Trong khi các nền kinh tế lớn khác đang loay hoay hạ nhiệt lạm phát, lạm phát của Trung Quốc ở mức thấp nhất 1,5 năm. Ảnh: Bloomberg. |
CNBC nhận định lạm phát thấp nhất kể từ tháng 9/2021 của Trung Quốc cho thấy nhu cầu tại đất nước 1,4 tỷ dân vẫn yếu. Điều này cho thấy quá trình phục hồi không đồng đều của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Đáng nói, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục lao dốc mạnh, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp.
Cụ thể, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 1% của tháng 2.
Nhu cầu còn yếu
Con số này cũng thấp hơn dự báo của giới quan sát. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát cho rằng CPI tháng 3 của Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng 1% của tháng 2.
"Báo cáo lạm phát tháng 3 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế này đang trải qua quá trình thiểu phát, tức sự chậm lại trong quá trình tăng giá cả", chuyên gia kinh tế Zhou Hao tại Guotai Junan International nhận định.
Theo vị chuyên gia, nhờ vậy, Trung Quốc sẽ có nhiều dư địa hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu.
Báo cáo lạm phát tháng 3 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế này đang trải qua quá trình thiểu phát, tức sự chậm lại trong quá trình tăng giá cả
Chuyên gia kinh tế Zhou Hao tại Guotai Junan International
Giá lương thực tại Trung Quốc đã giảm 1,4% trong tháng 3 và lao dốc 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm của tháng 2 là 2,6%.
Giá lương thực lao dốc đã kéo CPI tháng 3 giảm 0,3% so với tháng trước đó, sau khi lao dốc 0,5% trong tháng 2.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là khoảng 3%. Vào năm 2022, CPI của Trung Quốc tăng 2% so với năm 2021.
Trong khi đó, PPI tại nền kinh tế thứ 2 thế giới đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số giá sản xuất lao dốc 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa tốc độ sụt giảm 1,4% hồi tháng 2 và sát với dự báo của giới quan sát.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm Covid-19 về 0.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn không đồng đều. Lĩnh vực dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất bị mất đi động lực vì số đơn hàng xuất khẩu còn yếu.
Vực dậy nền kinh tế
Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Lý Cường cho biết Bắc Kinh cần "thử mọi biện pháp" nhằm ổn định hoạt động xuất khẩu sang các nước phát trước. Ông cũng cảnh báo rằng mối lo ngại chính vẫn là tác động từ sự suy yếu của kinh tế toàn cầu đối với kinh tế trong nước.
Trung Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, vốn đang trượt dài trong khủng hoảng thanh khoản. Ngành này được coi là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế thứ 2 thế giới trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh kìm hãm làn sóng đầu cơ bất động sản và giảm đòn bẩy tài chính đã giáng đòn lên ngành địa ốc. Hàng loạt công ty địa ốc vỡ nợ, những dự án nhà ở dang dở vì thiếu vốn, người mua nhà dừng thanh toán lãi vay thế chấp, giá nhà giảm mạnh.
Kể từ đầu năm nay, các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh đã phát huy tác dụng. Theo một cuộc nghiên cứu của Hệ thống Chỉ số Bất động sản Trung Quốc (CREIS) về giá nhà tại 100 thành phố trên toàn quốc trong tháng 3, giá trung bình trên mỗi m2 của một căn hộ mới xây tăng nhẹ 0,02% so với tháng 2.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.