Mới 22 tuổi, nhưng Nguyễn Ngọc Hiệp đã là chủ của cơ sở điêu khắc gỗ mang tên Lạc Việt (thôn 8, xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) với lợi nhuận hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ khiến người dân trong vùng nể trọng bởi ý chí vượt khó, chàng trai trẻ này còn thuyết phục họ ở tấm lòng với người nghèo, nhất là thanh niên trẻ thất nghiệp, bỏ học.
Khó khăn không nản chí
Ghé thăm cơ sở điêu khắc gỗ Lạc Việt do Hiệp làm chủ, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc hết sức khẩn trương. Nhóm thợ 7 người của cơ sở đang cố gắng hoàn thành lô hàng tượng Phật gỗ cho khách hàng ở TP.HCM. “Nghề này rất vất vả, đòi hỏi sự dẻo dai, nhất là óc sáng tạo và sự nhạy bén ở người thợ. Cầm khúc gỗ trên tay, người thợ phải biết mình sẽ làm gì với nó. Ai theo nghề này phải có cái duyên và đam mê thực sự, nếu không thì khó mà gắn bó lâu dài với nó” - Hiệp cho biết.
Nguyễn Ngọc Hiệp (trái) luôn hướng dẫn tận tình cho những bạn trẻ khi họ đến học nghề tại cơ sở điêu khắc gỗ Lạc Việt |
Hiệp là anh cả trong một gia đình có 3 anh em. Cha Hiệp không may bị ảnh hưởng do di chứng thời chiến tranh để lại, mắt trái mù lòa, cánh tay trái bị cụt nên chỉ quanh quẩn với vài việc nhẹ. Cả gia đình trông vào người mẹ với nghề làm thuê, ai kêu gì làm đó. “Mẹ làm quần quật cả ngày trong khi sức khỏe của cha ngày càng tệ, nhất là lúc trái gió trở trời. Năm tôi học lớp 6, thấy con mê nghề điêu khắc, cha đã xin cho tôi vào học nghề ở xưởng gỗ ngay cạnh nhà” - Hiệp nhớ lại.
Việc học nghề ban đầu không hề suôn sẻ vì ngoài thời gian học ở trường, Hiệp và các em còn phải phụ mẹ chăm sóc cha. Học xong lớp 9, Hiệp quyết định nghỉ và dành trọn thời gian cho việc học điêu khắc gỗ. Tinh thần ham học hỏi cộng với khiếu quan sát và óc sáng tạo của cậu học trò đã thuyết phục được chủ xưởng điêu khắc.
Nặng lòng với người nghèo
Với 20 triệu đồng vốn tích góp được sau 3 năm đi làm, năm 2010, Hiệp quyết định mở một cơ sở điêu khắc gỗ tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Một tay Hiệp làm tất tần tật mọi thứ, từ việc tìm nguồn nguyên liệu, mua sắm máy móc, chế tác sản phẩm đến bán hàng. “Thời gian đầu, do sản phẩm làm ra thiếu sự đột phá nên cơ sở rất vắng khách. Những lúc có đơn hàng lớn thì cơ sở không thể kham nổi do thợ quá ít” - Hiệp kể lại.
Năm 2013, Hiệp quyết định trở về quê nhà Quế Sơn, thuê đất dựng cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ mang tên Lạc Việt trên diện tích gần 90 m2. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, ngoài việc mạnh dạn thay đổi phương thức tiếp thị, Hiệp còn dày công nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách. Ngoài sản phẩm chủ lực là tượng Phật, cơ sở còn sản xuất thêm câu đối, bức hoành phi... Đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, đặc biệt là sự tâm huyết với nghề của ông chủ trẻ giúp làm ra những sản phẩm độc đáo, có hồn. Với những nỗ lực ấy, chỉ thời gian ngắn, khách hàng tìm đến cơ sở Lạc Việt để đặt hàng ngày càng nhiều.
Khi đơn đặt hàng từ TP Đà Nẵng, TP.HCM bắt đầu nhiều cũng là lúc Hiệp tuyển dụng thêm thợ, chủ yếu là thanh niên ở địa phương bỏ học hoặc không có việc làm ổn định. Ngày lại ngày, ông chủ trẻ đem hết tâm huyết truyền nghề cho lứa thợ đàn em. Tấm chân tình ấy của Hiệp đã giúp 30 thanh niên tại địa phương có việc làm ổn định, thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng/người. “Dạy nghề cho các em, tôi suy nghĩ đơn giản đó là trách nhiệm của mình với quê hương” - Hiệp thổ lộ.
Mỗi tháng, trừ chi phí từ tiền thuê đất, tiền nhân công, ăn uống…, cơ sở Lạc Việt có thể thu về gần 20 triệu đồng. Năm 2013, cơ sở của Hiệp thu được hơn 200 triệu đồng - điều mà bất cứ thanh niên trẻ nào, nhất là ở vùng quê, cũng đều mong ước. Làm “ông chủ” vừa giỏi nghề vừa hảo tâm nên Hiệp được nhiều người dân cũng như chính quyền địa phương quý mến, nể trọng. Điều ấy là liều thuốc tinh thần giúp Hiệp vững tin hơn vào sự lựa chọn của bản thân.