Theo CNBC, tình trạng chi phí nhiên liệu, giá thực phẩm tăng cao đã kéo lạm phát hàng năm của Anh trong tháng 2 đạt 6,2%, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992. Con số này vượt xa dự đoán 5,9% của giới chuyên gia từ Refinitiv và mức CPI 5,5% ghi nhận vào tháng 1.
Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI đạt 0,8%, vượt quá kỳ vọng ban đầu là 0,6%. Đây cũng là mức tăng CPI hàng tháng lớn nhất kể từ đầu năm 2009.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tăng lãi suất trong 3 cuộc họp liên quan đến chính sách tiền tệ. Chi phí đi vay từ mức thấp lịch sử là 0,1% nâng lên thành 0,75%. Mức tăng này được dự đoán sẽ kiềm chế lạm phát mà không cản trở tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ lạm phát của Anh cao thứ hai trong nhóm G7. Ảnh: Refinitiv. |
Ủy ban Chính sách Tiền tệ cho biết thu nhập của các hộ gia đình Anh sẽ bị siết chặt trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Giới hoạch định chính sách dự đoán lạm phát sẽ đạt đỉnh 8% trong quý II/2022.
Chỉ số giá tiêu dùng bao gồm chi phí nhà ở của chủ sở hữu (CPIH) đã tăng 5,5% trong 12 tháng tính đến tháng 2/2022, đồng thời tăng 4,9% trong 12 tháng tính đến tháng 1.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), nhà ở và dịch vụ gia đình đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát CPIH 12 tháng của tháng 2/2022, tổng cộng 1,39%, chủ yếu từ điện, khí đốt, nhiên liệu khác, chi phí nhà ở của chủ sở hữu. Ngoài ra, lĩnh vực giao thông góp 1,2%, chủ yếu từ nhiên liệu động cơ và ôtô đã qua sử dụng.
ONS nhấn mạnh hóa đơn năng lượng hộ gia đình đã tăng 25% so với năm ngoái. Trong đó, xăng dầu là động lực lớn nhất thúc đẩy giá cả tăng vọt.
Anh hiện có tỷ lệ lạm phát hàng năm cao thứ hai trong nhóm các nước G7, sau Mỹ và trên Nhật Bản, Italy, Đức, Pháp, Canada.