Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãi suất tiết kiệm đang dò đáy, nên gửi tiền vào đâu

Các ngân hàng vừa và nhỏ từng là nhóm chi trả lãi suất tiết kiệm tốt nhất trên thị trường đến nay cũng đã giảm sâu lãi suất về vùng 6%/năm.

Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong tuần đầu tiên của tháng 1. Ảnh: Chí Hùng.

Trong tuần đầu tiên của năm mới 2024, thị trường đã ghi nhận 5 ngân hàng thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động gồm Baoviet Bank, GPBank, SHB, KienlongBank, HDBank và LPBank. Mức giảm được các nhà băng này áp dụng dao động trong khoảng 0,1-0,7 điểm %.

Lãi suất tiết kiệm chưa ngừng giảm

Theo đó, LPBank vừa mạnh tay điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân trên cả kênh quầy và online. So với bảng lãi suất ghi nhận vào cuối năm 2023, lãi suất gửi tiết kiệm dưới hình thức online của nhà băng này đã giảm 0,4-0,7 điểm %.

Cụ thể, các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân qua kênh online tại LPBank hiện chỉ còn nhận lãi suất 2,8-3,3%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 4,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng; 5,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 5,4-6,1%/năm áp dụng với kỳ hạn trên 12 tháng.

Nếu lựa chọn kênh quầy, mức lãi suất người gửi nhận được sẽ thấp hơn 0,3-0,8 điểm % tuỳ kỳ hạn so với kênh online.

Hiện lãi suất kỳ hạn ngắn 1-5 tháng trên kênh quầy của LPBank đã giảm đã xuống chỉ còn 2-2,5%/năm, tương đương với nhóm ngân hàng quốc doanh.

Baoviet Bank cũng thông báo giảm 0,1-0,4 điểm % lãi suất với các khoản tiền gửi mới của khách hàng cá nhân. Trên kênh online, nhà băng này giảm 0,4 điểm % ở kỳ hạn 1-5 tháng, xuống còn 3,8-3,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng hiện hưởng lãi suất 5,1%/năm (-0,2%); kỳ hạn trên 12 tháng giảm còn 5,6-5,8%/năm (-0,2%). Riêng tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng giữ nguyên ở mức 5,6%/năm.

Với kênh quầy, khách hàng cá nhân gửi tiền vào Baoviet Bank sẽ nhận lãi suất thấp hơn 0,1 điểm % ở kỳ hạn 13 tháng trở xuống, tương đương kênh online nếu gửi 18 tháng trở lên.

lai suat anh 1

Từ đầu tháng 1 đến nay, các nhà băng đã giảm lãi suất huy động thêm 0,1-0,7 điểm %. Ảnh: Chí Hùng.

GPBank mới đây cũng thông báo giảm đồng loạt 0,1 điểm % lãi suất ở các kỳ hạn gửi tiền.

Trên kênh online, lãi suất gửi 1-5 tháng tại đây đã giảm xuống 3,4-3,95%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5,15%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5,35%/năm; và kỳ hạn trên 12 tháng hiện được chi trả mức 5,35-5,45%/năm.

Nếu khách chọn gửi kênh quầy, mức lãi suất sẽ thấp hơn 0,25 điểm % với kỳ hạn 6 tháng trở lên.

SHB trong tuần đầu tiên của năm mới thì thông báo giảm 0,1-0,2 điểm % ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất khách hàng gửi tiền nhận được tại nhà băng này chỉ là 5,5-6,2%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi trên 12 tháng qua kênh online.

Tương tự, mức lãi suất cao nhất KienlongBank áp dụng với các khoản tiền gửi online của khách hàng cá nhân hiện nay là 5,6-6%/năm, tương ứng với kỳ hạn trên 12 tháng. So với cuối năm 2023, mức lãi suất này đã giảm 0,2 điểm %.

Sau giai đoạn giảm lãi suất kịch liệt trong tháng 12/2023, xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi các nhà băng vẫn liên tục đưa ra thông báo giảm lãi suất mới.

Trước đó, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết hiện tại, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2 điểm % so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Theo Phó thống đốc, nhiều ngân hàng cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Song, tinh thần thời gian tới của nhà điều hành vẫn là yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm chi phí, tiến hành đồng bộ các giải pháp để giảm thêm lãi suất, giảm thấp hơn nữa nếu điều kiện cho phép. Trong năm 2024 sẽ không đặt vấn đề lãi suất tăng.

lai suat anh 2

Lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024. Ảnh: MBS.

Gửi tiền vào đâu

Trước bối cảnh lãi suất tiền gửi xuống thấp và vẫn trong xu hướng giảm, nếu ưu tiên lãi suất khách hàng cá nhân có thể chọn gửi tiền tại các ngân hàng vừa và nhỏ, đây là nhóm có mức lãi suất hấp dẫn nhất thị trường hiện nay.

Mức lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay là 10%/năm do PVcomBank chi trả với các khoản tiền gửi 12-13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi 2 con số này, khách phải gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Tương tự, HDBank cũng chấp nhận trả lãi suất 8,4%/năm (kỳ hạn 13 tháng) và 8%/năm (kỳ hạn 12 tháng) nếu khách hàng gửi 300 tỷ đồng trở lên.

Với các khoản tiền gửi thông thường, tại kỳ hạn 1-3 tháng, mức lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về một số ngân hàng quy mô nhỏ như VietABank, CBBank cùng ở mức 4,3%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, HDBank đang trả mức lãi suất tốt nhất thị trường là 5,5%/năm. Trong khi các nhà băng NCB, ABBank, VietBank, VietABank, PVcomBank đang trả mức 5,3%/năm.

Ở kỳ hạn 12 tháng, PGBank là đại diện trả lãi cao nhất thị trường, hiện ở mức 5,8%/năm. Trong khi HDBank, NamABank, VietBank và NCB trả mức 5,7%/năm.

Trong khi đó, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh chỉ đưa ra mức lãi 4,8-5%/năm với tiền gửi kỳ hạn này. Như vậy, hiện tại trên thị trường đã sạch bóng mức lãi suất 6%/năm với các khoản tiền gửi 12 tháng.

Ở các kỳ hạn dài hơn, cũng chỉ còn số ít ngân hàng duy trì lãi suất 6%/năm trở lên như HDBank (6,5%/năm); OCB, NamABank, PGBank, VietBank (6,1%/năm); NCB, KienlongBank, VietABank (6%/năm).

Nếu ưu tiên sự linh hoạt, thuận tiện khi gửi tiền, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV là lựa chọn thích hợp với mạng lưới ATM, phòng giao dịch lớn nhất thị trường.

Tuy nhiên, lãi suất của nhóm này hiện ở mức thấp nhất thị trường. Trong đó, các ngân hàng này hiện chỉ trả mức lãi suất 1,9-2,6%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1-5; tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hưởng lãi 3,2-3,6%/năm và kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng chỉ là 4,8-5%/năm.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bài liên quan

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm