Trừ những model cao cấp từ Sony, Samsung... phần lớn smartphone hiện nay không có tính năng chống nước. Kết cục thường thấy của những chiếc điện thoại bị nhúng nước là hỏng bo mạch bên trong do chập điện, dẫn đến không thể sửa chữa. Tuy nhiên, nếu hành động kịp thời và đúng cách, những chiếc điện thoại bị rơi vào nước vẫn có thể hoạt động trở lại bình thường.
Nhanh chóng tắt nguồn và tháo rời pin, khay SIM, thẻ nhớ và thấm khô. Ảnh: WikiHow. |
Các bước cứu điện thoại rơi vào nước
Khi rơi máy xuống nước, điều đầu tiên người dùng cần làm là lấy ngay chiếc điện thoại ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Sau đó, người dùng nên tắt máy ngay lập tức, cho dù điện thoại vẫn còn hoạt động tưởng chừng như bình thường. Nước có thể gây nên hiện tượng đoản mạch và gây hỏng điện thoại. Tháo tất cả những thành phần rời của điện thoại như SIM, thẻ nhớ và cả Pin.
Tiếp đến, bạn có thể thấm khô điện thoại bằng khăn. Tránh lau quá mạnh vì sẽ khiến nước bên trong máy loang ra, gây hư hỏng các bo mạch. Hãy chấm nhẹ để thấm bớt nước khỏi điện thoại. Không nên sử dụng máy sấy. Nhiệt độ sẽ làm nóng các bo mạch và làm hỏng điện thoại.
Sau đó người dùng có thể cho điện thoại của mình vào một bọc dây kéo, đổ đầy gạo và để trong vòng 2-3 ngày. Ngoài gạo, có một thứ có thể làm cho điện thoại khô nhanh hơn, đó là cát vệ sinh cho mèo. Bởi vì trong sản phẩm này có chứa một loại silica gel, thường thấy trong các gói hút ẩm thực phẩm.
Bỏ điện thoại vào bao gạo hoặc tốt nhất là cát vệ sinh của mèo để hút ẩm. Engadget. |
Nếu sau 2 ngày, điện thoại vẫn không hoạt động, hãy sạc lại điện thoại. Nếu vẫn không lên nguồn, người dùng nên thay Pin và thử lại, hoặc đưa đến trung tâm để sửa chữa những phần bị tổn hại.
Những điều không nên làm
Nhiều người dùng thường nôn nóng mở điện thoại lên để kiểm tra xem còn hoạt động không sau khi rớt vào nước. Tuy nhiên, hành động này có thể giết chết chiếc điện thoại. Đừng nhấn bất kì một nút nào cả.
Nhiều người cũng hay lắc hoặc dũ bớt nước ra sau khi vớt điện thoại lên, nhưng điều này chỉ khiến cho những hạt nước bên trong lan sâu vào các linh kiện bên trong.
Hãy gỡ bỏ những bộ phận cần thiết như SIM, thẻ nhớ và Pin (nếu có thể), đừng tháo rời các bộ phận khác nếu bạn không phải trong chuyên ngành. Người dùng có thể làm tróc tem bảo hành, gây mất hiệu lực bảo hành cho điện thoại của mình nếu không cẩn thận.
Nên nhớ, không làm ấm cũng như làm lạnh thiết bị. Bởi các bo mạch sẽ bị hư hỏng khi nhiệt độ cao quá mức. Khi bị làm lạnh, chất lỏng sẽ đặc lại, bám vào điện thoại lâu hơn, gây khó khăn trong việc làm khô và sửa chữa.