“Một năm tuyệt vời đã qua. Người người lại cùng đón xuân đang về…”, bản nhạc xuân phát rộn ràng từ chiếc loa kẹo kéo trước nhà ông Bé khiến chị Trân Châu bật cười: “Năm rồi cũng không tuyệt vời lắm đâu chú ơi!".
Ông Bé vặn nhỏ âm thanh rồi trầm ngâm, nói: “Ừ ha, chú nhớ đầu năm cũng chúc nhau năm mới bình an, hạnh phúc, mà sao năm rồi biến động quá. Không biết năm mới có ổn hơn không?”.
Giãn cách
Trong ký ức của chị Trân Châu, đêm 26/5 là khởi điểm của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở TP.HCM. 21h hôm đó, sau khi phát hiện 3 ca nhiễm đầu tiên liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, lực lượng chức năng và đội ngũ y tế phong tỏa hẻm 415 Nguyễn Văn Công (Gò Vấp).
“Mọi người được thông báo ở yên trong nhà. Mỗi gia đình đặt một chiếc ghế trước cửa. Nhân viên y tế sẽ đến từng nhà lấy thông tin và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong đêm”, chị Châu nhớ lại.
Ông Bé sống trong hẻm 415 Nguyễn Văn Công (Gò Vấp). Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Từ ổ dịch điểm nhóm Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, những ngày sau đó tại TP.HCM xuất hiện nhiều ổ dịch mới, nguy hiểm và phức tạp không kém. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, TP.HCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5/2021. Bà Bạch Liên (quận Gò Vấp) kể rằng ngày khi nghe thông tin giãn cách, chiều ngày 30/5, bà cùng người con trai đã nhanh chóng đến siêu thị để mua lương thực dự trữ.
Bà Liên bồi hồi nhớ lại: “Dòng người đổ về siêu thị ngày một đông, bất chấp khuyến cáo hạn chế tụ tập nơi đông người trên các báo đài. Thời điểm đó ai cũng lo lắng. Giờ nhớ lại, tôi thấy mình có phần hấp tấp”.
Những tháng sau đó, các biện pháp giãn cách xã hội tại TP.HCM ngày càng thắt chặt. Đường phố vắng tanh, chỉ còn nghe thấy tiếng còi cấp cứu. Những rào chắn được dựng lên ở nhiều hơn, dây giăng từ đường lớn đến hẻm nhỏ.
Rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo quận 5 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“Đỉnh điểm là lúc thành phố hạn chế ra đường sau 18h mỗi ngày. Rồi các anh bộ đội đi chợ thay dân. Thời điểm đó, có những đêm đứng ở ban công nhìn xuống con đường trước nhà, tôi không nhận ra thành phố mà mình đã gắn bó gần nửa đời người’, anh Lê Thanh Huy (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Tuy nhiên, theo anh Huy, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, người dân lại có cơ hội thấu hiểu và san sẻ cho nhau. Từng bó rau, từng ký gạo được chia sớt trong thời điểm khó khăn.
Mất mát
Buổi sáng chủ nhật cuối năm, My (30 tuổi) dậy thật sớm, chuẩn bị một bộ đồ thật đẹp để đi thăm mẹ. Gần 3 tháng kể từ lúc mẹ qua đời vì Covid-19, đây là lần đầu tiên cô được cha dẫn đến nhà thờ thăm hài cốt của mẹ.
Từng bước chậm rãi, ông Minh (68 tuổi) dẫn con gái xuống từng bậc thềm của chung cư Khánh Hội (quận 4). My nắm chặt tay cha, hồi hộp sắp được gặp mẹ.
Dịch Covid-19 thật sự trở thành cơn ác mộng khi cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng ở TP.HCM. Có những người con chỉ kịp tiễn cha, mẹ từ đằng xa. Có những bậc làm cha, mẹ khi gặp lại con trẻ đã thành nắm tro tàn.
Ông Minh dẫn con gái đi viếng hài cốt của người mẹ mất vì Covid-19. Ảnh: Hữu Nghĩa. |
“Cái chết cô đơn nhất là cái chết vì Covid-19”, ông Phan Công Bình chua chát nói. Người đàn ông 70 tuổi mất đi vợ và con gái trong đợt dịch Covid-19 ở TP.HCM, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua thực tại khốc liệt.
Dẫu vậy, những người ở lại phải vững vàng để bước tiếp.
Gượng dậy
Trải qua nhiều tháng dịch bệnh kéo dài, nhiều cơ sở kinh doanh ở thành phố đã không thể gắng gượng. Không ít chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải trả mặt bằng, đóng cửa hàng quán vì không đủ khả năng tài chính.
Tháng 8, khi dịch ở TP.HCM lên đỉnh điểm, Thành Trung (26 tuổi) đã phải chia tay quán ăn mà anh đã tâm huyết gầy dựng hơn một năm qua. “Tiếc lắm chứ, nhưng dịch kéo dài quá lâu mình không tài chính để duy trì nữa. Thôi đợi khi nào hết dịch thì làm lại từ đầu”, Trung nói.
May mắn hơn Trung, chị Lương Nhi cùng chồng đã duy trì việc kinh doanh quán xá, dù khá chật vật. Bên cạnh đó, anh chị còn dành thời gian để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu những phần ăn bổ sung dinh dưỡng.
“Nhìn lại năm qua hẳn đến bây giờ, hạnh phúc nhất là cả gia đình đều bình an. Còn việc kinh doanh, thời gian đầu thật sự rất khó khăn nhưng may mắn là vợ chồng tôi đã không từ bỏ”, chị Nhi nói.
Gia đình chị Nhi chụp ảnh lưu niệm tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Niềm hạnh phúc của chị là cả 4 thành viên đều bình an trước dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Năm 2021 đã kết thúc, người TP.HCM chào đón năm 2022 với những hy vọng mới. Chị Nhi cho biết chị hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để các con có thể trở lại trường an toàn, đội ngũ y bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi sau trận chiến khốc liệt.
Tham gia công tác hỗ trợ tại tâm dịch từ cuối tháng 5/2021 đến 10/2021, Quỳnh Mai (sinh viên Đại học Văn Lang) cho biết cô đã có một khoảng thời gian không thể nào quên.
“Đối với em, năm 2021 không phải là một năm quá tồi tệ. Em biết đây là một năm đầy mất mát, thương đau. Nhưng cũng từ đó mà em nhận ra được rằng sự sống này rất ngắn ngủi, hãy trân trọng từng phút giây, trân trọng những người xung quanh khi còn có thể”, Mai chia sẻ.