Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an mới đây phối hợp với Công an TP.HCM khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty CP Kinh doanh F88 và nhiều chi nhánh khác ở TP.HCM để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
F88 là công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính với tốc độ phủ sóng lan rộng trên nhiều tỉnh thành trong vài năm qua. Với hơn 800 cửa hàng, doanh nghiệp này trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước.
Chi phí vay đến 56%/năm
Theo giới thiệu của F88, hiện nay doanh nghiệp có 2 hình thức cho vay cầm cố là cầm cố đăng ký xe máy/ôtô hoặc cầm cố bằng tài sản. Công ty áp dụng lãi suất cho vay 1,1%/tháng, tức hơn 13%/năm.
Đáng chú ý, mức lãi suất trên chưa bao gồm các chi phí khác. Theo đó, khi vay, khách hàng sẽ phải trả thêm các khoản chi phí vay bao gồm phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố. Tổng chi phí vay tính theo dư nợ giảm dần.
Đơn cử, với số tiền vay 10 triệu đồng vay bằng đăng ký xe máy trả trong 6 tháng. Tổng số tiền khách hàng phải trả là hơn 12,8 triệu đồng, tương đương mức lãi 28%/6 tháng. Như vậy, nếu tính mức lãi suất và phí theo năm, người vay sẽ phải trả cho F88 mức lãi hơn 56%/năm.
Ngày 10/3, Zing đã đến một cơ sở của F88 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để tìm hiểu về cách thức cho vay cũng như lãi suất thực tế của doanh nghiệp này. Theo đó, nhân viên cửa hàng này cho biết khách hàng chỉ cần đăng ký xe máy hoặc ôtô là có thể nhận tiền ngay.
"Tổng các chi phí vay sẽ dao động 30-56%/năm. Sử dụng xe máy làm tài sản thế chấp thì chi phí vay sẽ khoảng 56%/năm", người này nói và cho biết cửa hàng cho vay theo thời hạn 12-15-18 tháng.
Cụ thể, theo nhân viên F88, nếu vay 50 triệu đồng trong 12 tháng, 6 tháng đầu khách hàng sẽ phải trả khoảng 7,3 triệu đồng/tháng và 6 tháng còn lại trả khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Do đó, khách hàng sẽ phải trả lãi hơn 32 triệu đồng, chưa kể chi phí gốc.
F88 có cho vay đúng luật?
Theo Điều 29 Nghị định 96/2016 quy định về lãi suất cầm đồ: “Tỷ lệ lãi suất vay tiền thông qua dịch vụ cầm đồ để cầm cố tài sản, sẽ không được vượt quá tỷ lệ lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định".
Đối chiếu với quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất khi vay tiền sẽ do các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau, nhưng không vượt quá 20% trên một năm của khoản tiền vay đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trao đổi với Zing, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết F88 đang cho vay lãi suất hơn 13%/năm, tức dưới 20%/năm là đúng luật. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này quy định thêm nhiều chi phí vay như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố khiến tổng lãi vay lên đến 56%.
"F88 không phải là tổ chức tín dụng, không hoạt động và chịu sự điều chỉnh của Luật tổ chức tín dụng. Mà doanh nghiệp này đang hoạt động theo quy định của Bộ luật dân sự, luật dân sự. Do đó, F88 lợi dụng kẽ hở này để lách luật cho vay lãi cao", vị luật sư cho biết.
Về các chi phí phát sinh như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố, ông cho rằng thực tế những chi phí này không được cộng vào. Bởi việc thẩm định và quản lý tài sản là điều kiện để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.
"Với các ngân hàng, khách hàng chỉ phải trả phần lãi suất khi đi vay thế chấp bằng tài sản như ôtô mà không tính thêm các chi phí như F88 đang thực hiện. Trong khi đó, có nhiều tổ chức cho vay, cầm cố bên ngoài không chỉ thu thêm các chi phí mà còn cho thuê tài sản mà khách đang cầm cố", vị luật sư cho biết.
F88 được thành lập vào năm 2013, đối tượng chủ yếu là nhóm khách hàng dưới chuẩn, tức không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng. Nguồn tiền cho vay và sự mở rộng nhanh chóng của F88 gắn liền với khả năng gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư quốc tế và cả dòng tiền từ huy động trái phiếu.
Giai đoạn 2017-2018, F88 đã kêu gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak ngay sau đó. Trong năm 2022, F88 tiếp tục nhận được các khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable Group (London, Anh).
Đến ngày 2/3, chuỗi cầm đồ tiếp tục huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Đáng kể hơn là khả năng huy động vốn trái phiếu liên tục với 32 đợt phát hành đã thực hiện từ năm 2019 đến nay, lãi suất dao động 9-13%/năm.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tóm tắt gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chuỗi cầm đồ có vốn chủ sở hữu 434 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ tại cuối năm 2020, riêng dư nợ trái phiếu chiếm phần lớn với 842 tỷ đồng. Cũng trong năm 2020, toàn hệ thống thu về 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 170% so với con số gần 17 tỷ đồng của năm 2019.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
SCIC khẳng định không rót vốn vào F88
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khẳng định không đầu tư vào F88 và nói thêm quỹ VOI chỉ đóng vai trò tư vấn đầu tư và quản lý tài sản trong thương vụ.
F88 lên tiếng sau khi bị công an khám xét loạt chi nhánh
F88 cho biết theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của công ty.
Đề nghị bố trí xe buýt trung chuyển tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, xe buýt giúp giải tỏa hành khách trong trường hợp lượng khách đến quá đông, lượng xe taxi, xe hợp đồng... không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại.