Theo thông tin được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/5, nguyên nhân chính của lạm phát là nền kinh tế phục hồi và giá năng lượng tăng cao.
CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 4,2% so với một năm trước đó, cao hơn dự đoán 3,6% trong cuộc khảo sát của Dow Jones. Như vậy, CPI của Mỹ đã đạt mức tăng kỷ lục kể từ tháng 9/2008.
Giá năng lượng nói chung tăng 25% so với một năm trước đó. Riêng xăng và dầu nhiên liệu tăng giá lần lượt 49,6% và 37,3%.
Ngoài giá cả leo thang, một trong những lý do dẫn đến mức tăng hàng năm lớn là lạm phát ở mức rất thấp vào thời điểm cùng kỳ năm 2020. Khi đó, dịch Covid-19 khiến Mỹ phải đóng cửa nền kinh tế trên diện rộng.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số nhà kinh tế học cho rằng lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 2% vào cuối năm - mục tiêu lạm phát của FED.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng vọt do nền kinh tế phục hồi và giá năng lượng tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức FED đã nhiều lần khẳng định sẽ không tăng lãi suất hoặc giảm mua trái phiếu cho đến khi lạm phát trung bình ở mức 2% trong một khoảng thời gian dài.
"Chúng tôi cho rằng báo cáo (của Bộ Lao động Mỹ) sẽ thay đổi quan điểm của các quan chức FED cho rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời", ông Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics, nhận định.
Các thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt đỏ lửa sau báo cáo của Bộ Lao động Mỹ. Tính đến 11h24 sáng ngày 12/5 (theo giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và NASDAQ lao dốc lần lượt 0,83%, 1,14% và 1,71%.
Giá cả tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung không theo kịp nhu cầu. Riêng giá gỗ xẻ đã tăng 124% trong năm 2021. Đồng cũng tăng giá gần 36%.