Phiên thảo luận do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo điện tử Dân Việt điều phối cùng với các diễn giả: nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó tổng biên tập báo Tiền Phong; nhà báo Lê Anh Đạt - Phó tổng biên tập thường trực Báo Đại đoàn kết; nhà báo Hồ Trí - Đài Truyền Hình Việt Nam; nhà báo Võ Mạnh Hùng - Báo điện tử VietnamPlus; nhà báo Chu Trung Đức - kênh VOV giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam và đông đảo người làm báo, bạn đọc yêu mếm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra...
Phát biểu khai mạc tại phiên thảo luận, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: Đã nói đến phóng sự điều tra là làm một thể loại mà các tòa soạn đầu tư nhiều nhất, tốn nhiều tiền, tốn diện tích báo, nhuận bút. Đổi lại tác phẩm báo chí điều tra cũng có hiệu ứng trong xã hội lớn nhất.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, quan trọng chúng ta đầu tư như thế nào? đóng góp cho xã hội ra sao? chúng ta sẽ bàn thảo làm sâu hơn về những vấn đề này. Phiên thảo luận hôm nay có các nhà báo đã có nhiều kinh nghiệm, đoạt được nhiều giải thưởng báo chí về phóng sự điều tra. Tất cả sẽ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm về việc tìm kiếm, triển khai đề tài này.
Điều tra là khó, khổ và cô đơn
Theo nhà báo Phùng Công Sưởng: Phiên họp thật sự cần thiết trong thời điểm báo chí vừa phải làm kinh tế báo chí, thực hiện chuyển đổi số, bị cạnh tranh với mạng xã hội nhưng chúng ta vẫn luôn nói về một lĩnh vực cốt cán của báo chí. Một thể loại ra đời sớm và vẫn giữ được nguyên giá trị, một thể loại được coi là "búa bổ" có sức mạnh kinh khủng. Trước đây các bài điều tra có sức hút lớn, là "nền đá tảng" trên mỗi trang báo giấy, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Thể loại điều tra có sự tích hợp của nhiều thể loại báo chí khác, hội tụ đủ các thể loại báo chí, điều tra thường là những vấn đề lớn mà không thể loại nào có được. Người làm điều tra cần có kiến thức sâu rộng về pháp luật, hiểu biết xã hội.
Nói về triển khai các phóng sự điều tra ở nhiều tòa soạn hiện nay, nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ, đây có sự lúng túng hiện hữu ngay tại mỗi cơ quan báo chí dẫn đến thiếu hụt tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm điều tra chất lượng, thiếu những cơ quan báo chí phát triển mạnh mẽ thể loại này.
Nói về những khó khăn rủi ro, các vấn đề về pháp lý phóng viên điều tra gặp phải, nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, phóng viên điều tra dễ bị “phản công” nhất bởi đối tượng bị bài báo đề cập thường là các tổ chức, cá nhân có quyền, có tiền, có quan hệ đa dạng. vậy nên họ sẵn sàng “sống chết” với nhà báo. Trong nhiều trường hợp các nhà báo điều tra bị cô đơn (đồng nghiệp, cơ quan không hiểu), thị phi lời đồn đoán, dư luận không tốt sau mỗi tác phẩm, sau mỗi lần các đối tượng khiếu nại, khiếu kiện thậm chí tố cáo, vu khống…
Chia sẻ về những giải pháp để có những phóng sự điều tra hấp dẫn, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong chia sẻ: Cần tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm kỹ năng nghề nghiệp với các nhà báo điều tra có kinh nghiệm với mục đích truyền nghề, truyền cảm hứng cho các thế hệ phóng viên điều tra. Cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác...
Để an toàn hơn khi làm phóng sự điều tra
Theo nhà báo Lê Anh Đạt - Phó tổng biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết: Báo giấy nếu không có thể loại điều tra sẽ ít ai đọc, chúng ta cần có những tiếp cận mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi khó đoán trước được. Điều tra là một thể loại nguy hiểm, dễ bị kiện tùng, thậm chí đi vào vòng lao lý, điều này cho thấy thể loại này nguy hiểm và rủi ro như thế nào. Sai xuống vực, thắng lên vinh quang nhưng điều quan trọng là cuối cùng là chúng ta tạo ra những điều có ích cho xã hội.
Điều tra báo chí khác điều tra của công an và các cơ quan chức năng khác. Nhà báo không phải là công chức thi hành công vụ, được hỗ trợ công cụ bảo vệ và hành lang pháp lý đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ: phóng viên có thể trở thành tội phạm nếu không báo cáo, ví dụ như việc nhập vai đường dây mua bán hàng hóa pháp luật, tham gia sự kiện có vấn đề, đều này có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Nhà báo Lê Anh Đạt gợi ý, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, Tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để tránh những rủi ro sau này.
Đối tượng bị phản ánh có thể sử dụng tất cả mối quan hệ để làm thay đổi tình hình từ mua chuộc đến đe dọa, như: mối quan hệ quen biết, mối quan hệ công tác, mối quan hệ xã hội, mối quan hệ thân tình…
Nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh: "Các bài điều tra nên thực hiện từ sự ủng hộ của nguồn tin trung thành. Có nguồn tin, có bạn đọc thì có tất cả. Bởi vậy, cực kỳ nguy hiểm nếu bị nguồn tin phản bội. Ngoài ra cần coi trọng đến công tác lưu trữ tài liệu. Có những tác phẩm hoàn thành sứ mệnh, vấn đề đã được giải quyết, nhưng vẫn bị kiện, hầu tòa. Bởi vậy, việc lưu trữ tài liệu là cực kỳ quan trọng".
Cần có bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp
Có nhiều tác phẩm truyền hình hấp dẫn được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Hồ Trí chia sẻ: Làm phóng sự điều tra ngoài những khó khăn trong quá trình triển khai đề tài thì sau đó còn gắn với nỗi sợ hãi. Không phải vì nội dung hình ảnh nhạy cảm, bạo lực mà sợ khi được chia sẻ trên mạng xã hội có thể sẽ có những phản ánh trái chiều. Những hình ảnh chân thực được phát sóng có những ý kiến mà cho rằng đó dàn dựng… nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta làm đúng sẽ vượt qua được những áp lực từ dư luận đó.
"Ngoài ra, tôi nghĩ điều quan trọng hơn nữa là sự đồng hành, sự tin tưởng của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo trực tiếp quản lý đối với những thông tin, hình ảnh mà mình thu thập được. Tôi nghĩ hành trình làm điều tra là hình trình cô đơn, của những điều tiếng mà người làm báo điều tra phải vượt qua"- nhà báo Hồ Trí thông tin thêm.
Chia sẻ về hành trình dành được nhiều giải thưởng báo chí ở thể loại phóng sự điều tra, nhà báo Võ Mạnh Hùng cho biết: Tôi đã dành được 9 Giải Báo chí Quốc gia, để có những giải thưởng đó đầu tiên là sự ủng hộ của cơ quan, từ tòa soạn. Trong suốt hành trình, tôi được tạo điều kiện để vượt qua những khó khăn thử thách. Từ khi tôi được giải báo chí năm 2013 tôi luôn mong muốn theo đuổi lĩnh vực báo chí điều tra.
"Làm tác phẩm báo chí điều tra khó khăn nhưng cũng rất đầy vinh quang, làm điều tra có rất nhiều mối nguy hiểm, đó là nỗi sợ hãi, dễ bị phản bội, sự 'quay xe' của đồng nghiệp. Trong quá trình điều tra tôi đã gặp không ít những tình huống nguy hiểm khi đi tác nghiệp một mình. Bị các đối tượng, các doanh nghiệp tìm mọi cách để đe dọa, để can thiệp. Trong trường hợp này nếu không có sự ủng hộ từ đồng nghiệp, từ tòa soạn thì sẽ khó hoàn thành những tuyến bài chất lượng. Tôi hi vọng các bạn trẻ sẽ tiếp tục theo đuổi và đam mê hơn trong hành trình nhiều khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang này", nhà báo Võ Mạnh Hùng thông tin.
Còn nhà báo Chu Trung Đức - kênh VOV giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam thì cho rằng: "Mặc dù mới theo dõi mảng đề tài về điều tra, nhưng tôi nghĩ làm điều tra sẽ mở ra nhiều kỹ năng cho người làm báo mới vào nghề, nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đồng nghiệp. Phóng viên làm điều tra ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần vượt qua áp lực bị theo dõi, bị mua chuộc bằng rất nhiều tiền, thập chí phải đánh đổi các mối quan hệ, khi đã có những vụ việc bị can thiệp từ các mối quan hệ thân quen..."
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, phiên thảo luận rất có ích với mỗi người làm báo. Điều cả xã hội quan tâm, nhà báo mang lại gì cho xã hội, cho người dân. Tóm lược lại, có lẽ để làm điều có ích tốt hơn nữa với nhà báo điều tra là cần có 3 phẩm chất: Bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp. Ngoài ra, họ phải khẳng định mình làm việc có ích cho xã hội, cho nhân dân. Do vậy, điều kiện là cần dấn thân và đi tới cùng vụ việc.
"Tuy nhiên nếu chỉ có bản lĩnh mà thiếu tri thức thì không được. Phải hiểu được thực chất vấn đề, hiểu pháp luật quy định ra sao. Đây là hai điều rất quan trọng. Ngoài ra, để bạn đọc đón nhận phải là cách viết, cách trình bày thế nào bảo đảm tính thuyết phục, tính hấp dẫn" nhà báo Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ thêm.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Ở thể loại phóng sự điều tra, câu hỏi đặt ra là ai bảo vệ phóng viên làm điều tra. Trong thời gian qua Hội Nhà báo Việt Nam luôn luôn nghĩ về những người làm báo, khi họ tác nghiệp coi họ như đang ra trận. Tối nghĩ trước tiên cần bảo vệ nhà báo bằng pháp luật, bảo vệ những người dấn thân đi vào những đề tài khó.
"Tuy nhiên cần có những quy định rõ ràng hơn, ngoài ra cần có sự vào cuộc của những cơ quan đơn vị, những người thực thi pháp luật để bảo vệ người làm báo. Phóng viên bị lâm nguy khi tác nghiệp cần có sự bảo vệ của cả tập thể, người đứng đầu cơ quan báo chí. Tuy nhiên không ai bảo vệ mình tốt hơn là việc tự bảo vệ mình, phải trang bị cho mình đầy đủ kĩ năng, hiểu biết về pháp luật, hiểu về các vấn đề xã hội. Và điều quan trọng nhất là mình bảo vệ mình. Hãy biết bảo vệ mình trước khi được người khác bảo vệ. Muốn bảo vệ được lẽ phải, bảo được sự thật người làm báo phải biết bảo vệ mình trên mặt trật nguy hiểm là mặt trận điều tra" nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa cơ quan báo chí và pháp luật
Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.
Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí
Phiên thảo luận “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí” thuộc Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 (trong khuôn khổ Hội báo) với nhiều bài tham luận công phu.
Đổi mới sáng tạo số là động lực mới của báo chí
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.