Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm thế nào xác định người lao động tự do để hỗ trợ gói 62.000 tỷ?

"Đây là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch Covid-19. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải tìm cách làm để hạn chế sai sót", Bộ trưởng Lao động nói.

Ngày 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng.

Chia sẻ với Zing, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sau khi có quyết định của Thủ tướng ký ban hành quyết định thực hiện biện pháp hỗ trợ cụ thể, sẽ có thông tư của các bộ chi tiết hoá một bước nữa, để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá, lên danh sách cụ thể và giải pháp chi hỗ trợ.

Người bán vé số, xe ôm được hỗ trợ thế nào?

Trong 7 nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm lao động tự do.

Nhóm này dự kiến gồm khoảng 5 triệu lao động, là những người bán hàng rong; xe ôm, lái xích lô; người bán vé số; người thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hoá và người làm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch…

ho tro cac lao dong tu do vuot qua dai dich anh 1

Khoảng 5 triệu lao động tự do là người bán vé số, hàng rong, xe ôm... sẽ được hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Zen Nguyễn.

Chia sẻ thông tin trên tại Chương trình Tọa đàm “Đối thoại - Vượt qua đại dịch: Quyết định chưa có tiền lệ” phát sóng trên kênh VTV1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó, bởi việc xác định theo định tính, định lượng hay tiêu chí công việc đều chưa thể có kết quả đúng và đủ về nhóm lao động tự do.

“Nhưng đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch Covid-19 lần này. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải làm và phải tìm cách để làm nhanh nhất, hạn chế sai sót”, Bộ trưởng Lao động nhấn mạnh.

Theo ông Dung, Chính phủ và Thủ tướng cũng đã thống nhất cho phép các địa phương có thể căn cứ vào thực tiễn để bổ sung thêm các đối tượng lao động tự do khác bị mất việc hoặc bị giảm sâu thu nhập. Để tránh việc bổ sung không đúng đối tượng và trục lợi chính sách, việc bổ sung cần đáp ứng thêm các tiêu chí riêng. Ví dụ, đối tượng đó phải được xếp ở dưới mức chuẩn nghèo theo quy định của từng địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội) cũng cho rằng nhóm lao động tự do khó xác định bởi họ không có quan hệ, giao kết lao động. Do đó, việc theo dõi, thống kê và tổng hợp không dễ.

Theo ông Lợi, dù khó cũng phải quyết tâm làm. Vì trong đại dịch, nếu không cứu được sinh kế của người dân thì chúng ta sẽ thất bại trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe.

Để xác định đúng đối tượng trong nhóm này, ông Lợi cho rằng cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Theo đó, nếu người lao động đi làm tự do tại các khu công nghiệp, đô thị mà không có đăng ký tạm trú thì phải khai báo ở địa phương có xác nhận của thôn, của khu phố.

Nếu người lao động làm việc nơi khác có đăng ký tạm trú thì chính quyền nơi đó có trách nhiệm lập danh sách. Để tránh tình trạng khai trùng một đối tượng, cần có sự liên thông giữa các cấp địa phương và có sự giám sát chặt chẽ.

“Chính quyền địa phương các cấp là nơi quản lý dân cư phải chịu trách nhiệm trước nhân dân để tuyên truyền, phổ biến chính sách, rà soát, tổng hợp báo cáo và chi trả kinh phí hỗ trợ đến tay người được hưởng”, ông Lợi nói. Đồng thời, cần tăng cường sự giám sát của nhân dân và MTTQ các cấp.

Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm chính

Thông tin thêm trên VTV1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết vừa qua, ngành lao động, thương binh và xã hội đã tiến hành đánh giá, khảo sát và kiểm tra thực tiễn ở rất nhiều đơn vị. Nếu dịch tiếp tục như hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người. Trong trường hợp dịch tiếp tục bùng phát, tình trạng lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ tác động đến khoảng 3,5-4 triệu người.

Vì vậy, ông nhấn mạnh cần giải pháp quyết liệt để hỗ trợ những người này vượt qua khó khăn.

ho tro cac lao dong tu do vuot qua dai dich anh 2

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sẽ hỗ trợ đúng đối tượng và triển khai nhanh nhất, đảm bảo công khai, minh bạch. Ảnh: Hải Quân.

Để triển khai nghị quyết của Chính phủ nhằm hỗ trợ những người bị tác động bởi dịch, Bộ trưởng Lao động cho biết đơn vị này sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo… để hỗ trợ trong 3 tháng, thực hiện chi trả 1 lần, cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Người có công, bảo trợ xã hội sẽ do ngành LĐ-TB&XH tiến hành kê khai và trực tiếp chi trả; hộ nghèo và cận nghèo sẽ do UBND cấp xã trực tiếp quản lý kê khai và chi trả; đối tượng thuộc diện tạm dừng đóng bảo hiểm sẽ do BHXH cấp huyện chi trả…

Với doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương cho người lao động cũng có những ràng buộc nhất định để tránh trục lợi. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được vay ưu đãi khi đã trả 50% mức lương cho người lao động, việc trả lương từ nguồn vay ưu đãi không phải trả qua doanh nghiệp mà trả thẳng cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc hỗ trợ cũng theo chủ trương đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, hỗ trợ chủ yếu qua dịch vụ công, qua chuyển khoản hoặc bưu điện. Với những người có nhu cầu nhận tiền mặt hoặc người ốm đau, già cả, sẽ giao cho đơn vị dịch vụ chuyển tận gia đình.

Người đứng đầu ngành lao động khẳng định trong triển khai chính sách hỗ trợ, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo chính quyền địa phương cấp cơ sở là người chịu trách nhiệm toàn diện về việc triển khai tại địa phương.

Đề xuất bổ sung 5 tỷ hỗ trợ người bán vé số tại TP.HCM

Qua 3 lần rà soát, số người bán vé số tại TP.HCM tăng từ 12.000 người lên hơn 18.700 người. Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM đề xuất TP chi thêm tiền để hỗ trợ nhóm này.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm