Không có một sản phẩm phần cứng hay phần mềm nào không thể bị tấn công bởi tin tặc. Một dịch vụ cho dù có độ tin cậy đến đâu cũng tìm ẩn nguy cơ bị rò rỉ thông tin.
Nếu bạn quá tin tưởng vào các lời quảng cáo, vào những tên tuổi được định giá hàng tỉ đô la, có thể một ngày nào đó bạn sẽ phải hối tiếc khi thông tin, dữ liệu của mình bị xâm nhập, đánh cắp.
Việc hàng trăm ảnh "nóng" của các ngôi sao nổi tiếng trong giới giải trí lưu trữ trên iCloud bị phát tán vừa qua là một ví dụ.
Khi đã tham gia vào môi trường Internet, điều cần nhất là người dùng phải cảnh giác và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ rò rỉ thông tin. Dưới đây là những phương thức giúp bạn có thể bảo vệ bản thân mình trước hacker, hoặc ít nhất là khiến chúng phải rất khó khăn để xâm nhập.
Mật khẩu và việc quản lý mật khẩu
Có được mật khẩu mạnh là bước khởi đầu tốt để bảo vệ an toàn dữ liệu. Người dùng cần phải làm nhiều việc hơn là chỉ kết hợp các chữ cái và kí hiệu. Để giảm nguy cơ mật khẩu bị đoán ra hoặc bị crack bởi các chương trình, bạn nên sử dụng một ứng dụng quản lý mật khẩu và dùng mật khẩu được tạo thành từ các chữ số ngẫu nhiên với độ dài ít nhất 20 kí tự.
LastPass, Dashlane, RoboForm, mSecure, 1Password là những dịch vụ được đánh giá cao và có thể hoạt động trên nền web hoặc ứng dụng riêng.
Không chỉ tạo cho bạn các mật khẩu ngẫu nhiên, nó còn đưa ra cảnh báo khi bạn sử dụng cùng một mật khẩu trên nhiều trang web, một lỗi bảo mật hay gặp nhất hiện nay.
Khi sử dụng một mật khẩu ở nhiều nơi, trong trường hợp một trang web bị rò rỉ thông tin, toàn bộ những tài khoản khác sẽ bị hacker xâm nhập.
Xác thực hai bước
Xác thực hai bước đóng vai trò quan trọng, giúp ngăn chặn một thiết bị xa lạ truy cập vào tài khoản của bạn. Ví dụ, với tính năng xác thực hai bước của Twitter, khi bạn dùng một thiết bị mới đăng nhập tài khoản, máy chủ Twitter sẽ gởi một mật khẩu đến thiết bị di động để bạn nhập vào. Nói cách khác, bạn không thể đăng nhập nếu không có thiết bị di động của mình.
Người dùng sẽ nhận được cảnh báo mỗi khi có ai đó cố gắng truy cập vào tài khoản, ngay cả khi họ có được mật khẩu. Các dịch vụ của Apple, Twitter, Dropbox, Microsoft và Google đều có tính năng xác thực hai bước, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nó không được thiết lập mặc định và người dùng phải cấu hình lại.
Không sao lưu dữ liệu nhạy cảm vào điện thoại có kết nối trực tuyến
Các dịch vụ lưu trữ dữ liệu công nghệ điện toán đám mây được coi là an toàn, tuy nhiên sau vụ rò rỉ hình ảnh nóng của các sao nổi tiếng, nhiều người đã phải nhìn nhận lại vấn đề.
Nếu bạn có các hình ảnh, video, tài liệu nhạy cảm, hoặc các dữ liệu quan trọng như thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng... thì tốt nhất là tránh các dịch vụ lưu trữ trực tuyến.
Đừng bao giờ cho phép các dịch vụ như iCloud, Dropbox, Flickr, Google Drive tự động tải lên máy chủ đám mây của họ.
Thay vào đó, hãy để những dữ liệu này trong một ổ đĩa riêng và truy cập nó khi không kết nối Internet. Điều này không đồng nghĩa với việc khuyên bạn không dùng dịch vụ điện toán đám mây để sao lưu dữ liệu, nhưng với những dữ liệu nhạy cảm, hãy giữ nó an toàn trong một ổ đĩa và đặt mật khẩu truy cập.
Câu hỏi bảo mật
Tính năng này được hầu hết các trang web sử dụng để giúp người dùng trong trường hợp họ quên mật khẩu. Tuy nhiên, số câu hỏi mặc định khá hạn chế và câu trả lời thì rất dễ dàng tìm ra bằng cách sử dụng Google.
Vì vậy, chúng ta nên đưa ra những câu trả lời mã hóa theo cách nào đó khiến cho nó trở nên không có ý nghĩa.
Hãy chắc chắn rằng bạn dễ dàng nhớ câu trả lời nhưng nó không liên quan tới thực tế cuộc sống của bạn.
Đưa ra các thông tin sai lệch
Hầu hết các trang web đòi hỏi người dùng cung cấp thông tin cá nhân, và đa số mọi người đưa ra thông tin trung thực vì... lừa bịa ra chuyện khác và cảm thấy chẳng có gì quan trọng.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, thông tin sai lệch chính là công cụ rất mạnh để có thể "tàng hình" trên môi trường Internet.
Việc để sai ngày sinh, đưa ra thông tin giả công khai, bạn sẽ đánh lừa hacker khi chúng tìm thông tin của bạn để trả lời câu hỏi bảo mật.
Đặt mật khẩu bảo vệ tất cả các thiết bị
Bạn cần đặt mật khẩu cho tất cả smartphone, máy tính bảng và máy tính để bàn mà mình có. Các thiết bị này là một kho thông tin cá nhân khổng lồ. Nếu chúng bị đánh cắp, thủ phạm có thể dễ dàng biết rõ mọi thứ về bạn.
Ngoài ra, tất cả các địa chỉ liên lạc, danh bạ email, điện thoại sẽ lọt vào tay hacker và nguy cơ rất lớn là những người này trở thành mục tiêu của những kẻ tấn công.
Một lần nữa, hãy nhớ rằng không có gì là an toàn trước sự tấn công của tin tặc. Một số biện pháp phòng ngừa có vẻ quá mức cần thiết, tuy nhiên điều đó có ý nghĩa rất lớn, giúp bạn ngăn chặn hacker trước khi chúng bắt đầu và bảo vệ an toàn những dữ liệu nhạy cảm trong môi trường Internet.