Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta rất dễ bị nhấn chìm bởi những dòng thông tin tiêu cực trên mạng.
Tin tức là một phần quan trọng của cuộc sống, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại. Nhu cầu cập nhật thông tin là thiết yếu để kịp thời ứng phó với những thay đổi trước mắt.
Tuy vậy, việc dành quá nhiều thời gian lướt mạng có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tin tức có thể mang lại sự căng thẳng, lo âu. Một nghiên cứu năm 2020 cho biết những thông tin trên mạng xã hội thường dễ gây hoảng loạn.
Đối với những người có bệnh tâm lý, thông tin tiêu cực có thể làm trầm trọng các triệu chứng như rối loạn ăn uống, tự hoại, lo âu hoặc trầm cảm, theo The Conversation.
Tin tức và khả năng kích động tâm lý
Sự kích động tâm lý xảy ra khi một người gặp phải thông tin gây xúc động mạnh hoặc gợi nhớ sự việc đau thương trong quá khứ.
Biểu hiện của sự kích động bao gồm: suy nghĩ tiêu cực triền miên, nhịp tim tăng, thở dốc. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn sẽ gặp hệ quả về mặt thể chất như đau nhức người hay ăn, ngủ thất thường.
Nếu có những dấu hiệu trên khi xem tin tức, bạn có thể thực hiện một số cách sau đây để bình ổn tâm lý.
Tiếp nhận thông tin có chọn lọc
Bạn có thể điều chỉnh thời gian đọc tin phù hợp, tránh những lúc mệt mỏi, nhạy cảm hoặc căng thẳng. Đồng thời, bạn nên xác định loại tin khiến mình lo âu, kích động và hạn chế chúng.
Một số nguồn tin có cách viết hoặc nội dung khiến bạn căng thẳng bởi thái độ tiêu cực. Hãy cập nhật tin tức ở những trang phù hợp, tốt nhất là những nguồn chính thống.
Trong đại dịch, WHO khuyến nghị mọi người chỉ nên đọc tin tức Covid-19 từ những trang thông tin chính thức về sức khỏe và cập nhật tình hình hiện tại.
Bạn cũng có thể tập trung vào mặt tích cực bằng cách theo dõi tin tức về số người bệnh đã phục hồi hoặc tìm đến những câu chuyện ấm áp trong mùa dịch.
Kiểm soát cảm xúc
Bạn không nên đổ lỗi cho bản thân vì những cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, hãy nhận diện chúng và hiểu rằng bạn có quyền cảm thấy như vậy. Đồng thời, bạn cần nhận thức rằng mình có thể kiểm soát phản ứng của bản thân. Suy nghĩ đó giúp bạn chủ động lựa chọn cách đối phó tích cực.
Khi rơi vào tâm trạng xấu, bạn có thể thử lấy lại cân bằng tâm lý qua việc hít thở sâu, thiền định, cùng các phương pháp giúp đưa tâm trí trở về thực tại thay vì bị cuốn dòng suy nghĩ tiêu cực.
Chăm sóc sức khỏe
Đầu tư thời gian vào việc chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn phản ứng tích cực hơn trước những tình huống gây căng thẳng.
Bạn nên ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên (nhưng không quá mức) và ngủ đủ giấc. Tương tự, bạn có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách cân bằng công việc và cuộc sống, thực hành chánh niệm, đồng thời chia sẻ với gia đình, bạn bè.
Tìm kiếm sự trợ giúp
Nếu cần được tư vấn, bạn hãy liên hệ tới các tổ chức và chuyên gia tâm lý. Tìm kiếm sự giúp đỡ là hành động tích cực và mạnh mẽ, cho thấy bạn dám đương đầu với vấn đề. Hãy hiểu rằng bạn không cô đơn.
Những cảm xúc tiêu cực là không thể tránh khỏi trong khoảng thời gian đầy biến động này. Dù đã hạn chế xem tin tức và giữ tinh thần tích cực, bạn vẫn có thể cảm thấy choáng ngợp và mệt mỏi. Đó là điều hoàn toàn bình thường.
Quan trọng hơn, bạn cần hiểu rằng một phương pháp không thể áp dụng cho tất cả. Bạn có thể sẽ mất khá lâu để tìm ra cách đối phó phù hợp. Bởi vậy, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn.