Khuya 2/7, ông Đ.V.K. (45 tuổi, quê Cần Thơ) làm rơi máy khoan xuống dưới cống nước sâu khoảng 3 m khi đang thi công cống nước trên đường Song Hành xa lộ Hà Nội thuộc phường Trường Thọ, TP Thủ Đức (TP.HCM).
Người đàn ông leo xuống lòng cống để lấy máy khoan, thì bị đất từ trên miệng cống sạt xuống vùi lấp. Lúc này, ông H.N.S. (35 tuổi, quê Thanh Hóa) dùng máy xúc để ứng cứu, thì cuốc trúng ông K. khiến người này tử vong.
Trường hợp này, lái máy xúc có thể phải trách nhiệm ra sao?
Hiện trường vụ việc. Ảnh: C.T. |
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình
Tình huống này, có thể thấy anh S. có thiện ý khi sử dụng máy xúc để cố gắng cứu người. Tuy nhiên, sự bất cẩn của người này đã vô tình gây ra cái chết cho nạn nhân.
Yếu tố lỗi trong trường hợp này là lỗi vô ý và thuộc về người lái máy xúc khi anh ta có thể chủ quan, cẩu thả hoặc quá tự tin vào hành động của mình.
Theo Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015, làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Còn làm chết người do lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Từ quy định trên, có thể thấy hành vi của anh S. thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, lái máy xúc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Với tình tiết định khung làm chết một người, khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tù 1-5 năm.
Lỗi của anh S. là lỗi vô ý, song xét về ý chí chủ quan, lái xe này đã chủ ý làm việc tốt nhằm cứu người. Do đó, đây có thể được xem xét như tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người này nếu bị truy tố.