Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm thế nào để trở thành 'đồng bọn' của con?

Mỗi câu chuyện được kể trong cuốn sách là một tình huống cụ thể, đặt ra và giải quyết những vấn đề mà những bậc làm cha làm mẹ còn lúng túng.

Tác giả Phúc Lai và 2 con tại Lễ ra mắt cuốn sách, ngày 22/12/2019. Nguồn: NXB Phụ nữ.

Làm bạn cùng con, hiểu được suy nghĩ, tình cảm của con, trở thành “đồng bọn” của con… là mong muốn của bất cứ bậc cha mẹ nào. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ cho rằng việc làm này vô cùng khó, đặc biệt là đối với những đứa trẻ đang bước vào ngưỡng cửa của tuổi dậy thì.

Thấu hiểu điều này và hơn hết là bằng chính những trải nghiệm trong đời sống của gia đình mình, tác giả Phúc Lai đã chia sẻ những câu chuyện, những “bí kíp” để các bậc cha mẹ không chỉ là phụ huynh, là người thầy hướng dẫn, mà còn là người bạn thân thiết đáng tin cậy để giải đáp những nghi ngại, thắc mắc và tiếp thêm sức mạnh cho con vững bước vào đời.

Lam the nao de tro thanh “dong bon” cua con? anh 1

Tác giả Phúc Lai và 2 con tại Lễ ra mắt cuốn sách, ngày 22/12/2019. Nguồn: NXB Phụ nữ.

Cuốn sách Chuyện cha con chúng ta làm “đồng bọn” của Phúc Lai do Nhà xuất bản Phụ nữ ra mắt mới đây không chỉ là sự tiếp nối những cuốn sách đã phát hành trước đây như Chuyện con chuyện cha (NXB Trẻ), Dạy con dạy cha (NXB Văn học), mà còn khẳng định tâm huyết của tác giả đối với lĩnh vực nghiên cứu giáo dục mà anh theo đuổi nhiều năm nay.

Tác giả Phúc Lai, tên thật là Ngô Ngọc Phương là Luật gia ở Hà Nội và là người chuyên nghiên cứu giáo dục. Anh cũng là người đồng hành cùng nhiều phụ huynh, học sinh Hà Nội với các khóa “Cảm thụ văn học” ngắn hạn và bơi lội...

Cũng giống như các cuốn sách trước đây, Chuyện cha con chúng ta là “đồng bọn” là tập hợp những bài viết của Phúc Lai phản ánh những trải nghiệm của anh về nuôi dạy con từ việc học đến việc chơi, từ việc nhìn nhận bản thân cho đến việc nhìn nhận cuộc sống… ở trên Blog và Facebook cá nhân.

Với 56 câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của gia đình, mà trung tâm là mối quan hệ của 3 cha con (tác giả, con trai lớn, tên thân mật là Bôn Ba Nhi Bá, con gái út là Bá Ba Nhi Bôn); cộng với lối kể chân thực, pha chút dí dỏm, Phúc Lai đã dẫn dắt người đọc đi vào từng tình huống cụ thể và chỉ ra cách mở lối đi chung giữa cha mẹ và con cái, cách dạy các con nên người, biết quan tâm người khác, khi trưởng thành các con sẽ là một người có kỹ năng sống tốt,… Anh cũng chỉ ra rằng một khi người cha vào cuộc, cùng với người mẹ, thì việc nuôi dạy con trong gia đình sẽ tốt hơn rất nhiều.

Giáo dục con trẻ theo như cách của Phúc Lai không phải là những điều to tát, mà đơn giản chỉ là việc dành thời gian chơi cùng con như sẵn sàng chạy bộ cùng con, bơi cùng con, hay thiết lập những cuộc đối thoại hàng ngày, hàng giờ, trao đổi với con tất cả mọi chuyện…

Lam the nao de tro thanh “dong bon” cua con? anh 2

Bìa sách Chuyện cha con chúng ta là “đồng bọn”.


Dạy con, làm “đồng bọn” cùng con phải xuất phát từ những điều đang diễn ra trong thực tế hàng ngày.

Đó là những bài học từ những điều rất nhỏ như dạy con vệ sinh cái bồn cầu (Lòng tự trọng), nuôi dưỡng ước mơ càng lâu càng tốt cho con (Cô tiên lông mi), dạy con gái phải chú ý đầu tóc, quần áo, vệ sinh cơ thể, răng miệng, cẩn thận chu đáo, ăn mặc đàng hoàng khi ra đường (Con gái là phải làm duyên).

Đó là thẳng thắn chia sẻ với con những điều về ông nội và những điều ngộ ra: “Khi lớn hơn con bây giờ một chút… vào cái tuổi dở dở ương ương, ba xung khắc với ông là chính… Ba nhận thấy việc ba và ông nội con xung khắc với nhau là do lỗi của ba đầu tiên. Ba nuôi dưỡng và thả lỏng một cái tôi quá lớn… Và ba quyết định thay đổi…” (Ông nội của con trai).

Đó là giải thích cho con về “Điểm G”: “Ai cũng có một “Điểm G” và ba muốn nói với con rằng, ngoài “Điểm G” trên cơ thể vật lý còn có cả “Điểm G” trong tâm hồn nữa” (Câu chuyện tình yêu thứ nhất “Điểm G” là điểm gì?).

Đó là không gò ép con vào những chỉ tiêu điểm số, khuyên con khi đi thi cần làm từ từ, cẩn thận viết thật đẹp, trình bày thật rõ ràng sáng sủa là được. Trong cuộc sống cũng như thế, chỉ cần làm tốt những việc bình thường, chứ không cần phải cao siêu. Những kết quả cao siêu nhiều khi đến từ kết quả bình thường (Giảm động giảm luôn cả chú ý).

Đó là khuyên con nên làm những điều vừa với sức của mình: “Không nhất thiết con phải là nhà kinh tế, là luật sư, là bác sĩ… mà hoàn toàn có thể làm công nhân, miễn là con tinh thông nghề nghiệp và yêu nghề… Nếu nhất nhất bố mẹ là cử nhân mà con phải là tiến sĩ thì hầu hết bậc cha mẹ và những người con trong xã hội, sẽ đau khổ lắm vì có phải ai cũng được như vậy đâu” (Con hơn cha là nhà có phúc).

Đó là chỉ cho con thấy được giá trị và lợi ích của lao động “Bài học đó con trai, hãy cầm dụng cụ đi, và học làm người thợ lành nghề đã rồi hay nghĩ đến chuyện phát minh, chúng ta sẽ không thành công nếu chúng ta không đi những bước nhỏ nhặt nhất của con đường” (Một ngày lao động giá trị bao nhiêu).

Đó là khuyến khích con làm những việc mà xã hội cần dù cho công việc đó có vất vả, hi sinh: “Với con cũng vậy, ba sẵn sàng khuyến khích con chọn nghề khó khăn, như đã từng trò chuyện với nhau: “Nếu đời gọi tên con, hãy đừng từ chối” (Câu chuyện hèn hạ thứ hai: Dũng khí của người cha).

Nhìn chung, mỗi câu chuyện được kể trong cuốn sách là một tình huống cụ thể, đặt ra và giải quyết những vấn đề mà những bậc làm cha làm mẹ còn lúng túng. Giá trị của cuốn sách chính là cung cấp những kỹ năng giản dị như chính cuộc sống, giúp chúng ta có thể áp dụng vào những chuyện đời thường mà bất cứ ai cũng có thể gặp.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm