Cho tới thời điểm này, các ngân hàng vẫn chưa vào mùa công bố báo cáo bán niên. Tuy nhiên, số liệu ban đầu cho thấy, hàng loạt ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm, thậm chí tốt hơn năm kỷ lục 2017. Có ngân hàng gần đạt kế hoạch của cả năm 2018.
Lợi nhuận nghìn tỷ
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và bằng 55% kế hoạch 2018. Dự kiến lợi nhuận cả năm sẽ vượt ngưỡng 15 nghìn tỷ đồng, một kỷ lục chưa từng có và cao hơn chỉ tiêu 14 nghìn tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận này, Vietcombank sẽ tạo một khoảng cách khá xa mà các ngân hàng khác khó có thể theo kịp.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng vừa công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận đạt trên 1,15 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2017. Triển vọng cho thấy năm 2018, VIB có thể đạt lợi nhuận trước thuế có thể vượt 2,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 25% so với chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao từ đầu năm.
Ngân hàng TMCP Tiên phong - TPBank (TPB) của đại gia Đỗ Minh Phú đã báo cáo lợi nhuận trước thuế sau trích dự phòng đạt 1.024 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái và đạt 112% kế hoạch năm 2018.
NamABank của nhà chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý - ông Nguyễn Quốc Toàn - trong 6 tháng đầu năm cũng báo lãi trước thuế 311 tỷ đồng, đạt đến 97% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2018.
Lợi nhuận Ngân hàng Phương Đông (OCB) trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 1,3 nghìn tỷ, cao hơn 163,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch 2.000 tỷ đồng trong năm 2018; còn nợ xấu dưới 2%. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (CTG) ước đạt khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 8% và đạt 48% kế hoạch năm,...
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận tăng 19% trong năm 2018. Hơn 76% kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III và gần 83% kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong cả năm 2018 so với năm 2017.
Như vậy, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng lại có thêm một năm được mùa nữa, sau khi chứng kiến năm 2017 lãi kỷ lục trong vòng một thập kỷ, với lợi nhuận nhiều nhà băng vượt mục tiêu theo cấp số nhân.
Trong 2017, hàng loạt ngân hàng lọt top lợi nhuận nghìn tỷ, dẫn đầu là Vietcombank với hơn 11,3 nghìn tỷ, Vietinbank với hơn 9,2 nghìn tỷ và BIDV với 8,8 nghìn tỷ đồng.
Cạnh tranh cao, huy động cho vay không còn dễ
Mặc dù lợi nhuận tiếp tục tăng vọt lên mức cao lịch sử nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy triển vọng của các TCTD nhiều thách thức, khi mà các yếu tố vĩ mô thay đổi trong một thế giới biến động nhanh. Đây chính là những diễn biến mới khiến các ông chủ ngân hàng lại lên cơn đau đầu ứng phó.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây bất ngờ giảm mạnh, bất chấp các dự báo cho thấy lợi nhuận 2018 vẫn theo chiều hướng đi lên. Một số cổ phiếu đã giảm tới 40-50% trong vòng 3 tháng qua, như trường hợp BIDV (50%), SHB (46%), VietinBank giảm 40%...
Lợi nhuận cao, nhưng việc kinh doanh của các nhà băng cũng không dễ thở. |
Có những phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành nguyên nhân kéo TTCK đi xuống, tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư. Có một thực tế là dòng tiền vào TTCK nói chung, trong đó có nhóm ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng trong vài tháng qua.
Khối ngoại liên tục bán ròng gần 10 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng 5 và 6 và hơn tuần đầu tháng 7. Sức cầu của các nhà đầu tư trong nước cũng khá yếu, khi mà niềm tin vào thị trường suy giảm, trong khi nỗi sợ những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trên thế giới tới Việt Nam ngày càng lớn.
Trong năm 2017 và quý I/2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có những bước tăng phi mã. Trong vòng một năm từ quý I/2017-I/2018, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng từ 2-2,5 lần như BIDV, Vietcombank, MBBank, Navibank,... Chỉ trong quý I/2018, nhiều cổ phiếu tăng 70-75% như BIDV, VIB,... hay 40% như nhóm Vietcombank, Vietinbank, SHB,...
Khi đó, chỉ số P/E 4 quý gần nhất của VN-Index đạt 21 lần, còn P/E của một số cổ phiếu ngân hàng ở mức cao hơn như Vietcombank (gần 28 lần), ACB (gần 24 lần),...
Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như 2017, đầu 2018 và với sự hồi phục của các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam và đặc biệt là nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản, giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng như trên được đánh giá không phải cao.
Tuy nhiên, những diễn biến vĩ mô gần đây đã thay đổi khá nhiều, trong một thế giới biến động nhanh.
Những diễn biến kém tích cực của chứng khoán thế giới cùng với những lo ngại về thương mại Mỹ - Trung đã châm ngòi cho đà giảm của cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường Việt Nam.
Tín dụng các nhóm ngành tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán hay bất động sản tăng thấp và được dự báo sẽ còn tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới, khi mà kinh tế vĩ mô có nhiều diễn biến mới trước cảnh báo lạm phát gia tăng, tỷ giá biến động, thị trường bất động sản và chứng khoán không còn hấp dẫn như trước.
Gần đây, NHNN cũng đã chỉ đạo siết tín dụng đổ vào bất động sản bởi nỗi lo vỡ “bong bóng”, vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến sức tăng trưởng của tín dụng. Trong bối cảnh cần kiểm soát lạm phát do CPI tháng 6 tăng cao nhất kể từ 7 năm trở lại đây, NHNN nhiều khả năng sẽ vẫn giữ chính sách tiền tệ chặt chẽ. Tín dụng giảm tốc có thể làm giảm động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng.
Tín dụng tiêu dùng, một lĩnh vực đóng góp lớn vào lợi nhuận đột biến ở một số ngân hàng, gần đây chịu nhiều tai tiếng và áp lực cạnh tranh cao. Theo MBS, FE Credit sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường, nhưng tín dụng tiêu dùng có thể gây mất kiểm soát nợ xấu cho VPBank.
Bên cạnh đó, mặc dù thanh khoản hiện khá tốt nhưng các ngân hàng lại đang thiếu vốn để bổ sung vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định theo chuẩn quốc tế. Việc huy động vốn từ trái phiếu hay phát hành cổ phiếu không còn thuận lợi như trước, khi mà TTCK kém hấp dẫn, với thanh khoản tụt giảm mạnh. Lạm phát và lãi suất có dấu hiệu tăng, trong khi đó đồng USD biến động khó lường.