Theo ông Thọ, lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn còn dư địa giảm thêm. Thời gian qua Vietinbank đã cơ cấu, sắp xếp lại nguồn vốn, hoạt động để lãi suất cho vay có thể giảm thêm nữa.
“Ngoài ra, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp như hiện nay, thì việc huy động được nguồn vốn trung và dài hạn để cho vay với ngân hàng là không khó. Vietinbank đã chủ động được nguồn vốn này và đang mở rộng cho vay kỳ hạn này”, ông Thọ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay cũ. Ngay từ đầu tháng 3/2015, mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn một tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng đưa về dưới mức trần 5,5%/năm. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng trong thời gian tới sẽ giảm thêm lãi suất cho vay với mức 1-1,5%/năm đối với những khoản vay cũ, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, doanh nghiệp.
Đến nay, lãi suất cho vay VND dành cho các lĩnh vực ưu tiên được các TCTD áp dụng phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn.
lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 1 - 1,5%. |
Được biết, giảm lãi suất theo lộ trình từng bước được ngành ngân hàng thực hiện chủ yếu dựa trên tín hiệu lạm phát và khả năng thanh toán của các TCTD. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các TCTD xem xét giảm dần lãi suất đối với những khoản vay cũ nhằm chia sẻ khó khăn cùng khách hàng vay vốn. Đây là biện pháp gây tác động kép, buộc các TCTD phải tăng cường kiểm soát dòng vốn và nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng.
Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là vốn vay trung và dài hạn cũng như vay bằng hình thức tín chấp.
Nói về việc nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn cũng như vay tín chấp hiện nay, ông Thọ cho rằng, có nhiều nguyên nhân và không phải chỉ từ ngân hàng.
“Vay trung và dài hạn chủ yếu là doanh nghiệp muốn đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Vì vậy, cần phải có một đề án tốt. Nhưng việc này, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa làm tốt. Nếu có đề án tốt, ngân hàng không bao giờ bỏ qua, nhất là trong điều kiện đang cạnh tranh khách hàng cho vay như hiện nay”, ông Thọ bình luận.
Còn về hình thức tín chấp, ông Thọ cũng thừa nhận là khó, bởi đây là hình thức cho vay bằng niềm tin với đề án của doanh nghiệp. Do vậy, nếu doanh nghiệp không có đủ cơ sở để ngân hàng tin tưởng thì rất khó. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô chưa ổn định cũng khiến các ngân hàng e ngại trong việc cho vay tín chấp.
Theo ông Thọ, để được vay tín chấp, doanh nghiệp cần phải có đề án tốt và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Qua việc sử dụng dịch vụ, ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để ngân hàng có thể tin tưởng cho vay.