Xây dựng chính sách thế nào để người lao động gắn bó với hệ thống an sinh, không rút BHXH một lần, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ mang thai, xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH… Đây là một số vấn đề được đặt ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 28/3.
Khảo sát nhanh tại Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội bằng lấy mẫu ngẫu nhiên tại 30 doanh nghiệp, kết quả cho thấy chỉ có 7 doanh nghiệp không có hiện tượng rút BHXH một lần. |
Băn khoăn cả hai phương án
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Ngô Thị Liên, khảo sát nhanh tại Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội bằng lấy mẫu ngẫu nhiên tại 30 doanh nghiệp, kết quả cho thấy chỉ có 7 doanh nghiệp không có hiện tượng rút BHXH một lần. Việc rút BHXH một lần không phải là chuyện hiếm trong công nhân lao động hiện nay.
Lý do theo phản ánh từ phía công nhân là họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút BHXH một lần nữa. Một số người lao động khác cho rằng, tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Từ đó, đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục BHXH được nữa nên nhu cầu hưởng BHXH một lần là đương nhiên.
Trong khi đó, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra hai phương án rút BHXH một lần là phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu.
Phương án hai, tất cả các nhóm lao động có thời gian đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia đều được rút nhưng không quá 50%, số còn lại sẽ bảo lưu để hưởng chế độ sau này. Phương án 1 thì hạn chế quyền được rút BHXH của người lao động. Phương án hai thì không khả thi vì tiền lương đóng BHXH của công nhân không cao, rút 50%, 50% còn lại sau này có được hưởng chế độ cũng chẳng được bao nhiêu mà cũng phải vài chục năm nữa đủ tuổi mới được hưởng.
“Sẽ không ai muốn rút BHXH một lần nếu như việc để lại có lợi cho họ. Đó là điều mà dự thảo Luật chưa nêu ra được. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động”, bà Ngô Thị Liên kiến nghị.
Nhiều quy định chưa phù hợp thực tế
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì cơ bản dự thảo Luật BHXH đã thể chế hóa được quan điểm của Đảng về phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có những quy định chưa thực tế, chưa thoả đáng được quyền của người lao động khi tham gia vào hệ thống an sinh này.
“Tôi ví dụ như chế độ thai sản của lao động nữ khi tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng là 2 triệu đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu. Nhà nước hiện triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ, quan tâm đến lao động nữ. Trong tương quan so sánh với các chính sách hiện nay thì mức hỗ trợ này là quá thấp. Đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mực hỗ trợ này”, TS Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
TS Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, theo dự thảo luật việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Quy định này nhằm tạo cơ hội tham gia BHXH cho những lao động lớn tuổi như nam 45 hay nữ 47 tuổi có cơ hội tham gia BHXH để sau này có lương hưu. Tuy nhiên, nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, do đó thời gian đóng ngắn thì lương hưu thấp. Dự thảo luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng, nếu như quy định trong dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp. Cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu.
Cũng liên quan đến chế độ thai sản, theo Phó ban Tuyên giáo - Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Phạm Thu Thưởng, mức hưởng thai sản hiện nay là 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Điều này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động nữ, đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời cũng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế về chính sách phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, chính sách hiện nay còn một số tồn tại hạn chế mà dự thảo Luật BHXH sửa đổi phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
“Chính sách hiện nay còn nhiều kẽ hở dẫn đến tình trạng trục lợi quỹ ốm đau, thai sản. Ví dụ, quy định chỉ cần đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con là được hưởng chế độ thai sản 6 tháng khi sinh con (sinh một con) dẫn đến tình trạng người lao động gửi đóng hoặc chỉ đi làm đóng BHXH 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sau đó thôi việc”, bà Thưởng nói.
Trong khi đó, theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần có thêm các quy định để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Chẳng hạn như việc doanh nghiệp nợ BHXH, dự thảo Luật cần có thêm quy định, đối với những doanh nghiệp nợ BHXH còn đang hoạt động, cơ quan BHXH có trách nhiệm chốt số nợ tiền BHXH thực tế của người lao động và số lãi để doanh nghiệp có phương án đóng gốc trước, lãi sau. Đối với những doanh nghiệp ngừng hoạt động nợ BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm chốt số tiền BHXH thực tế của người lao động để doanh nghiệp đóng trước kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động, còn tiền lãi lên phương án trả sau khoản nợ gốc. Chứ cứ cộng dồn như hiện nay doanh nghiệp không thể thực hiện được ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động.
“Còn đối với các trường hợp trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý cần có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm, trốn đóng BHXH để áp dụng các biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Thuý Hà nêu ý kiến.