Việc làm đẹp từng được xem là đặc quyền của phụ nữ. Tuy nhiên tại Trung Quốc, sự bùng nổ của thị trường sản phẩm làm đẹp cho đàn ông cho thấy nỗ lực hướng đến vẻ ngoài hoàn hảo không còn là vấn đề của riêng phái yếu.
Theo một tài liệu được Trung tâm Sáng kiến Tmall (TMIC) và Bộ phận Nghiên cứu khách hàng Trung Quốc của L’Oréal công bố hồi tháng trước, thị trường sản phẩm làm đẹp cho đàn ông tại Trung Quốc tăng 59% vào năm 2017 và 54% vào năm 2018.
Theo South China Morning Post, đây là "cơ hội vàng" của các công ty và các thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt trước nhu cầu sở hữu làn da và mái tóc hoàn hảo của đàn ông.
Mẫu đàn ông trau chuốt vẻ bề ngoài như David Beckham ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tại Trung Quốc, thị trường sản phẩm làm đẹp cho đàn ông được dự đoán sẽ tăng trưởng đến 3 tỷ USD đến năm 2022, tương đương tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 6% trong vòng 5 năm tới, theo số liệu từ công ty tư vấn chiến lược OC&C.
"Đây được xem là thị trường lớn nhất tại châu Á, đồng thời dẫn đầu về tổng sản phẩm được tiêu thụ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đứng sau Nhật Bản và Hàn Quốc về mức chi tiêu bình quân, với mỗi đàn ông bỏ ra ít hơn 3 USD để mua sản phẩm làm đẹp trong năm 2017", South China Morning Post dẫn nghiên cứu của OC&C.
Xu hướng mua hàng trực tuyến lên ngôi
70% đàn ông Trung Quốc vẫn chuộng việc mua sản phẩm làm đẹp tại cửa hàng, theo số liệu của năm 2017. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người chọn mua sắm trực tuyến. Theo nghiên cứu của công ty AT Kearney, tỷ lệ người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm tại cửa hàng bán lẻ giảm từ 85% trong năm 2012.
Cứ 2 trên 5 đàn ông Trung Quốc được hỏi cho biết họ ưa chuộng các nền tảng mua sắm online hơn cửa hàng bán lẻ, theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Mintel China.
"Không giống phụ nữ, nam giới bận rộn công việc thường thích mua sắm đơn giản nhất có thể, vì vậy họ bị thu hút bởi các loại hình trực tuyến", ông Neil Wang, giám đốc văn phòng công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan tại Trung Quốc, cho biết.
Số liệu của công ty AT Kearney cho thấy lượng sản phẩm làm đẹp cho đàn ông được bán ra trên các nền tảng trực tuyến tăng gấp đôi, từ 15% trong năm 2012 đến 30% trong năm 2017, tại Trung Quốc.
Ông Jason Law, một luật sư tại Hong Kong, tin rằng việc làm đẹp không chỉ là sở thích cá nhân, mà còn thể hiện tính cách của một người.
"Vẻ ngoài phần nào đó nói lên con người của bạn, cách bạn chăm sóc bản thân và cách bạn chú ý đến các chi tiết", ông Law nói.
Đàn ông Trung Quốc ngày càng đầu tư cho vẻ bề ngoài. Ảnh: Shutterstock. |
Luật sư Law cho biết ông ưu tiên cho các sản phẩm có công dụng chống lão hóa. Người đàn ông 35 tuổi thường xuyên thoa kem dưỡng cho vùng da quanh mắt và serum (huyết thanh) cho mặt. Ông không muốn mình già nhanh và có nếp nhăn sớm.
Đối với các thương hiệu mong muốn đáp ứng nhu cầu "khó khăn" của cánh đàn ông tương tự ông Law, việc tận dụng các nền tảng trực tuyến để bán sản phẩm làm đẹp là rất quan trọng.
Hồi tháng trước, một hãng mỹ phẩm Pháp khai trương một cửa hàng trên trang mua bán trực tuyến thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba. Tại đây, khách hàng có thể đặt mua các sản phẩm từ thương hiệu làm đẹp cho đàn ông của cựu danh thủ David Beckham.
Từ khi khai trương hồi đầu năm thương hiệu dành cho nam này đã xuất hiện tại 19 quốc gia, gặt hái nhiều thành công về mặt doanh thu. Trong một sự kiện tại Thượng Hải hồi tháng trước, cựu danh thủ Beckham khẳng định nó "đã nằm trong top 10 thương hiệu làm đẹp cho nam giới được nhiều người ưa chuộng nhất".
Chìa khóa là nắm bắt tâm lý khách hàng
Sự thành công kể trên một phần đến từ người đứng sau thương hiệu, David Beckham, nhân vật thường xuyên được truyền thông lăng-xê là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất thế giới. Chiến lược của công ty nổi tiếng này được nhiều chuyên gia marketing đánh giá cao sau khi doanh thu của thương hiệu dành cho nam liên tục tăng tại Trung Quốc, theo công ty AT Kearney.
"Vị thế của thương hiệu đến từ Anh khác biệt rõ rệt so với các đối thủ cạnh tranh", Sherri He, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc và một đối tác của AT Kearney, cho biết.
Dựa vào các số liệu, công ty AT Kearney cho rằng các sản phẩm của công ty này có tiềm năng đạt được doanh thu đến 50 triệu USD trong năm đầu tiên mở bán tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chìa khóa thành công của các thương hiệu cũng nằm ở việc họ có thể xây dựng niềm tin cho khách hàng hay không, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài có văn hóa khác biệt so với Trung Quốc, theo bà Alice Li, nhà nghiên cứu của công ty Mintel.
Dù xu hướng mua bán trực tuyến đang ngày càng bùng nổ, cửa hàng trưng bày sản phẩm vẫn là kênh phân phối chính của các thương hiệu mỹ phẩm cho nam, theo bà Veronica Wang, chuyên gia tại công ty nghiên cứu OC&C.
Kho chứa sản phẩm của trang bán hàng trực tuyến Tmall. Ảnh: Reuters. |
Một phần lý do được các chuyên gia đưa ra là vì đàn ông Trung Quốc không quá cầu kỳ trong việc mua sản phẩm làm đẹp, nhiều người chuộng đến các cửa hàng bán lẻ để nghe tư vấn và thử sản phẩm.
Các thương hiệu làm đẹp cho nam giới cần cạnh tranh để chiếm được cảm tình của những người tiêu dùng tương tự như ông Zing Kwan, một nhân viên văn phòng chi từ 255 - 380 USD để mua sản phẩm làm đẹp mỗi 3 tháng.
"Trước khi quyết định mua một loại mỹ phẩm nào, tôi thường lên mạng để nghiên cứu về giá cả và chất lượng của nó. Nhưng khi mua hàng, tôi thường đến cửa hàng bán lẻ", ông Zing cho biết.
Theo nhận định của Mintel, phân khúc sản phẩm làm đẹp cao cấp cho đàn ông có nhiều tiềm năng phát triển khi nam giới có thu nhập cao ngày càng yêu cầu khắt khe với việc làm đẹp.
"Trong khi phân khúc sản phẩm chăm sóc da và tóc cơ bản tiếp tục tăng trưởng, các nhãn hiệu cao cấp hơn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều", chuyên gia Pedro Yip cho biết.