Rừng ma là cách gọi của người Raglai ở huyện vùng cao Ninh Sơn chỉ nơi an táng người chết. Nếu có dịp thám hiểm khu rừng của những hồn ma này, người ta không thể không ngạc nhiên, tò mò khi thấy sát bên từng nấm mồ rệu rã với thời gian có chiếc giỏ đan bằng lồ ô với hình thù kỳ lạ. Các già làng người Raglai cho biết đó là giỏ đãi ma. Nếu thiếu cái giỏ này, người sống không yên phận mà ma người chết cũng không có được cuộc sống bình yên như mong ước.
Đường vào rừng ma thôn Hà Dài. |
Đâu là bí mật của câu chuyện giỏ đãi ma huyền hoặc này?
Chiều chạng vạng, tôi ghé rừng ma ở thôn Ya Rích nằm dưới chân ngọn núi thâm u. Khi còn cách thế giới của những hồn ma bóng quế khoảng 50 bước chân, anh chàng người bản xứ là Chamalé Bích, xấp xỉ tuổi 30, không chịu đi tiếp vì... sợ. Bích dè dặt cho biết khi không có lý do chính đáng, chẳng ai dại mà bước chân vào rừng ma nếu không muốn bị "ma bắt".
Nếu ai đó trái cấm lệnh có từ ngàn xưa, tự ý và cả vô tình xâm phạm chốn ma ở, anh ta sẽ bị ma theo dấu, ma theo mùi, ma theo bước chân về đến tận buôn làng, vào đến tận nhà gây hại bằng bệnh tật cho người và cho vật nuôi. Sự sợ hãi này của Chamalé Bích gợi nhắc tôi phong tục giả chó xóa dấu chân của người Raglai mà tôi từng được lão nghệ nhân Chamalé Âu ở Ma Nới, bật mí hơn 3 năm trước.
Theo đó, tại một số vùng cư trú khác của người Raglai, khi đưa tiễn một người về với đất đến tận nghĩa địa, đám đông thanh niên giả làm chó chạy theo tranh nhau xâu thịt nhằm mục đích tạo cảnh hỗn loạn từ rừng ma về làng để ma không biết đường tìm về... hại người!
Một người có ba linh hồn
Đến Ma Nới, trước khi tìm đến các khu rừng ma ở vùng thâm sơn tách biệt với thế giới bên ngoài này, tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với ông Tà Thía Thanh Đà, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới, về sự ra đi vĩnh hằng của một người Raglai. Ông Thanh Đà cho biết từ ngàn xưa, tổ tiên người Raglai quan niệm một người có 3 hồn (hồn trên, hồn giữa và hồn dưới), hồn theo tiếng bản xứ là bingã. Khi chết, hồn sẽ biến thành ma, gọi là atơu. Như các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên như M'nông, Êđê, K'ho, Jarai..., hồn của người chết sẽ vĩnh viễn sống với làng ma của ông bà tổ tiên (gọi là mukei) khi người thân tiến hành lễ bỏ ma, hay bỏ mả (pơthi).
Cụ bà Chamalé Thị Nga. |
Ông Thanh Đà hiện sống ở thôn Hà Dài, ở cửa ngõ dẫn lối vào con đường mòn ăn sâu vào rừng già đi qua nhiều cánh rừng ma thâm u không dành cho người yếu tim. Thấy khách đường xa quan tâm đến bản sắc, tập tục của dân tộc mình, ông Thanh Đà bật mí rằng trong tâm tưởng ngàn đời của người Raglai, cái chết không phải là dấu chấm hết của một đời người, mà chỉ là tiếp nối quá trình của một sự sống khác.
Ông nói sau lễ bỏ ma, hồn người quá cố nếu không đầu thai sẽ nhập vào một người phụ nữ nào đó trong dòng họ. Thế nên lễ bỏ ma còn có ý nghĩa, là nghi thức tái sinh người chết của người bản xứ. Do vậy trong lời khấn ma ở lễ bỏ ma của thầy cúng có đoạn với đại ý: Tôi tớ cúng cho ông bà mong hồn sống trở lại!
Cụ bà Chamalé Thị Nga, ở cách nhà ông Thanh Đà chỉ mươi bước chân không nhớ rõ mình sinh năm nào, năm nay bao nhiêu tuổi. Căn cứ vào giấy mừng thọ của Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam vào tháng 10/2012 với nội dung "Mừng thọ cụ Chamalé Thị Nga, xã Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận, trên 70 tuổi), đối chiếu với năm 2015 này, tôi đoán cụ Nga năm nay trên 73 tuổi.
Có một điều lạ là tuy không rõ tuổi thật của mình bao nhiêu nhưng cụ Nga lại nhớ rất rõ những luật tục của tộc người mình quanh sự ra đi của một người quá cố. Cụ cho biết lúc hạ huyệt, đầu người chết phải được đặt về hướng tây. Khi làm lễ bỏ ma, phải thực hiện nhiều lễ nghi như lễ mở cửa mả, lễ mừng nhà mồ mới, lễ mời hồn ma uống, lễ mời hồn ma ăn, lễ trồng cây xung quanh nhà mồ... Cụ Nga khẳng định, nếu thiếu một trong những nghi lễ trên, hồn người chết sẽ không bao giờ về tới mukei - làng ma của ông bà tổ tiên được.
Trong những lễ nghi trên, tôi quan tâm nhiều đến nghi lễ trồng cây quanh nhà mồ. Cụ Nga cho biết lễ vật phải gồm 3 mâm như nhau, trên mỗi mâm có 3 chai rượu, thố rượu cần, bắp được lẩy hột!
- Cây được trồng là cây gì, thưa cụ?
- Nhiều cây lắm, thường là cây chuối, cây mía. Có khi trồng cây đa nữa đấy!
Một số già làng Raglai giải thích việc trồng cây quanh nhà ma ẩn hàm ý đánh dấu sự tái sinh mãi mãi của một con người. Ví như cây chuối, nếu không bị người ta đốn chặt sẽ chẳng bao giờ chết. Phần thân già bao giờ cũng nhường chỗ cho những đọt mầm xanh um đầy sức sống đang từng ngày vươn cao!
Những chiếc giỏ... ma quái
Sợ bị bắt bệnh nên các cụ Chamalé Thị Nga, Thanh Đà, Tà Yên... ở thôn Hà Dài không dám dẫn đường đám khách thị thành vào làng ma của ông bà tổ tiên. Thuyết phục mãi, cuối cùng chúng tôi cũng "tóm" được anh chàng người bản xứ là Chamalé Bích dẫn đường. Như đã nói ở trên, Bích thanh niên là thế nhưng cũng không dám bước chân vào chốn ma: "Muốn vào thì vào đi" - Chamalé Bích giọng run run: "Mày ở xa, mày đến rồi mày đi nên không sao hết. Còn mình ở đây, sợ ma biết được lắm".
Rừng ma. |
Đã từng thám hiểm rất nhiều khu rừng ma của nhiều tộc người thiểu số ở vùng cao nhưng bao giờ cũng vậy, chốn ma thiêng giữa rừng già luôn gây trong chúng tôi có cảm giác rờn rợn. Rừng ma - nơi an nghỉ của những linh hồn bao giờ cũng thâm u, nhiều cây đại thụ và lùm bụi vốn tiềm ẩn nhiều mối nguy chết người đến từ cành nhánh gãy rớt và các loài rắn độc. Biết trước được điều đó nên trước khi về làng, Chamalé Bích dùng dao phạt (dao đi rừng) chặt mấy khúc lồ ô, mỗi khúc dài hơn 1m, róc sạch cành lá dúi vào tay mấy gã thị thành bạo gan để: "Đuổi rắn".
Bước chân vào rừng ma thôn Hà Dài, chúng tôi vừa dùng gậy lồ ô quơ mạnh về phía trước đặng... đuổi rắn. Chốn ma thiêng này nằm trên ngọn đồi hao hanh, tứ bề um tùm cây giá tỵ, một loài cây rừng từng được chính quyền chế độ cũ ngày trước dùng làm báng súng. Nếu như chốn ma của các tộc người Jarai ở tỉnh Gia Lai, M'nông ở Đắk Lắk, Xơ-đăng ở Kon Tum... có không ít "nhà của ma" ghi rõ tên tuổi người chết thì tại nơi này, cả thảy mả mồ đều chẳng có gì cho biết người nằm dưới những nấm mồ là ai.
Ở đây, ở nhiều mả mồ Raglai này, quanh từng ngôi mộ được thân nhân làm lễ bỏ ma, tôi thấy có nhiều vật dụng như nồi niêu xoong chảo, ché rượu bị đục thủng đít mà về sau, những người già ở Ma Nới cho biết đó là của cải lúc sinh thời người quá cố thường sử dụng nên khi người đó chết đi, gia quyến sẽ gửi lại cho người đó làm của....
Rừng ma của người Raglai ở thôn Hà Dài không có những cột tượng được bôi bằng máu của những con vật hiến sinh, cũng không có những tượng nhà mồ trầm mặc được người sống đẽo để làm bầu bạn, người hầu cho người chết (thường gặp ở rừng ma các tộc người ở Tây Nguyên)... Điểm kỳ lạ ở rừng ma của người Raglai thu hút sự quan tâm của chúng tôi là cạnh từng mả mồ, thấy có chiếc giỏ đan bằng tre, có cái giỏ đã rệu rã và có cái hãy còn mới. Trong từng chiếc giỏ, thấy có những bình lồ ô, tô chén...
Những chiếc giỏ kể trên được đặt để chốn rừng ma nhằm mục đích gì? Nó từng là vật dụng của người chết? Tại sao người ta không đặt để nó cạnh mả mồ người thân mà lại kỳ công tốn sức chặt cây rừng gác trên cao (khoảng 1m)? Những câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu chúng tôi vì khi ghé rừng ma của các thôn làng khác ở Ma Nới, khu rừng ma nào chúng tôi cũng gặp những chiếc giỏ quái dị, bí hiểm ấy!
"Cống" vật cuối cùng...
"Giỏ để ở nhà ma là giỏ đãi ma, giỏ lương thực cho ma mang theo lúc làm lễ bỏ ma, để trên đường về với mukei (làng ma của ông bà tổ tiên), ma có cái để ăn. Giỏ được đan bằng tre. Trong giỏ có rượu, thịt, canh, bánh, nước, thuốc hút...", cụ Tà Năng, ở thôn Tà Nôi, giải thích!
- Sao không bỏ vào những vật dụng khác, ví như bỏ vào chiếc gùi, mà phải đan thành giỏ như vậy, thưa già?
- Cái gùi để đựng đủ thứ đồ, đựng lúa, đựng rượu, đựng nước, đựng củi khô, con cá bắt ở suối... Muốn đựng thức ăn cho ma phải làm khác, phải đan giỏ cho sạch đẹp mới được!
Theo như giải thích của một số bậc cao niên ở Ma Nới thì việc người thân vác rựa vào rừng chặt tre nứa hay lồ ô róc tách thành sợi đan giỏ đựng đồ ăn là cách mà người Raglai thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, đồng thời là nghĩa cử cuối cùng mà người sống dành cho người chết. Giỏ được gác trên cao nhằm tránh thú rừng xâm phạm.
Những chiếc giỏ đãi ma bí hiểm. |
Các già làng còn cho biết thêm dù chiếc giỏ được đan chắc chắn, có hai quai hẳn hoi nhưng trên hành trình rời nhà đến nhà ma, người ta không xách quai mà đặt để lên mấy cành cây, trang trọng khiêng ra tận mồ. Đến nơi, khi giỏ được đặt lên giàn cây cạnh nhà mồ thì kể từ đây, những thân nhân còn sống không còn mối liên hệ gì với hồn ma nữa. Ông Thanh Đà cho biết từ đây, khi nào nhà mồ đổ nát, khi nấm mồ sụp xuống thì người thân tin chắc linh hồn người chết đã về đến xứ ông bà tổ tiên...
Có một điều lạ là không phải vùng cư trú nào của người Raglai ở Ninh Thuận cũng đều có tục làm giỏ đựng thức ăn cho hồn ma. Với người Raglai ở xã vùng cao Phước Chiến (huyện Bác Ái) là đào lỗ dưới đất cạnh nhà mồ thay cho giỏ đựng lễ vật làm thức ăn cho ma.
Tại một số xã có đông người Raglai sinh sống ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), trong quá trình làm lễ pơthi (thường thì sau chôn 7 ngày), tang chủ làm đến 2 giỏ lễ vật, một để ma ăn trên đường về với tổ tiên, một để đãi cho họ hàng của ma. Sau lễ cúng, tang chủ mang cả hai giỏ lễ vật ấy với nhiều món ăn được nấu từ con heo lớn nhất, con gà ngon nhất, bình rượu quý nhất... đưa vào nhà mồ đóng cửa vĩnh viễn!
Đây là lần thứ 3 tôi đến Ma Nới, nhưng lần nào cũng vậy, mỗi lần đến là tôi có trải nghiệm khác nhau rất đỗi lý thú về những dấu ấn bản sắc lạ của tộc người Raglai ở miền sơn cước thâm u này. Lần đến đầu tiên cách đây 5 năm, tôi khám phá về nguồn cội của tiếng đàn Chapi huyền hoặc.
Tiếp đến là phát hiện lý thú gắn với tập tục cúng mala (nhạc cụ bằng đồng như cồng chiêng Tây Nguyên nhưng không có núm), xem mala là biểu trưng của chế độ mẫu hệ có mẹ cả, chị em. Và bây giờ, đến với Ma Nới lần này, tôi phát hiện điều kỳ thú về chiếc giỏ đãi ma, những chiếc giỏ bí hiểm ẩn thông điệp về cái tình, tấm lòng "nghĩa tử là nghĩa tận" của người sống với người đã khuất...