Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm ăn kiểu thực dụng

Chủ tịch một công ty du lịch cho biết vừa phải gạt bỏ tên của vài đối tác khách sạn, resort vào danh sách gửi khách trong mùa đông khách quốc tế vào cuối năm tới.

Theo doanh nhân này, thị trường mà công ty khai thác đang gặp khó khăn tồi tệ nhất từ trước đến nay. Khách sụt giảm nghiêm trọng. Vì thế, công ty đã đến những đối tác là khách sạn, resort xin thanh toán chậm và cam kết sẽ vẫn tiếp tục hợp tác.

Tuy nhiên, chỉ có một số nơi gật đầu. Số khác - phần lớn là những nơi đã từng đến tận công ty để năn nỉ gửi khách, nay lại ngay lập tức quay lưng. Có khách sạn gây áp lực, đòi tịch thu hộ chiếu của khách du lịch, không cho khách rời khỏi khách sạn cho đến khi công ty trả tiền, có resort thì để khách đứng ngoài sảnh tiếp tân dù vài năm trước đã năn nỉ lữ hành chỉ để nhận vài đoàn nhỏ. 

Trước áp lực này, công ty này phải gom tiền từ nhiều nguồn để trả nhằm đảm bảo chuyến đi của du khách được trọn vẹn. Sau đó, hợp đồng giữa hai bên cũng đến hồi kết thúc.

Thiếu khách Nga, một số resort ven biển ở Bỉnh Thuận vắng vẻ hơn. 

"Họ cứ muốn ăn ngay, chỉ muốn kéo nhiều khách để thu tiền mà không đồng hành với chúng tôi khi khó khăn. Bạn hàng ở nước ngoài cũng choáng trước cách làm quá lạnh lùng này và cũng kiên quyết không gửi khách trong thời gian tới", doanh nhân này nói.

Cũng theo doanh nhân, điều đáng buồn là những doanh nghiệp nói trên xem kiểu làm ăn như thế là bình thường, bởi chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ lại gọi, hỏi sao không thấy tiếp tục gửi khách.

Vài tháng trước, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Văn Khoa cũng cho biết đã phải vất vả để xoa dịu một số chủ resort khi thị trường Nga sụt giảm. Tình hình cũng tương tự như câu chuyện mà doanh nhân trên vừa kể, có khách sạn kiên quyết không cho khách vào ở cho đến khi công ty du lịch trả hết tiền phòng, có nơi ráo riết đi đòi nợ để nhanh chóng thu hồi tiền, kết thúc hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp đề nghị hiệp hội du lịch phải có hành động, thúc giục các công ty du lịch trả tiền để tránh thiệt hại cho đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương...

"Chúng tôi phải đứng giữa để làm cầu nối. Với những hợp đồng giá trị nhỏ thì chúng tôi kêu gọi trả tiền để kết thúc hợp đồng nhưng với những hợp đồng lớn thì thuyết phục để du lịch được kéo dài thời hạn trả nợ. Tình hình khó khăn, các bên phải hợp tác để giảm thiệt hại”, ông Khoa nói.

Giám đốc một công ty du lịch lớn tại TPHCM cũng kể rằng, trong tình hình giảm khách quốc tế như những tháng vừa qua, ông đã phải "ép" thì các đối tác vận tải, nhà hàng... mới chịu giảm giá để có sản phẩm giá thấp hơn đi chào bán ở nước ngoài.

Tuy nhiên những công ty có nguồn khách khá lớn mới có thể làm sức ép với nhà cung cấp dịch vụ còn những công ty có nguồn khách nhỏ thì khó lòng mà làm được điều này. "Khi thị trường sụt giảm, các đối tác lại càng phải sát cánh bên nhau để tạo nên sức cạnh tranh lớn hơn chứ nếu cứ làm ăn nhỏ lẻ, kinh doanh theo kiểu thực dụng, lời nhiều thì làm, ít thì bỏ như thế này sẽ khó mà làm ăn lâu dài, khó cạnh tranh được với bên ngoài", ông nói.

http://www.thesaigontimes.vn/130093/lam-an-kieu-thuc-dung.html/

Theo Đào Loan/TBKTSG

Bạn có thể quan tâm