Ký ức về thời "hoa lửa" ấy của người chiến sỹ pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa không chỉ là những ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” mà còn là câu chuyện về những người lính vượt thác ghềnh, đưa vũ khí từ bên kia biên giới về nước, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Người lính nhỏ và chú "voi sắt"
Tiếp chuyện người khách trẻ với phong thái điềm đạm, nho nhã nhưng cũng rất hóm hỉnh, Đại tá Đỗ Sâm bảo: “Ngày ấy, vóc dáng tôi cũng nhỏ bé thế thôi; nhưng tôi đã trực tiếp tham gia đưa ‘voi sắt’ về chiến trường Điện Biên đấy!”.
Pháo binh sẵn sàng nổ súng tiêu diệt địch ở chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Ngược dòng thời gian, ngày ấy, người lính trẻ Đỗ Sâm là một trinh sát pháo binh thuộc Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng (Đại đoàn 351) trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Vị Đại tá nhớ lại, trong thời gian từ tháng 8/1951- 12/1952, đơn vị của ông được cử sang Vân Nam (Trung Quốc) chỉnh huấn quân sự.
“Cuối năm 1952, trước khi lên đường về nước, Trung đoàn pháo binh Tất Thắng nhận được từ phía Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc 20 khẩu trọng pháo 105 mm, hơn 30 chiếc xe ôtô G.M.C và trang thiết bị chiến đấu khác. Đó đều là các loại vũ khí thu được của quân Tưởng Giới Thạch, sau này được quân ta sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ,” Đại tá Đỗ Sâm hồi tưởng lại.
Theo lời kể của ông, mỗi khẩu trọng pháo, mỗi chiếc ôtô ấy đều có “lý lịch” rất cụ thể (thu được của quân Tưởng Giới Thạch trong trận đánh nào, ở địa điểm nào…). “Những đoạn ‘lý lịch’ ấy để nhắc nhở mỗi chiến sỹ phải biết quý trọng vũ khí. Bao máu xương đã đổ xuống để có được chúng,” giọng ông nghẹn lại, ánh mắt dõi về phía xa xăm.
Nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm đặt ra với người lính trẻ Đỗ Sâm và đồng đội: Đưa số vũ khí trên về nước đảm bảo an toàn. Theo đó, một cuộc hành quân cơ giới được triển khai.
Trong ký ức của người cựu binh già, đây là một hành quân kỳ diệu, được Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (khi tới kiểm tra kết quả hành quân của trung đoàn vào ngày 19/5/1953) khen rằng: “Đó là một cuộc hành quân sáng tạo, táo bạo chưa từng có trong lịch sử.”
Đầu năm 1953, Trung đoàn pháo binh Tất Thắng về tới Bảo Hà (Lào Cai). Thời kỳ đó, toàn bộ tuyến đường quốc lộ từ Lào Cai về Yên Bái bị giặc Pháp đánh bom phá hỏng. Không thể tiếp tục hành quân bằng đường bộ, Bộ chỉ huy quyết định tiếp tục chuyển vũ khí về theo đường thủy.
Mỗi “chú voi sắt” - trọng pháo 105 mm (nặng hơn hai tấn), mỗi chiếc ôtô (nặng hơn năm tấn) được chiến sỹ tháo rời các bộ phận. Từ vùng bến Bảo Hà-Thíp (Lào Cai), các loại vũ khí này được đưa lên thuyền, bè; xuôi theo sông Hồng về căn cứ của quân ta ở Âu Lâu (Yên Bái).
“Chặng hành quân trên sông Hồng dài khoảng 100 km với nhiều thác, ghềnh hiểm trở đúng như tên gọi: Miệng Hổ, Cối Xay… Khó khăn nhân lên nhiều lần khi toàn bộ hoạt động ấy chỉ được diễn ra vào ban đêm, để đảm bảo bí mật,” Đại tá Đỗ Sâm bồi hồi nhớ lại.
Đại tá Đỗ Sâm bên những trang sách về chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Ông kể, mỗi chuyến đi như vậy chỉ chuyển được từ hai đến ba khẩu pháo hoặc xe ôtô. Sau gần ba tháng (đến cuối tháng 4/1953), cuộc hành trình trên sông mới kết thúc. “Chỉ ít ngày sau đó, tất cả những con người và số vũ khí, trang thiết bị chiến đấu ấy lại cùng lên đường, tiến về Điện Biên, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc,” người lính già nở nụ cười hiền hậu và kể.
“Đã bắn là phải bắn thật trúng!”
Ký ức ùa về, người trinh sát pháo binh năm xưa kể, Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng (Đại đoàn 351) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu.
“Tôi còn nhớ như in lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với anh em trong đơn vị vào ngày mồng Ba Tết Giáp Ngọ (1954) rằng, trong chiến dịch lần này, quân địch rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên hỏa lực lớn (trọng pháo 105 mm và pháo cao xạ 37 mm) của ta xuất hiện trên chiến trường. Đã bắn là phải bắn thật trúng, sao cho giặc Pháp phải thực sự khiếp sợ pháo binh ta!” Đại tá Đỗ Sâm kể đầy tự hào.
Thời điểm mở màn chiến dịch được ấn định là 17 giờ ngày 13/3/1954.
“Nhận được thư động viên của Hồ Chủ tịch, ‘'Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng cũng rất vinh quang…' anh em chiến sỹ được tiếp thêm sức mạnh trước ‘giờ G.’ Tôi sẽ không bao giờ quên được khí thế sục sôi của ngày hôm ấy; tất cả ra trận với một niềm tin quyết thắng.” Giơ bàn tay nắm chặt về phía trước, giọng mạch lạc, người chiến sỹ Điện Biên năm xưa như đang “truyền lửa” cho người đối diện.
Đại tá Đỗ Sâm kể, mỗi đơn vị pháo binh được phép bắn thử hai phát đạn vào mục tiêu đầu tiên. Ngay trong ngày mở màn chiến dịch, nhiều máy bay, xe tăng của địch đã bốc cháy.
Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng nhận lệnh kiềm chế pháo binh của địch khi chúng đang chi viện cho bộ binh chiến đấu. Những phát đạn đầu tiên từ những khẩu trọng pháo 105 mm của đơn vị đều rơi trúng điểm Him Lam, buộc hai chiếc xe tăng và bộ binh địch đang trên đường lên chi viện phải rút trở về trung tâm Mường Thanh.
"Liên tiếp những ngày sau đó, hàng trăm phát đạn bắn thẳng vào trận địa địch, tạo thành những tiếng nổ vang trời," quá khứ oai hùng như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người cựu chiến binh.
Mặc dù Đại tá Đỗ Sâm đã ở tuổi ngoài bát tuần nhưng ký ức về những ngày tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong ông. “Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục viết về những con người, những câu chuyện của thời kỳ oai hùng ấy,” ông chia sẻ.
Đại tá Đỗ Sâm là tác giả của nhiều tập sách về lịch sử quân sự, về những tấm gương anh dũng trong chiến đấu như: “Người chiến sỹ ấy,” “Thư thời chiến,” “Những tấm gương tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh”…