Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm giầy giáp Tết kiếm 30 triệu/tháng

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam (Phú Yên, Phú Xuyên) gắn bó với nghề làm giầy hơn 20 năm. Những tháng cận Tết, ông phải huy động cả nhà cùng sản xuất, thu nhập 30-35 triệu/tháng.

“Từ tháng 10 Âm lịch đến Tết, giầy dép bán chạy, lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng. Thu nhập gấp 2, 3 tháng đầu năm”, ông Nam chia sẻ. Ông Nam cho biết, mỗi loại giầy, tuỳ vào chất lượng và kiểu dáng mà có giá khác nhau. Giầy loại thường, kiểu đơn giản giá bán buôn từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng/đôi, loại mẫu mã phức tạp có giá 150.000 – 170.000 đồng/đôi. Còn những loại khách về tận nơi đặt làm, giá có thể lên đến gần 1 triệu đồng/đôi.

Làm giầy da có thu nhập cao, nếu cả gia đình cùng tham gia sản xuất thì thu nhập trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: Phương Nhung.
Kèm làm giầy, về mùa hè gia đình ông cũng nhận làm thêm mặt hàng dép da. Giá dép da rẻ hơn, khoảng 80.000 – 120.000 đồng/đôi. “Làm giầy vất vả do nhiều công đoạn hơn làm dép. Tuy nhiên, mặt hàng giầy bán chạy quanh năm chứ không phụ thuộc vào thời tiết như hàng dép”, ông Nam chia sẻ.

Gia đình ông Nam nhận làm giầy hoàn chỉnh chứ không làm theo công đoạn. Mỗi lần nhận 4-5 mẫu, thường 3 tháng đổi mẫu một lần. Ông cho biết, làm giầy hoàn chỉnh gồm 3 công đoạn chính: làm mũ, gò giầy và trang trí. Theo ông, công việc làm mũ giầy nhẹ nhàng, nhưng mất nhiều thời gian tỉ mẩn. Công việc này thường do vợ ông đảm nhận. Còn công đoạn gò và trang trí đòi hỏi tay khoẻ, có sức nên thường do cánh đàn ông trong nhà phụ trách. Trung bình, mỗi ngày, 4 người gia đình ông làm được 20-25 đôi giày.

Làm giầy da cơ bản gồm 3 công đoạn: làm mũ, gò và trang trí giầy.
“Bình thường, 2 ngày xuất hàng một lần. Nhưng mấy tháng Tết, ngày nào cũng có người đến lấy hàng”, ông chia sẻ. Đa phần, khách của ông là người mua buôn ở Hà Nội, còn ở Hoà Bình, Sơn La hoặc mạn Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng thường một, 2 tuần mới đến lấy hàng một lần.
Các công đoạn cần khéo léo và nhiều sức, đặc biệt là gò giầy.
Học và làm giầy từ năm 16 tuổi, chị Nguyễn Thị Ngọc, cũng quê ở Phú Xuyên, lấy chồng cùng nghề. Hai anh chị làm giầy da cao cấp, bán trực tiếp ở cửa hàng kèm bán online, thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Những tháng giáp Tết, anh chị có thể kiếm được 30 triệu đồng/tháng.

Chị Ngọc cho biết, giá bán tại cửa hàng chênh từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi đôi. Tại cửa hàng chị, giầy dép nam bán lẻ, giá từ 300.000 – 500.000 đồng/đôi. Giầy dép nữ thấp hơn, 250.000 - 400.000 đồng/đôi. Bán online trên mạng, giá nhỉnh hơn từ 40.000 – 50.000 đồng/ đôi do mất tiền chuyển hàng cho khách. “Do giầy làm thủ công nên rất nhiều người thích, thỉnh thoảng còn có khách nước ngoài đến mua. Nhiều người còn trực tiếp đến đặt giầy da cao cấp, giá lên đến 3-4 triệu/đôi”, chị kể.

Các mẫu giầy thường có sẵn nhưng vẫn đòi hỏi kỹ năng cao và khéo léo.
Thời gian hè, chị Ngọc cũng nhận làm túi da handmade cho khách đặt. Tuỳ chất liệu da, giá cả từng chiếc khác nhau. Với loại da tốt, mảnh nhỏ, giá túi từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/chiếc. Loại da mảnh liền to, giá trên dưới 1 triệu đồng/chiếc. Mỗi chiếc túi xách da, chị làm 2-3 ngày mới xong.

“Làm giầy mệt và vất vả”, chị Ngọc tâm sự. Thường ngày, hai vợ chồng chị phải dậy từ tờ mờ sáng để làm, nếu chăm chỉ đến tôi thì sản xuất được từ 7-8 đôi/ngày. Nhiều thời gian khách tới mua dồn dập, anh chị phải làm đến 2-3 giờ sáng.

Nghề làm giầy độc hại do tiếp xúc trực tiếp với các chất hoá học từ keo, mùi giầy, cao su.
Còn với ông Nam, làm giầy không nặng nhọc đi lại, chỉ ngồi một chỗ nhưng khá mệt. “Làm nghề gì khổ nghề ấy!”, ông nói. Ông Nam cho biết, chất keo, xi, đế giầy cao su là những chất hoá học mà người làm giầy thường xuyên tiếp xúc trực tiếp. “Những người làm nghề này hay bị xoang, khó thở, thậm chí là ung thư”, ông nói.

Phương Nhung

Bạn có thể quan tâm