Ở tuổi 30, Thái Mỹ Phương (hay còn gọi là Tamypu) – cô họa sĩ được mệnh danh là “phù thủy của các bìa sách” đã bất ngờ lựa chọn từ bỏ sự nghiệp, tiếng tăm đang có ở Việt Nam để theo học Thạc sĩ tại Brighton, UK.
Gần 10 năm gắn bó với công việc vẽ tranh minh họa, đã cho ra đời hàng trăm bìa sách nhưng những tháng ngày cô đơn một mình ở đất nước xa lạ đã cho Phương sự chín chắn trong đời sống và công việc, kiến thức chuyên môn ngày một dày dặn để việc “bỏ làm đi học” chưa bao giờ là quyết định sai lầm.
Tác giả Thái Mỹ Phương - Tamypu. |
Từ một bài tập cho môn kể chuyện bằng hình ảnh trong những ngày du học tại London, mới đây, Phương hợp tác cùng NXB Kim Đồng cho ra mắt cuốn sách đầu tay của mình Chuyện 3 quả trứng nhỏ và xứ sở siêu buồn chán – một cuốn sách tranh công phu và độc đáo.
Hơn 40 tấm hình mở ra một câu chuyện hết sức thú vị với nhân vật chính là ông vua siêu buồn chán, trị vì một xứ sở siêu buồn chán và những quả trứng thông minh, tinh nghịch. Một ngày nọ, tiếng đồn về những quả trứng diệu kỳ bay đến tai nhà vua khiến Người muốn tiêu diệt trứng ngay lập tức! Và câu chuyện tiếp nối với những tên thuộc hạ hung hãn lần lượt được vua phái đi “xử lý” anh em trứng…
Điều đặc biệt là câu chuyện đáng yêu, ấm áp này được dàn dựng hoàn toàn từ những nguyên vật liệu có thể tìm thấy trong nhà bếp của mọi gia đình: bánh mì, trứng, sữa, muối, dao, nĩa, đĩa... Mỗi trang sách là một khuôn hình được Phương bày biện, sắp đặt kì công rồi chụp ảnh, bổ sung hiệu ứng đặc biệt.
Ngay cả từng con chữ trong sách đều được Phương trực tiếp viết tay hoặc cắt từ bánh mì để ghép lại. Điều đó cho thấy sự sáng tạo, đam mê và khao khát tìm tòi, thể hiện cái mới của một họa sĩ minh họa cầu toàn và yêu nghề.
Những năm gần đây, sách tranh (picture book) bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam, chủ yếu khai thác theo xu hướng dòng sách dịch và một số nỗ lực sáng tác ban đầu hướng tới đối tượng độc giả thiếu nhi. Điều đó khá dễ hiểu vì các sách tranh thường có khổ rộng, màu sắc bắt mắt, câu chuyện không quá dài, tựa như motip của Chuyện 3 quả trứng nhỏ và xứ sở siêu buồn chán, rất phù hợp với trẻ em, đặc biệt ở các lứa tuổi nhỏ.
Nhưng với cuốn sách của mình, dường như Phương đang tìm cách xóa đi định kiến về “độ tuổi” của độc giả, mở rộng chính nó, trở thành một thể nghiệm về hình ảnh và câu chuyện trong ngôn từ, đánh dấu một phần trong sự trưởng thành của dòng sách ảnh/ tranh của Việt Nam.
Sách Chuyện ba quả trứng nhỏ và xứ sở siêu buồn chán. |
Những ai theo dõi các tác phẩm của Phương hẳn đều biết Phương không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ. Trang facebook cá nhân của Phương giống như một căn nhà ấm áp, rộng mở luôn chào đón mọi người với vô vàn câu chuyện dễ thương: từ chuyện ăn ở, du học, công việc đến tình cảm cá nhân.
Đôi khi thấy Phương cô độc trong thế giới của mình nhưng kì lạ thay, sự trắc trở của đời sống mới là nguồn cơn cho mọi lẽ yêu thương, cho cảm thông và tha thứ… để sau tất cả, Phương lại lấp lánh như chồi non lộc biếc của mùa xuân, cứ vẽ và cứ (thương) yêu…
Như một người nghệ sĩ chỉn chu và cầu toàn nhất, cuối cuốn sách của mình, Phương còn dành thời gian chia sẻ các công đoạn thực hiện cuốn sách, từ khâu ý tưởng, sắp đặt, góp ý của giáo viên, và cận cảnh hậu trường thực hiện cuốn sách.
Chắc hẳn, thông tin này sẽ rất hữu ích với các bạn yêu thích thiết kế đồ họa, truyền cảm hứng để các bạn tự sáng tạo một tác phẩm của riêng mình.