Lâm tặc và 'thần rừng': Cuộc chiến không hồi kết ở Amazon
Thứ bảy, 26/8/2017 10:51 (GMT+7)
10:51 26/8/2017
Sau các cuộc đột kích của lực lượng chức năng, lâm tặc trở lại với các thiết bị khai thác mới và tiếp tục đốn hạ hàng nghìn ha cây cối trong rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ.
Một xe khách di chuyển trên đường cao tốc xuyên Amazon gần thị trấn Apui, miền Nam của Brazil, với những cánh rừng hai bên đường nay chỉ còn là đống tro tàn. Những cột khói mù mịt có thể quan sát được từ cách xa nhiều km đang ngày càng phổ biến bên trong nơi một thời là rừng rậm Amazon. Ảnh: Reuters.
Một khoảng rừng bị đốt cháy sau khi các nhóm lâm tặc đã khai thác xong. Khi lâm tặc rời đi, những khoảng rừng sẽ biến thành nơi chăn nuôi và canh tác ngũ cốc của nông dân. Tình trạng phá rừng tại Brazil đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Theo số liệu từ Hệ thống vệ tinh giám sát PRODES, khoảng 8.000 km2 diện tích rừng rậm Amazon đã bị tàn phá trong năm 2016, tăng 29% so với năm 2015 và tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Ảnh: Reuters.
Một bãi tập trung gỗ khai thác lậu bên trong nơi từng là rừng rậm Amazon. Lâm tặc đang ngày càng tiến sâu vào những vùng xa xôi nhất của Amazon để tìm kiếm địa điểm khai thác mới và trốn tránh lực lượng chức năng. Ảnh: Reuters.
Các nhân viên vũ trang Brazil đột kích trại khai thác gỗ lậu của một nhóm lâm tặc. Để đối phó với nạn phá rừng đang gia tăng, chính phủ Brazil đã triển khai chiến dịch Làn sóng Xanh với sự tham gia của các lực lượng vũ trang nhằm triệt phá các hoạt động phá rừng và khai thác gỗ lậu. Ảnh: Reuters.
Nhân viên chính phủ tịch thu máy cưa tang vật của vụ khai thác gỗ lậu. "Khoảng 1.300 nhân viên công lực đang kiểm soát diện tích rừng rộng tương đương Tây Âu", Jaime Pereira da Costa, điều phối viên chiến dịch Làn sóng Xanh tại thị trấn Apui cho biết. Theo Costa, lực lượng quá mỏng của nhà chức trách khiến nhiệm vụ bảo vệ rừng là "rất khó khăn", nếu không nói là "gần như vô vọng". Ảnh: Reuters.
Một trại khai thác gỗ lậu bị nhà chức trách thiêu hủy. Costa cho biết lâm tặc sẽ nhanh chóng trốn khỏi các khu trại và lẩn khuất vào rừng rậm, nơi các nhân viên chính phủ không thể tìm thấy. Chúng sẽ trở lại vài ngày sau với phương tiện khai thác mới khi lực lượng chức năng đã rời đi. Theo Reuters, nhà chức trách Brazil chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể ngăn cản hoàn toàn các hoạt động phá rừng tại Amazon. Ảnh: Reuters.
Không ảnh một khu vực rộng lớn trơ trụi tại phía nam của Amazon. Hiện trạng tồi tệ tại Amazon khiến nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đòi hỏi chính phủ Brazil phải hành động mạnh tay hơn. Năm 2015, tổ chức bảo vệ môi trường toàn cầu Greenpeace đã trình dự luật "Không phá rừng" lên Quốc hội Brazil cùng 1,4 triệu chữ ký ủng hộ. Dự luật hiện được xem xét và dự kiến sẽ được Quốc hội Brazil quyết định vào cuối năm nay. Ảnh: Reuters.
Loài voi ở Lào và cả toàn châu Á đang trong tình trạng báo động. Nhiều tổ chức và cá nhân đang nỗ lực từng ngày để mang lại cho loài động vật này cuộc sống chúng đáng được hưởng.
Nhện vằn được chế biến thành những món ăn hấp dẫn hay làm thuốc chữa bệnh và nghề săn nhện vằn Thái Lan từ lâu đã trở thành sinh kế của người dân ở Campuchia.