Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm gì để giải quyết nhanh 'nút thắt' về nợ xấu?

Các chuyên gia cho rằng, phải có tiền để xử lý nợ xấu, nếu không, phải có cơ chế tạo tiền cho công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng nhịp độ đang chững lại. Các chuyên gia cho rằng, phải có tiền để xử lý nợ xấu, nếu không, phải có cơ chế tạo tiền cho công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Không thể cứ "tay không bắt giặc"

Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tối 9/9, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu và các đại biểu Quốc hội.

Nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm.

Nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nợ xấu có nguy cơ gia tăng trở lại do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt. Nguyên nhân theo ông Kiên cũng là bởi thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu. "Việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu chậm được khắc phục, hoàn thiện. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức tín dụng chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC," ông Kiên cho biết.

Ngoài ra, ông Kiên còn cho rằng do VAMC chưa có những cơ chế hỗ trợ đặc thù nên hoạt động còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng chỉ ra, mặc dù tỷ lệ nợ xấu hiện nay là hơn 4,7% nhưng lại là vấn đề không hề đơn giản, bởi đó là điểm nghẽn của các tổ chức tín dụng và là nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm nợ xấu trong thời gian sớm nhất, chứ không thể để dây dưa mãi được. "Chúng tôi đã không kỳ vọng quá nhiều vào công ty mua bán nợ VAMC. Tôi cho rằng, tự thân các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu bằng nguồn tài chính của họ. Nếu họ tự giải quyết được thì đã không cần bàn đến nữa. Cho nên bắt buộc theo phải có một dòng vốn bên ngoài bơm vào để kích thích. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang 'tay không bắt giặc'. Đó là một hạn chế," ông Lịch phân tích.

Theo ông Lịch, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực giải quyết nợ xấu và thực tế, với việc áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ... đã mang đến những hiệu quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được khoảng 201.000 tỷ nợ xấu, trong khi VAMC cho đến hiện nay chỉ mới mua được 56.000 tỷ nợ xấu.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, dù tiến trình tái cấu trúc hệ thống đang đạt được một số kết quả nhưng tiêu cực vẫn còn mà vi phạm của Ngân hàng Xây dựng vừa qua là một ví dụ. Ông nói thêm: “Một tư tưởng đè nặng hiện nay là cứ chương trình gì cần đến tiền lại là ngân hàng. Từ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội đến các chương trình tín dụng quốc kế dân sinh như tam nông, đánh bắt xa bờ, rồi cả mua trái phiếu Chính phủ. Cứ thế này thì tái cấu trúc xong lại đổ thêm một đống nợ cho hệ thống ngân hàng.”

Cần tăng thêm nguồn lực tài chính cho VAMC để xử lý nợ xấu.

Cần tăng thêm nguồn lực tài chính cho VAMC để xử lý nợ xấu.

Cần hoàn thiện thể chế tái cơ cấu

Ông Kiên cho rằng, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã cho thấy, để tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả thì hầu hết phải lập Quỹ tái cấu trúc ngân hàng. Tùy vào mô hình nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng, chi phí cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là khác nhau.

Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, cần phải xây dựng thể chế hỗ trợ cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hoàn thiện các thiết chế an toàn hoạt động ngân hàng. Hơn hết, phải tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng nhấn mạnh, nợ xấu nếu tiếp tục kéo dài sẽ để lại hệ lụy khó lường cho nền kinh tế. Vì vậy, ông Đương đề nghị có thể đề xuất lên Quốc hội xem xét xây dựng luật chuyên ngành về xử lý nợ xấu.

Mặt khác, mặc dù không quá đặt kỳ vọng vào VAMC, nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần trao thêm "quyền" và cả tăng tiềm lực tài chính cho công ty này nhằm tăng giải quyết nợ xấu.

Theo ông Lịch, VAMC cần triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua bán nợ này, chính phủ cần bổ sung nguồn tài chính cho VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. “Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ. Nợ mấy trăm ngàn tỷ mà vốn của VAMC có 500 tỷ đồng sao giải quyết được,”ông Lịch khẳng định.

Bởi vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, trong trường hợp này cần tạo cơ chế đặc thù cho VAMC, như cho phép đơn vị này có những quyền hạn đặc biệt trong xử lý vướng mắc về tài sản bảo đảm; sang tên đổi chủ tài sản bất động sản...

Yếu điểm ngân hàng Việt: Những đánh giá trực diện

“Tiền đâu để thâu tóm ngân hàng?”, câu hỏi từng được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội nay phảng phất một phần câu trả lời trong bản đánh giá về hệ thống ngân hàng Việt vừa công bố.

http://www.vietnamplus.vn/cac-chuyen-gia-hien-ke-giai-quyet-nhanh-nut-that-ve-no-xau/280382.vnp

Theo Minh Thúy/ Vietnamplus

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm