Những tường thuật về các cuộc thám hiểm khác nhau của Yersin đã xuất hiện rải rác trên tạp chí, bản tin và các tác phẩm tập thể, thường là rất lâu sau khi hoàn thành. Chỉ có tường thuật về chuyến đi thứ tư xuất hiện dưới dạng sách.
Tường thuật về hai chuyến đi đầu tiên đã không xuất hiện cho đến cuối đời ông, vào năm 1942-1943, trên Vichy Indochine, một tuần báo có minh họa, xuất bản tại Hà Nội trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sau đó, Alexandre Yersin đã viết những kỷ niệm thám hiểm của mình theo yêu cầu của Phó đô đốc Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương từ năm 1940 đến 1945.
Nửa thế kỷ ngăn cách việc viết lách với những chuyến đi, không phải là không có hứng thú, bởi vì, với nhận thức có suy xét, nó cho phép Yersin đưa ra một số khám phá của ông, nhất là về cao nguyên Lang-Bian. Ông đặc biệt nhắc lại chuyến đi được thực hiện vào năm 1899 với Toàn quyền Paul Doumer, dẫn đến việc thành lập thành phố Đà Lạt sau này.
Qua tham khảo bản đồ mới tỷ lệ 1:100.000 của Sở Địa lý Đông Dương xuất bản vào những năm 1940, Yersin cũng ghi nhận rằng hầu hết các ngôi làng có tọa độ mà ông ghi được năm mươi năm trước đó, đã đổi tên, bị di dời hoặc đơn giản là đã biến mất.
Câu chuyện về chuyến đi thứ ba, tựa đề “Bảy tháng ở vùng đất người Thượng”, được đưa vào một tác phẩm tập thể, xuất bản năm 1935. Trong đó, có một đoạn kể về cuộc tấn công của toán cướp nhằm vào Yersin, chúng tôi không giữ lại trong câu chuyện này, bởi vì bài báo có tựa đề “Chạm trán những tên cướp”, xuất bản năm 1942 trên tạp chí Indochine, kể lại cuộc phiêu lưu tương tự với nhiều chi tiết và hương vị như trong “Bảy tháng ở vùng đất người Thượng”.
Nói chung, chúng tôi đã giữ lại cách viết của thời đó; khi Yersin sử dụng hai cách viết khác nhau, chúng tôi chọn chỉ giữ một (ví dụ: Nha-Trang có nghĩa là Nha Trang). Các lỗi chính tả và cú pháp chắc chắn đã được sửa chữa.
Các chú thích của editions Olizane sẽ được đánh dấu Nde.
Một hình ảnh được ghi lại trên hành trình thám hiểm của Yersin. Ảnh: NXB Trẻ cung cấp. |
Lời kết chuyến du hành của Yersin • Tháng 8, năm 1894
Trong 13 tháng du hành đến với người Thượng, tôi đã có thể đi qua vùng đất của họ từ Nam Kỳ đến Đà Nẵng ở Trung Kỳ, từ 11 độ đến 16 độ vĩ độ Bắc.
Hôm nay tôi không muốn thực hiện một nghiên cứu chung về vùng đất của người Thượng, bởi vì một công việc như vậy đòi hỏi tôi phải dành thêm thời gian lưu trú tại xứ sở này và có những chuyến đi mới. Tôi chỉ muốn trình bày một số suy nghĩ, có thể được xem là kết quả của những chuyến thám hiểm của tôi.
Chủng tộc người Thượng tương tự nhau khắp Đông Dương. Ngôn ngữ được các bộ tộc sử dụng tuy khác nhau, nhưng có một nguồn gốc duy nhất; có rất nhiều từ chung. Sự giống nhau được quan sát thấy trong các phong tục, tập quán và tín ngưỡng.
Có thể nói, cộng đồng người Thượng không có bất kỳ một loại đơn vị hành chính nào. Chẳng những không có tộc trưởng, có thể nói họ thậm chí không có các trưởng làng. Trong quá trình kể chuyện của mình, tôi dùng từ gọi trưởng làng cho người giàu nhất và có ảnh hưởng nhất, tuy nhiên người này không có quyền hành thực sự, ngoại trừ tại nhà riêng của họ.