Ngày 14/3/1989, sinh viên người Mỹ Mark Kilroy cùng nhóm bạn đại học đi qua biên giới để vào thành phố Matamoros của Mexico, bắt đầu kỳ nghỉ xuân. Không lâu sau đó, Kilroy mất tích không một dấu vết. Đến 11/4/1989, thi thể của nam sinh này được tìm thấy cách Matamoros khoảng 15 km, cùng thi thể 14 người khác.
Hai vụ án cách nhau 34 năm
Thời điểm thi thể Kilroy được tìm thấy, báo giới quốc tế đổ về Matamoros. Cái chết của nam sinh không chỉ đơn giản là giết người, vụ việc khiến Matamoros trở nên nổi tiếng bởi nó liên quan tới một giáo phái ma quái tham gia hoạt động buôn bán ma túy cùng các nghi thức bạo lực ghê rợn.
34 năm sau cái chết của Kilroy, truyền thông quốc tế một lần nữa đổ về Matamoros để đưa tin về vụ bắt cóc một nhóm do khách Mỹ đến từ South Carolina.
Bốn người Mỹ nhập cảnh vào Mexico tuần trước đã bị một nhóm đàn ông có vũ trang nổ súng uy hiếp. Hai người trong nhóm đã thiệt mạng. Vụ nổ súng khiến một công dân Mexico không liên quan thiệt mạng.
Nhà chức trách Mỹ và Mexico đang truy tìm những kẻ bắt cóc sau khi phát hiện thi thể 2 người Mỹ. Hiện chưa rõ tổ chức nào đứng sau vụ bắt cóc.
Nam sinh Mark Kilroy. Ảnh: AP. |
Một đoạn video từ camera an ninh cho thấy các du khách người Mỹ bị nhóm đàn ông vũ trang lôi vào thùng một chiếc xe tải. Nhóm này bị tình nghi có liên quan tới một tổ chức tội phạm ma túy.
Hôm 7/3, nhà chức trách Mỹ cho hay 2 người sống sót đã được đưa vào một bệnh viện ở Mỹ. Giới chức cho rằng nguyên nhân vụ việc có thể là nhóm vũ trang đã nhận dạng nhầm người.
Matamoros là thành phố nơi các vụ mất tích, giết người xảy ra thường xuyên tới mức chẳng mấy khi truyền thông quan tâm. Thế nhưng, vụ việc năm 1989 và vụ bắt cóc mới đây gây được sự chú ý bởi liên quan tới các băng nhóm tội phạm ma túy.
Khoảng 3 tuần sau khi nam sinh Kilroy mất tích ngày 14/3/1989, cảnh sát Mexico bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc liên quan ma túy. Sau vụ bắt giữ, nhà chức trách đã lục soát tư gia của người này để tìm thêm ma túy. Kết quả là cảnh sát Mexico phát hiện thứ được miêu tả là "lò mổ người".
Đến ngày 11/4/1989, nhà chức trách phát hiện một bàn thờ với những hộp sọ động vật, thi thể người, nến. Trong số thi thể này có một phần hộp sọ của nam sinh người Mỹ Kilroy.
Nhiều bộ phận cơ thể người được tìm thấy trong một chiếc vạc sắt, dấu hiệu của một nghi thức tôn giáo, thuộc về một giáo phái "tin rằng hiến tế con người sẽ mang lại sự bảo vệ siêu nhiên cho hoạt động buôn lậu ma túy", truyền thông địa phương cho hay.
Giáo phái ma túy
Giáo phái bị cáo buộc liên quan tới vụ việc được đặt tên Los Narcosatánicos. Giáo phái này hoạt động trong một trang trại gia đình, nơi nhà chức trách tin rằng được sử dụng làm căn cứ buôn lậu gần 500 kg ma túy vào Mỹ mỗi tháng, theo Washington Post.
Thủ lĩnh của giáo phái có tên Adolfo de Jesús Constanzo, một người Mỹ được các thành viên gọi với biệt danh "El Padrino", tức bố già. Constanzo đã nghĩ ra "nhiều hình thức kiểm soát tâm trí khác nhau dưới vỏ bọc tôn giáo", Texas Monthly cho biết.
Nhà chức trách tin rằng Constanzo đã sát hại Kilroy bằng dao rựa, sau một thời gian tra tấn. Tuy nhiên, bố già của giáo phái ma túy chưa từng bị xét xử.
Lực lượng vũ trang Mexico được triển khai tại Matamoros. Ảnh: Reuters. |
Sau khi nhà chức trách Mỹ và Mexico khởi động chiến dịch truy tìm những kẻ giết hại 15 nạn nhân ở trang trại, Constanzo và đồng đảng bỏ trốn tới thủ đô Mexico City.
Khi bị cảnh sát bao vây, Constanzo được cho là đã ra lệnh cho thuộc hạ bắn chính mình, bên cạnh một đồ đệ thân cận. Cảnh sát sau đó tìm thấy thi thể của nhóm tội phạm với các vết thương do đạn bắn.
Constanzo chết sau vụ nổ súng. 5 đồng đảng của bố già này sống sót và trở thành đối tượng cuộc điều tra giết người hàng loạt. Theo AP, 5 thành viên của giáo phái Los Narcosatánicos bị kết án hàng chục năm tù giam.
Sau cái chết của Kilroy, cha mẹ của nam sinh này đã lập ra một tổ chức phi lợi nhuận nhằm đấu tranh chống lạm dụng các chất ma túy.
"Chúng tôi sẽ dành tất cả sức lực cho cuộc chiến chống ma túy. Chúng tôi sẽ không nhìn lại quá khứ mà hướng về phía trước", cha của Kilroy nói.
Sau vụ việc năm 1989, gia đình và bạn bè của nam sinh Kilroy đã dành nhiều năm cảnh báo người Mỹ về rủi ro khi tới Mexico.
Tuần qua, sau vụ bắt cóc nhóm du khách từ South Carolina, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng mức độ cảnh báo khi di chuyển tới Matamoros lên mức cao nhất, đồng thời kêu gọi công dân không đến khu vực này.
Christina Hickson, mẹ của một trong 2 người Mỹ thiệt mạng tại Matamoros, nói bà sẽ không để con trai rời khỏi nhà nếu biết cả nhóm dự định tới thành phố biên giới này.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.