Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc và Khoa Y Đại học Massachusetts đã tiêm một lượng hạt nano vào mắt chuột, làm chúng có thể thấy được tia hồng ngoại trong 10 tuần lễ.
Mắt người vốn không thể thấy được ánh sáng ngoài vùng khả kiến, bức xạ hồng ngoại hay tử ngoại đều vô hình đối với chúng ta. Thế nhưng bất cứ thứ gì phát ra nhiệt đều phát ra tia hồng ngoại. Từ lâu, người ta đã trang bị kính hồng ngoại cho binh sĩ nhằm tăng cường năng lực chiến đấu trong đêm.
Các con chuột thử nghiệm được thử thách bằng cách di chuyển qua mê cung. Ảnh: Getty. |
"Khi ánh sáng đi vào mắt và chiếu vào võng mạc, các tế bào hình que hoặc tế bào hình nón (các tế bào cảm quang) sẽ hấp thụ bước sóng ánh sáng khả kiến, gửi tín hiệu điện tương ứng đến não. Do bước sóng hồng ngoại quá lớn, các tế bào cảm quan không thể nhận thức được chúng", nhà nghiên cứu thuộc Khoa Y, Gang Han cho biết.
Các hạt nano được tiêm vào tế bào cảm quang trong mắt chuột và chiếm cứ ở đó. Khi ánh sáng hồng ngoại chiếu vào võng mạc chúng, các hạt nano thu những bước sóng hồng ngoại, sau đó chuyển đổi thành tín hiệu điện, phát ra các bước sóng ngắn hơn trong phạm vi ánh sáng khả kiến. Cuối cùng giúp chuột có thể thấy được tia hồng ngoại.
Do các nhà khoa học không thể tự nhìn thấy ánh sáng hồng ngoại, họ đã tạo ra một loạt nhiệm vụ mê cung để kiểm tra khả năng nhìn mới được cấp của những con chuột. Kết quả, chúng có thể thấy ánh sáng hồng ngoại ngay cả trong điều kiện ánh sáng ban ngày.
"Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng cả tế bào hình que, hình nón đều tạo liên kết với các hạt nano này và phản ứng tốt với nguồn ánh sáng hồng ngoại ở tầm gần", Tian Xue thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tác giả chính bài báo nghiên cứu cho biết.
Minh họa tế bào hình que và nón. Ảnh: Worldgenetics. |
"Vì vậy, chúng tôi tin rằng công nghệ này cũng sẽ hoạt động trong mắt người, không chỉ tạo ra siêu thị lực mà còn áp dụng cho các giải pháp trị liệu tình trạng thiếu thị lực màu đỏ của con người", cô nói.
Dù camera hồng ngoại bán rất nhiều trên Amazon, các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng tiêm dưới võng mạc có thể mang lại lợi thế lớn hơn cho con người, đặc biệt là trong mã hóa dân sự, an ninh và hoạt động quân sự. Không cần pin để vận hành là một trong số ưu điểm nổi trội của phương pháp này.
"Trong tương lai, chúng tôi nghĩ rằng có thể có cơ hội để cải tiến công nghệ với một phiên bản mới các hạt nano hữu cơ, được làm bằng những hợp chất được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận. Thậm chí, các hạt này có thể còn cho kết quả tốt hơn", Han nói.
Trong chiến tranh hiện đại, công nghệ này cũng có thể mang lại lợi ích rất lớn cho binh sĩ, đặc biệt trong chiến trường mà mọi vũ khí đều tàng hình như ngày nay.