Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãi suất qua đêm lao dốc, Ngân hàng Nhà nước hút tiền trở lại

Việc lãi suất cho vay VNĐ qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm liên tục đã khiến NHNN phải đảo chiều từ bơm tiền sang hút tiền qua kênh OMO để giảm áp lực tỷ giá.

Sau hơn một tháng bơm ròng liên tục, NHNN đã đảo chiều hút tiền khi lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm sâu. Ảnh: Chí Hùng.

Số liệu kết quả đấu thầu thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) những phiên giao dịch gần đây cho thấy tác động của lãi suất cho vay VNĐ qua đêm trên kênh liên ngân hàng giảm sâu đang khiến nhà điều hành chính sách tiền tệ phải đảo chiều dòng tiền trên kênh này từ bơm ròng sang hút ròng.

Cụ thể, trong phiên 22/12, bên cạnh việc vẫn duy trì hoạt động mua kỳ hạn 7 ngày với giá trị 2.924,54 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng có nhu cầu ngắn hạn, NHNN đồng thời đã thực hiện nghiệp vụ bán kỳ hạn 7 ngày lượng tín phiếu với giá trị 20.000 tỷ đồng. Trong đó, có tổng cộng 6 thành viên thị trường tham gia nhưng chỉ 5 thành viên trúng thầu với lãi suất 3,98%/năm, thấp hơn nhiều so với mức lãi cùng kỳ hạn các ngân hàng thương mại đang phải vay từ NHNN (6%/năm).

Dòng tiền thị trường mở đảo chiều

Tính riêng phiên 22/12, nhà điều hành đã thực hiện rút ròng hơn 17.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua - bán kỳ hạn giấy tờ có giá.

Thực tế, theo dữ liệu của NHNN, đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp cơ quan này thực hiện nghiệp vụ bán kỳ hạn 7 ngày với giá trị 20.000 tỷ đồng/phiên. Tính trong ba phiên gần nhất, nhà điều hành đã bán tổng cộng 60.000 tỷ đồng, qua đó rút về lượng tiền Đồng tương ứng.

Nếu trừ đi các giao dịch bơm tiền thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn cùng giai đoạn, NHNN đã rút ròng gần 50.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thương mại trong ba phiên gần nhất.

Đáng chú ý, với việc lãi suất trúng thầu của tín phiếu NHNN phát hành ra cho kỳ hạn 7 ngày chỉ là 3,98%/năm, trong khi lãi suất mua vào cùng kỳ hạn ở mức 6%/năm, cho thấy thực tế đã phát sinh nhu cầu đẩy dòng tiền Đồng trở lại NHNN từ một số thành viên thị trường.

Việc NHNN hút ròng khối lượng tiền Đồng trong ba phiên gần nhất cũng đánh dấu đợt đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở đầu tiên của nhà điều hành sau một tháng liên tiếp chỉ thực hiện bơm tiền.

NHNN HÚT TIỀN TRỞ LẠI SAU MỘT THÁNG BƠM RÒNG
Kết quả đấu thầu trên thị trường mở của NHNN. Nguồn: NHNN; Tổng hợp.
Nhãn 21/11 22 23 24 25 28/11 29 30 1/12 2 5/12 6 7 8 9 12/12 13 14 15 16 19/12 20 21 22
Mua vào (Bơm tiền) tỷ đồng 6780.91 11315.22 4826.4 2902.93 3582.54 6247.13 7982.4 11614.09 10999.99 8817.07 9089.73 11352.83 7028.84 3526.42 6606.53 5177.58 7653.33 7307.44 5994.5 5999.99 4033.41 4957.27 2218.75 2924.54
Bán ra (Hút tiền)
0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 -20000 -20000 -20000

Diễn biến này xảy ra khi lãi suất cho vay VNĐ kỳ hạn qua đêm trên kênh liên ngân hàng đang giảm sâu, hiện đã mất mốc 4%/năm khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD thu hẹp (có thời điểm rơi xuống mức âm). Điều này buộc NHNN phải hút tiền Đồng về với kỳ vọng đẩy lãi suất VNĐ trên kênh liên ngân hàng lên và giảm áp lực tỷ giá.

Trên thị trường liên ngân hàng, sau giai đoạn tăng lên trên vùng 7%/năm vào đầu tháng 11, lãi suất cho vay qua đêm đã giữ xu hướng đi ngang ở vùng 5%/năm trong hơn một tháng, cao hơn khoảng 1-1,5 điểm % so với lãi suất USD cùng thị trường.

Tuy nhiên, trong hơn một tuần gần đây, lãi suất vay qua đêm VNĐ trên thị trường này đã liên tục lao dốc, hiện đã giảm mất mốc 4%/năm và rơi xuống vùng thấp nhất kể từ tháng 9.

Lãi vay qua đêm lao dốc

Tính đến ngày 21/12, lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng chỉ ở mức 3,94%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,85%/năm với kỳ hạn 1 tuần. So với tuần trước, mức lãi suất này đã giảm 1,44 điểm %.

Trong khi đó, báo cáo của NHNN cho biết sau đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây, hiện lãi suất cho vay USD trên kênh liên ngân hàng cũng phổ biến trên mốc 4%/năm với kỳ hạn qua đêm. Như vậy, việc lãi suất cho vay VNĐ trên kênh này giảm về dưới 4%/năm đã khiến chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền tệ rơi xuống mức âm, trong khi mức an toàn trước đó được NHNN duy trì là khoảng 2-2,5 điểm %.

Trường hợp lãi vay VNĐ thấp hơn vay USD, áp lực tỷ giá USD/VNĐ sẽ tăng lên khi các ngân hàng có xu hướng găm giữ USD để cho vay với lãi suất tốt hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến NHNN phải đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở từ bơm ròng sang hút ròng trong ba phiên gần nhất với mục đích giảm lượng tiền Đồng, từ đó kéo lãi suất VNĐ lên cao.

LÃI SUẤT VAY QUA ĐÊM ĐÃ GIẢM MẤT MỐC 4%/NĂM
Biến động lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng gần đây. Nguồn: NHNN; Tổng hợp.
Nhãn 1/11 2 3 4 7/11 8 9 10 11 14/11 15 16 17 18 21/11 22 23 24 25 28/11 29 30 1/12 2 5 6 7 8 9 12/12 13 14 15 16 19/12 20 21
Cho vay qua đêm %/năm 6.61 7.12 6.93 6.21 6.01 5.56 5.1 4.88 4.62 4.31 4.2 4.63 5.18 5.4 5.87 5.92 6.1 5.97 6.01 5.88 5.63 5.32 5.42 5.42 5.31 5.52 5.67 5.64 5.61 5.61 5.62 5.38 5.19 4.62 4.34 4.04 3.94
Cho vay 1 tuần
7.28 7.56 7.15 6.65 6.52 6.34 5.89 5.56 5.43 5.06 5.12 5.28 5.95 5.65 6.15 6.63 6.14 6.56 6.53 6.2 6.55 5.83 6.22 5.64 6.01 6.65 6.27 6.48 6.12 6.26 6.34 5.97 6.08 5.22 5.51 4.47 4.85

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI cho biết NHNN đã liên tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng qua kênh thị trường mở để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2023. Trong đó, sau nhiều năm, nhà điều hành đã phải sử dụng tới cả các hợp đồng mua có kỳ hạn 91 ngày.

Tính riêng tuần trước, đã có 12.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày và 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày được NHNN phát hành, với lãi suất lần lượt là 6,4%/năm và 6%/năm. Bên cạnh đó, có tới 40.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và giúp NHNN bơm ròng 26.400 tỷ đồng thông qua kênh này.

Theo các chuyên gia, việc nhà điều hành liên tục bơm tiền đã khiến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm nhanh, kéo theo mức chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD trên kênh này bị thu hẹp và khiến áp lực tỷ giá xuất hiện.

Hiện tại, chính sách tỷ giá vẫn được NHNN điều hành thông qua công cụ tỷ giá trung tâm với mức 23.631 đồng/USD (ngày 23/12), tiếp tục xu hướng giảm từ trước đó. Trên thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng doanh nghiệp, cư dân), tỷ giá quy đổi USD sang VNĐ hiện được các ngân hàng thương mại niêm yết phổ biến ở mức trên 23.450 đồng/USD (mua) và 23.750 đồng/USD (bán). Trong khi giá đồng bạc xanh bên ngoài “chợ đen” hiện vẫn dao động trên dưới vùng 24.000 đồng/USD.

Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý ngân hàng nào tăng lãi suất

Trong văn bản mới nhất, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, hạn chế rủi ro kỳ hạn và tiếp tục giảm lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cầm cương tỷ giá USD/VNĐ

Không chỉ niêm yết trở lại kênh mua USD, nhà điều hành chính sách tiền tệ còn có lần thứ năm liên tiếp giảm giá bán ngoại tệ này tại Sở giao dịch với bước giảm cao gấp 5 lần.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm