hàng chắc chắn không xoay xở kịp. Hàng không bán được, vốn không quay được, vậy là nợ quá hạn. Nhân viên tín dụng chịu áp lực đi đòi nợ, vừa đòi vừa thấy xót thương! Nhưng ở đời có vay có trả, không trả được thì dù có là nguyên nhân gì thì cũng sẽ gặp nhau tại... tòa. Đã có rất nhiều người bỏ nghề tín dụng vì nguyên nhân này, vì cảm thấy mình đang làm việc trái lương tâm.

Có những món vay có đầy đủ tài sản thế chấp, nhưng vì kinh tế suy thoái, tài sản thế chấp giảm giá, dù phát mại tất cả cũng không thu đủ gốc. Các tổ chức tín dụng muốn bảo vệ mình nên yêu cầu nhân viên tín dụng phải khởi kiện ra tòa. Nhân viên tín dụng lại phải đi hầu tòa. Một vụ khởi kiện có khi mất vài ba năm và nhân viên tín dụng phải một mình đảm đương việc kiện tụng.

Ngoài ra, vì áp lực dư nợ, nhân viên tín dụng phải cho vay đối với cả những khách hàng ở xa. Cho vay xa đồng nghĩa với đi thẩm định xa, đăng ký giao dịch đảm bảo xa, kiểm tra, đòi nợ xa... Thời gian ở ngoài đường của một nhân viên tín dụng nhiều hơn thời gian ngồi trong văn phòng. Nắng mưa, kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông, đau cột sống... là những rủi ro mà nhân viên tín dụng phải gặp. Chưa kể có lúc bị cướp giật mất hết giấy tờ bản chính của khách hàng, lương nhân viên tín dụng không đủ bồi thường thiệt hại, lại phải mất thêm thời gian, công sức đi làm lại giấy tờ, tình cảm thân thiết trước đây giữa khách hàng và nhân viên tín dụng bỗng trở nên mỏng manh như sợi chỉ mành.

Không chỉ chịu áp lực vì những công việc nghiệp vụ, nhân viên tín dụng còn nhiều công việc sự vụ khác, như phải làm báo cáo thường xuyên, quản lý hồ sơ trên giấy, hồ sơ trên máy tính, phục vụ thanh tra, kiểm toán... Nhân viên tín dụng nào chẳng may đang làm việc cho một tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao thì kiểm toán, thanh tra thực sự là một nỗi ám ảnh!

Cám dỗ

Có nhiều người đã trải nghiệm nghề tín dụng cho rằng đây là một nghề bạc bẽo! Vì nếu cho vay thành công, thu lãi đều, thu nhập ấy là của cả ngân hàng, lương nhân viên tín dụng không vì thế mà được tăng lên. Còn khi một món vay bị quá hạn dù là lỗi khách quan, ảnh hưởng đến thu nhập chung, nhân viên tín dụng bị xem như tội đồ, phải hứng chịu búa rìu một cách đơn độc mà không dễ tìm thấy sự chia sẻ hay cảm thông, vì từ lâu, người ta mặc định đó là cái giá phải trả cho những khoản “lót tay” đã nhận.

Thế nên đã có những nhân viên làm liều nhận “hoa hồng” vì đã lỡ mang tiếng rồi hoặc vì thu nhập không bù đắp nổi những rủi ro mà họ đang gánh chịu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người làm tín dụng sa bẫy đồng tiền. Từ một món “hoa hồng” nhỏ, dần dà họ bỏ túi các món to hơn và cuối cùng là “ra giá”. Từ một người làm tín dụng bình thường, họ biến mình thành kẻ tha hóa lúc nào không hay.

Trên thực tế, khách hàng đôi khi cũng có “bồi dưỡng” cho nhân viên tín dụng. Số tiền khách cho thường là nhỏ, vài trăm ngàn hay đôi ba triệu, được hiểu là sự cám ơn người giúp mình hoàn thành công việc. Tuy nhiên, cũng có những nhân viên tín dụng lợi dụng vị trí làm việc móc nối với khách hàng làm tổn hại tổ chức.

Làm nghề tín dụng phải tỉnh táo để giữ mình trước những cám dỗ. Có nhiều người ban đầu cạm bẫy không lay chuyển được, nhưng về sau, thấy bạn bè, đồng nghiệp giàu lên nhanh chóng, họ bắt đầu nao núng. Một khi đã nao núng thì rất dễ lạc đường mà có thể phải trả giá bằng mạng sống, bằng danh dự của bản thân và gia đình.

Suy cho cùng, nghề tín dụng là một nghề phức tạp và nguy hiểm. Nó đòi hỏi con người không chỉ có năng lực và kiến thức mà còn phải có bản lĩnh chống lại sự cám dỗ của đồng tiền. Chọn nghề tín dụng hay không là sự lựa chọn của mỗi người, nhưng với người chưa đủ bản lĩnh đối phó cám dỗ, xin hãy đừng làm tín dụng.

Nghề tín dụng là một nghề phức tạp và nguy hiểm. Nó đòi hỏi con người không chỉ có năng lực và kiến thức mà còn phải có bản lĩnh chống lại sự cám dỗ của đồng tiền.

Vay lãi rẻ năm nay có dễ?

Lãi suất trên 15%/năm vẫn chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay tính đến cuối năm 2014.

http://www.thesaigontimes.vn/125975/Lam-tin-dung-kho-lam-ai-oi.html

Theo Ngô Thị Thanh Tiên/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm