Là THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA FACEBOOK, Mark Zuckerberg cần phải ra đi
Facebook cần một sự điều hành có tầm nhìn, độc lập, minh bạch và có trách nhiệm. Không thể trông chờ những điều này từ Mark Zuckerberg.
Cách đây hơn một năm, tôi từng kêu gọi Mark Zuckerberg, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO của Facebook, nên từ chức hoặc bị sa thải.
Dù Facebook đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích, nhiều người vào thời điểm đó vẫn cho rằng đòi hỏi Zuckerberg từ chức là khắt khe. Ông chủ Facebook vẫn được tin tưởng sẽ có thể đưa ra những giải pháp đúng đắn để giải quyết triệt để mọi vấn đề.
Một năm trôi qua với biết bao thay đổi. Giờ đây mọi chuyện trở nên sáng tỏ hơn với nhiều người trên toàn thế giới.
Thất bại lớn nhất của Facebook
Sở hữu hơn 58% cổ phiếu có quyền biểu quyết, Zuckerberg nắm giữ những vị trí trọng yếu nhất và thâu tóm hết quyền lực vào tay. Ông chủ Facebook ở trong vị thế không thể bị khuất phục, có thể phủi tay trước mọi trách nhiệm mặc cho đòi hỏi càng cao từ phía cổ đông, các nhóm hoạt động nhân quyền, nhà chức trách cũng như người dùng Facebook toàn cầu trong việc giải quyết tận gốc những vấn đề mạng xã hội này gây ra đối với toàn xã hội.
Bản thân tôi không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của Facebook. Chúng tôi luôn tin rằng Mark Zuckerberg thiếu phẩm chất lãnh đạo cần thiết để chèo chống và chịu trách nhiệm cho một nền tảng truyền thông toàn cầu với 2,8 tỷ người dùng toàn cầu như Facebook.
Thất bại lớn nhất của Facebook chính là ông chủ của mình và đã đến lúc Zuckerberg thoái lui.
Facebook rơi vào khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, và đó là hậu quả từ cách điều hành của Zuckerberg. Liên tục đưa tin về những thất bại lẫn bê bối của Facebook, báo chí, truyền thông giờ đây ngày càng tìm được đồng thuận: Thất bại lớn nhất của Facebook chính là ông chủ của mình và đã đến lúc Zuckerberg thoái lui.
Câu chuyện đó là hợp lý khi Zuckerberg quá rõ ràng đã thất bại trong việc đối mặt với các rủi ro tài chính, pháp lý, quy định, và uy tín. Các nhà đầu tư bị che mắt về những cuộc tranh cãi liên tiếp. Điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng giá trị của cổ đông, làm giảm khả năng giám sát hoạt động công ty, và đe doạ sự lành mạnh của xã hội.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự bất hợp tác của mình. Năm 2018, hơn một phần ba (35%) cổ đông phổ thông không ủng hộ để Mark Zuckerberg tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Khi những yếu kém và sự bất lực của Zuckerberg thu hút sự chú ý từ truyền thông, làm dấy lên nghi ngờ từ nhà các nhà quản lý đi kèm với yêu cầu nộp phạt từ các cơ quan luật pháp, ông chủ Facebook trở thành gánh nặng của chính công ty mình.
Vô cảm với nhóm yếu thế
Dưới sự điều hành của Zuckerberg, Facebook đã và đang phải đối mặt với hàng loạt các cuộc điều tra và kiện tụng liên quan đến quyền riêng tư của người dùng hay mất mát dữ liệu.
Mới đây Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho biết nền tảng mạng xã hội này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt kỷ lục lên đến 5 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều Thượng nghị sĩ cho rằng khoản phạt này vẫn còn nhẹ và yêu cầu các cơ quan quản lý, ngoài pháp nhân Facebook, nên cáo buộc Zuckerberg là “cá nhân có lỗi và phải chịu trách nhiệm” cho những vi phạm liên tiếp, phải chịu đồng thời “hình phạt và nộp phạt”.
Một trong số các vi phạm của Zuckerberg hiện nay là cách tiếp cận vô cảm trong vấn đề bảo vệ nhóm yếu thế và cộng đồng bị lãng quên. Gần 10 năm qua, rất nhiều tổ chức đã vận động, yêu cầu Facebook có hành động rõ ràng và cụ thể. Tuy vậy, ông chủ Facebook lại chẳng có động tĩnh gì để ngăn chặn những phát ngôn thù địch hay chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trên nền tảng mạng xã hội của mình.
Một trong số các vi phạm của Zuckerberg hiện nay là cách tiếp cận vô cảm trong vấn đề bảo vệ nhóm yếu thế và cộng đồng bị lãng quên.
Chẳng hạn, năm 2016, Facebook không thèm đoái hoài đến những khuyến nghị để ngăn chặn quảng cáo phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Các nhà khoa học, trong nghiên cứu công bố hồi tháng 4 vừa rồi, chỉ ra rằng dù người chạy quảng cáo có hướng tới đối tượng khách hàng nào đi chăng nữa thì hệ thống quảng cáo Facebook cũng tự động phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.
Hiện nay, nền tảng này phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng, đồng thời phải dàn xếp các khoản bồi thường vì để xuất hiện những quảng cáo phân biệt chủng tộc.
Và nếu không phải vì vụ xả súng đẫm máu ở New Zealand làm 50 người thiệt mạng do một kẻ sùng bái chủ nghĩa da trắng thực hiện hồi tháng 3 vừa rồi, Facebook có lẽ sẽ vẫn chẳng có động thái quyết liệt nào để ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc.
Cần phải nói thêm, trong vụ xả súng ở New Zealand, kẻ thủ ác đã sử dụng Facebook để livestream và sử dụng mạng xã hội này như một công cụ để tuyên truyền sự hận thù. Đáng buồn là clip xả súng được lan truyền với tốc độ chóng mặt và tồn tại nhiều ngày sau đó mặc cho chính sách cấm các hình ảnh bạo lực và phát ngôn thù hận xuất hiện trên Facebook.
Cứ sai rồi xin lỗi
Năm 2018, một liên minh bao gồm 78 nhóm hoạt động vì quyền xã hội, các công ty đầu tư có tầm ảnh hưởng, các nhà đầu tư, và tổ chức Open MIC của tôi bày tỏ lo ngại rằng Facebook đã không giữ vững trách nhiệm thực hiện đánh giá ảnh hưởng nhân quyền trong hoạt động kinh doanh được, theo quy ước của Liên Hợp Quốc. Vụ việc cổ súy thù địch đối với người Rohingya ở Myanmar là ví dụ điển hình.
Báo cáo mới đây về nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Facebook là một công cụ đắc lực để lan truyền tư tưởng thù địch. Phản hồi từ phía Facebook về vấn đề này rất chậm và không hề hiệu quả. Đồng thời, Facebook cũng không thể cung cấp dữ liệu cụ thể theo quốc gia để đánh giá về sự lan truyền của ngôn từ thù địch, kích động trên nền tảng”.
Một điều tra viên của Liên Hợp Quốc miêu tả hành động của Facebook là “bị động” và “tối giản”, đồng thời cho rằng Facebook thay vì ngăn chặn mối nguy từ đầu thì chọn cách để sự việc xảy ra rồi mới xin lỗi.
Facebook cần một sự điều hành có tầm nhìn, độc lập, minh bạch và có trách nhiệm trong dài hạn. Công ty cần một lãnh đạo tối cao mới.
Trên mục Xã luận của báo New York Times, rất nhiều chuyên gia cho rằng việc dung túng cho nội dung xấu là chủ trương kinh doanh của Facebook. Doanh thu chủ yếu của nền tảng này đến từ quảng cáo và những nội dung nào hút càng nhiều lượt người tương tác hay chia sẻ thì sẽ càng được ưu tiên.
Tháng 4 vừa rồi, phát ngôn viên Ruchika Budhraja của Facebook chia sẻ với tạp chí Mother Jones rằng “hệ quả trong dài hạn của những nội dung thù địch là giảm lợi nhuận”. Trong khi đó, cuộc sống của chúng ta đang bị đe dọa.
Zuckerberg đều xin lỗi sau mỗi vụ bê bối. Không một lời xin lỗi nào đáng tin.
Trách nhiệm của Facebook vẫn còn đó. Nếu muốn tiếp tục là nền tảng mạng xã hội có ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên thế giới, Facebook cần một sự điều hành có tầm nhìn, độc lập, minh bạch và có trách nhiệm trong dài hạn. Công ty cần một lãnh đạo tối cao mới.
Đáng buồn thay, chúng ta không thể trông chờ những điều này từ Mark Zuckerberg.