Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm sao để vượt qua nỗi hoang mang nơi xứ người?

Đi tới một miền đất lạ, nói một ngôn ngữ khác, hoà mình vào văn hoá khác, chắc chắn các du học sinh sẽ không thể tránh khỏi hoang mang.

Du học ký: Vạn dặm có chi? là cuốn sách về những người Việt trẻ bước chân ra thế giới với những bỡ ngỡ ban đầu, nhưng rồi đã vượt qua mọi rào cản để tìm thấy chính mình nơi xứ người.

Ước ao bữa cơm với rau muống luộc

Nỗi hoang mang lớn nhất mà một du học sinh phải trải qua có lẽ là cú sốc về ẩm thực. Theo Edin Huy - đồng tác giả sách - học nấu những món ăn Việt Nam là điều đầu tiên mà các du học sinh nên biết. Những món nước ngoài khó ăn, đầy bơ và sữa béo, không hợp khẩu vị, đồ ăn nhanh thì ăn mãi cũng chán, vậy nên “tối nay ăn gì?” luôn là một câu hỏi mang nhiều trăn trở. Một bữa ăn thuần chất Việt Nam với canh rau muống luộc có thể là niềm ao ước của biết bao du học sinh.

Nhung kho khan khi du hoc anh 1
Sách Du học ký: Vạn dặm có chi?

Nỗi hoang mang tiếp theo chính là vấn đề ngôn ngữ. Nếu bạn có IELTS 8.0 ở Việt Nam và tự tin rằng mình có thể thoải mái đi du học thì đáng tiếc là bạn đã nhầm to. Việc được điểm cao IELTS, TOEFL... hoàn toàn không đảm bảo bạn có thể giao tiếp tốt trong môi trường bản xứ. Như tác giả Minh Lương đã chia sẻ trong bài viết Những thứ không có trong balo, khi đi du học, rất có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng ù ù cạc cạc vì không hiểu các giáo sư nói gì. Du học cũng là… “đọc đến chết thôi", vì học ở nước ngoài, viết luận hay báo cáo quan trọng hơn việc phải làm bài kiểm tra cuối khóa, mà muốn viết cho hay thì bạn phải đọc rất nhiều.

Ở một mình nơi xứ người đồng nghĩa với việc phải đối mặt với sự cô đơn thường trực. Các du học sinh có lẽ sẽ cảm thấy đồng điệu với cô gái trong câu chuyện Sông dài cá lặn biệt tăm của tác giả Sơ Nguyên. Họ luôn phải tỏ ra mạnh mẽ, bản lĩnh khi ở bên ngoài, nhưng khi chỉ có một mình lại nằm gặm nhấm nỗi cô đơn, tự mình chống chọi với những khi ốm bệnh.

Đi du học là bước vào một thế giới khác, khi bạn đang là con cưng của cha mẹ bỗng trở thành cô “Lọ Lem" phải chắt chiu từng đồng tiền làm thêm để trang trải cho sinh hoạt phí đắt đỏ. Tác giả Tú Nguyễn đã chia sẻ trong cuốn sách rằng nhiều khi cô đứng trước Starbucks hồi lâu chỉ để đắn đo không biết có nên mua một cốc cà phê hay không. Bạn có thể uống cà phê cả tuần ở Việt Nam, nhưng một giờ đồng hồ làm thêm ở nước bạn cũng chỉ mua được ba cốc cappuccino mà thôi.

Vượt qua vùng an toàn của bản thân

Với các tác giả trong Du học ký: Vạn dặm có chi?, du học là một hành trình mà họ đã biến mình thành chú cá không chịu nằm yên trong vũng bùn lầy, muốn bơi ra ngoài biển lớn để tự mình ngụp lặn, muốn đi tìm những chân trời kiến thức, những phương pháp tư duy mới mẻ.

Như tác giả Tú Nguyễn, du học là bước qua vùng an toàn của bản thân với cái giá từ bỏ một công việc đáng mơ ước đầy triển vọng, để đi tới đất nước xa xôi học tập, làm thêm kiếm thêm thu nhập, cạnh tranh với biết bao bạn trẻ khác ở cái tuổi 30 đáng lẽ cần ổn định.

Nhung kho khan khi du hoc anh 2
Khi đã bước chân ra thế giới, trở về hay không luôn là câu hỏi lớn của du học sinh. 

Với Edin Huy, anh đã chọn đi để trở về, theo lời anh nói trong cuốn sách thì: “Mình vốn như một cái cây non vì những ham muốn tuổi trẻ, đã tự bứt mình ra khỏi mảnh đất thổ nhưỡng mà chạy đi xa, để rồi sau khi mệt mỏi, kiệt quệ quay về quê hương lại được đất mẹ êm đềm nuôi dưỡng”. Anh đã tìm thấy niềm đam mê của bản thân đối với tinh thần phương Đông, tìm thấy con người Việt Nam trong mình ở ngay tại nơi đất khách quê người.

Hay với tác giả trẻ nhất cuốn sách Scarlet, lần đầu đặt chân đến Canada em mới chỉ 14 tuổi, phải chịu nhiều sự kỳ thị và phân biệt vì ngoại ngữ kém, ít giao tiếp. Bằng nỗ lực, 4 năm sau cô bé ấy đã có thể tự tin làm thực tập sinh tại một trong những công ty phần mềm lớn nhất Vancouver khi vẫn đang học lớp 11.

Du học là một hành trình đầy khó khăn chưa ngờ tới, cũng chẳng kém gì vạn dặm thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng xưa kia; và Du học ký: Vạn dặm có chi? của nhóm tác giả tập hợp những câu chuyện đầy màu sắc như thế. Những bài viết trong sách không phải là cẩm nang thần kỳ giúp bạn giải quyết mọi vấn đề, mọi hoang mang bỡ ngỡ khi đi du học, nhưng nó có thể đem tới những góc nhìn mới mẻ và tiếp thêm động lực để bạn vững tin hơn trên con đường mình đã chọn.



Khuê

Bạn có thể quan tâm