Năm 2018, thị trường di động bùng nổ với hàng loạt mẫu smartphone sử dụng màn hình khuyết đỉnh ra đời. Khởi đầu với Essential Phone và Sharp Aquos S2 ra mắt vào giữa năm 2017, tuy nhiên đến khi Apple ra mắt chiếc iPhone X, trào lưu này mới thực sự nở rộ.
Từ các thiết bị giá rẻ, tầm trung cho tới cao cấp, smartphone "tai thỏ" đang dần trở nên phổ biến và xuất hiện ở mọi phân khúc giá. Theo CNet, lý do chính các hãng đưa ra khi thực hiện điều này là để có thể tạo ra những chiếc smartphone tràn viền nhằm tối ưu diện tích hiển thị mặt trước và nâng cao trải nghiệm sử dụng cho người dùng.
Để có thể làm được phần “cằm” mỏng, Apple đã phải sử dụng màn hình OLED uốn cong khiến giá iPhone X cao ngất ngưởng. Ảnh: Android Gadget. |
Tuy nhiên, điểm chung của tất cả smartphone Android hiện nay dù có "tai thỏ" hay không, chúng đều sở hữu một phần "cằm" khá dày. Các thiết bị từ Samsung, Sony, HTC có phần cạnh trên dưới dày tương đương nhau, trong khi các hãng như Asus, Xiaomi, Vivo, Oppo chọn cách làm phần viền trên dưới bất cân đối. Những chiếc smartphone này trông có vẻ tràn viền nhưng thực tế, phần “cằm” của máy vẫn khá dày, không tạo ra trải nghiệm tràn viền thực sự như những gì họ quảng bá.
Đây là điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa iPhone X và các smartphone Android hiện nay khi phần "cằm" trên iPhone X mỏng tương đương với các cạnh còn lại.
Trên các smartphone hiện nay, cạnh dưới của màn hình thường là nơi chứa rất nhiều linh kiện bao gồm loa ngoài, mic thoại, giắc cắm tai nghe, cổng kết nối và bo mạch điều khiển của màn hình.
Bo mạch điều khiển và các cổng kết nối vào máy là những thành phần bắt buộc phải có để màn hình có thể hiển thị được. Những linh kiện này luôn chiếm một phần không gian nhất định và thường được các hãng đặt ở cạnh dưới. Điều đó tạo ra một trở ngại lớn cho việc thu hẹp phần viền ở cạnh đáy.
Theo Android Gadget, để làm được một màn hình có phần “cằm” mỏng, Apple đã phải đặt hàng riêng Samsung để sử dụng tấm nền OLED uốn cong tràn xuống ẩn dưới khung nhằm giấu phần điều khiển thay vì đặt ở dưới như những tấm nền khác.
Đây là linh kiện đắt tiền nhất trên iPhone X và cũng là nguyên nhân chính làm cho mức giá của sản phẩm này cao ngất ngưởng tới 1.000 USD khiến người dùng khó tiếp cận.
Đa số smartphone Android hiện nay đều sở hữu phần cằm khá dày do tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: GSM Arena. |
Trên thực tế, với các công nghệ sẵn có, các nhà sản xuất smartphone Android khác có thể thực hiện điều tương tự để tạo ra những chiếc smartphone mỏng ở cả 4 cạnh. Tuy nhiên điều đó sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng lên tương đối cao và không phải người dùng nào cũng sẵn sàng chi trả cho một chiếc smartphone Android có mức giá 1.000 USD.
Theo Android Gadget, đây cũng là nguyên nhân chính khiến các hãng sản xuất smartphone Android vẫn chưa thể ra mắt một chiếc điện thoại có phần “cằm” mỏng như iPhone X.
Tuy nhiên, khá bất ngờ là những hình ảnh rò rỉ gần đây về bản thiết kế mẫu Bphone 3, người ta lại đang chứng kiến một chiếc smartphone có phần “cằm” gần như biến mất, tràn đều so với 2 cạnh bên.
Bản dựng Bphone 3 với phần “cằm” mỏng tương đương iPhone X. |
Thiết kế này đã được đăng ký lên cục Sở hữu Trí tuệ nên gần như chắc chắn, nó sẽ xuất hiện trên mẫu Bphone mới. Hiện vẫn chưa rõ BKAV thực hiện điều này bằng cách nào. Một số dự đoán cho rằng hãng đã đặt ngược bo mạch điều khiển màn hình lên trên đỉnh thay vì đặt ở cạnh đáy như cách các hãng smartphone khác đang làm hiện nay.
Với cách làm mới này, Bphone 3 được trang bị màn hình với phần “cằm” mỏng đồng thời chi phí cũng không bị tăng lên quá nhiều khi không phải sử dụng tấm nền OLED uốn cong.
Nếu Bphone 3 thực sự sở hữu kiểu dáng như hình ảnh rò rỉ, đây sẽ là smartphone Android đầu tiên có thiết kế không “cằm” với ba viền đều nhau như iPhone X.
Hiện tại, thời điểm ra mắt và cấu hình của Bphone thế hệ thứ 3 vẫn chưa được tiết lộ. Năm ngoái, Bphone 2 được cho ra mắt đầu tháng và bán ra vào ngày 19/8.