Trong tác phẩm Lịch sử Trung đoàn không quân tiêm kích 927, trận đánh đêm 20/11/1971 là một ký ức đáng nhớ đối với những người tham gia. Tại xã Ba Đồn (Quảng Bình), sở chỉ huy B8 đã ra lệnh phi công Vũ Đình Rạng nhằm thẳng vào chiếc máy bay B52 phía trước.
Phá thế trận cảm tử với B52
Theo Lịch sử Trung đoàn không quân tiêm kích 927, nhiều chuyến bay mang tính chiến thuật của các biệt đội MiG - 21 thuộc Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam) đã sang tới khu vực Sầm Nưa - Sầm Tơ nhằm ngăn chặn B52 theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến trường Lào. Các phi công luôn ở trong trạng thái sẵn sàng cất cánh trong mọi điều kiện thời tiết. Vì sự chênh lệch về sức mạnh, máy bay của ta được lệnh nếu gặp B52 phải bỏ ngay thùng dầu phụ để tăng tốc vượt qua hàng rào tiêm kích bảo vệ, đánh rơi B52.
Lúc bấy giờ có một số nhận định rằng nếu phải đánh như vậy, xác suất phi công ta bay về hạ cánh ở sân bay là rất thấp. Dù vậy đội bay phải xác định tinh thần và chuẩn bị sẵn tư tưởng quyết đánh dù có tổn thất. Việc đối đầu với pháo đài bay B-52 dường như là một nhiệm vụ cảm tử.
Trong khi đó, quân ta vẫn đang tìm chìa khóa để giải mã con quái vật sắt của đế quốc Mỹ. Mấu chốt là làm sao để phá lớp vỏ bọc "tàng hình" của B-52.
Sau những khó khăn khi vây bắt B52 từ tháng 10/1970 - tháng 8/1971, Bộ Tư lệnh chiến trường Lào đã tổ chức một đoàn nghiên cứu gồm các sĩ quan tham mưu, tác chiến, dẫn đường, quân báo, các phi công có kinh nghiệm chiến đấu vào Khu 4 khảo sát thực tế. Theo đó, sở chỉ huy tiền phương (B8) ở thôn Đông Dương, Ba Đồn, Quảng Bình được chọn là nơi để nghiên cứu và tổ chức đánh B52. Trong đoàn di chuyển lúc đó có đại tá Nguyễn Văn Chuyên, một người dẫn đường nhận được sự tín nhiệm cao trong sư đoàn.
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên (Sư đoàn 371, tham gia trận đánh đêm tháng 11/1971 tại đèo Mụ Giạ) kể lại: “Từ năm 1968, quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Đến năm 1969, quân ta đưa một đài radar vào Cẩm Xuyên. B-52 đánh vào Mụ Giạ thì mình cách Cẩm Xuyên khoảng 100 km, chúng tôi bắt đầu phát radar. Nhưng nhiễu quá dày không thể phát hiện được. Tình hình năm 1970 không mấy khả quan hơn. Cho đến 1971 thì mình tổ chức khác”.
Một trong những điểm khác biệt đó chính là việc bố trí các trạm radar. Có hai đại đội radar dẫn đường 41 và 47 trực tiếp phục vụ việc mở máy theo dõi B-52. C41 đặt ở Pháp Kệm cách B8 2 km. C47 bố trí ở Văn Tiền phía đông bắc B8, cách 7 km. Ngoài ra, hai đại đội khác ở Đô Lương (Nghệ An) và C31 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) giúp sức. Dựa vào tin tình báo chiến lược, Sở chỉ huy B8 cho mở radar theo dõi theo thời gian linh hoạt, thay đổi liên tục.
Từ một chấm đen cho đến trận chiến đáng nhớ
Hơn 60 ngày đêm ăn ngủ cùng những tín hiệu radar, kết quả thu lại được chỉ là những dòng nhiễu dài cùng một vài chấm đen không rõ hình dáng. Cho đến cuối tháng 9/1971, các kết quả dò tìm B-52 đến từ đội C41 tương đối chính xác.
Lúc này, sân bay Đồng Hới cũng đã được phục hồi và sửa chữa lại sau trận đánh phá của không quân Mỹ. Chưa đầy một tuần sau đó, sở chỉ huy B8 hạ quyết tâm sử dụng tiêm kích Mig-21 để đối đầu với B-52.
Lý giải về việc có thể tìm kiếm được B-52 lúc bấy giờ, đại tá Nguyễn Văn Chuyên cho biết: “Từ năm 1965-1971, quân ta đã trải qua 7 năm chống chiến tranh phá hoại. Không quân ta đã nghiên cứu, trực tiếp đánh Mỹ, từng bước làm nhiễu trinh sát điện tử của Mỹ. Việc tìm tòi và phát hiện từng bước dần hoàn thiện hơn. Cùng với đó, quãng thời gian ba tháng ròng rã nghiên cứu kiên gan bền lòng để tìm cho kỳ được pháo đài bay B-52 là yếu tố quan trọng”.
Ngày 4/10/1971, sau khi đại đội Radar 41 phát hiện tốp B-52 vào cách biên giới 275 km. Phán đoán địch sẽ vào đánh đường 12 và đường 20, sở chỉ huy B8 lệnh cho phi công Đinh Tôn cất cánh lúc 19h10’. Sau khi vừa kéo máy bay lên độ cao, 11.000 m, phi công phát hiện tín hiệu trên radar và có phán đoán ban đầu về B-52. Nhưng ngay lập tức, các tiêm kích của địch đã tiến đến từ nhiều hướng, phi công Đinh Tôn buộc phải hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân.
Ngày 20/11/1971, nhận thấy thời tiết tốt, dựa vào kinh nghiệm chinh chiến của bản thân, đại tá Nguyễn Văn Chuyên (người dẫn đường chính) đã đề xuất cất cánh đánh trong đêm. Trước đó, sở chỉ huy B8 tạo một phương án nghi binh khiến cho địch phán đoán sai bằng cách lặp lại quy trình mỗi máy bay chỉ cất cánh một lần trong đêm.
Theo lệnh từ chỉ huy, phi công Vũ Đình Rạng vào vị trí xuất phát.
“Tất cả chỉ là một bầu trời tối đen, chỉ có thể quan sát thông qua radar trên máy bay. Nhiệm vụ đánh đêm luôn đặc biệt nguy hiểm. Nó còn phải cẩn trọng hơn khi đối đầu với kẻ địch ta chưa nắm rõ được thông tin”, ông Vũ Đình Rạng kể lại. Thế nhưng, đối với những phi công, nguy hiểm kề cận là chuyện bình thường phải đối mặt. Với chưa đầy 200 giờ tập huấn bay, phi công Vũ Đình Rạng cùng chiếc MiG-21 tiến vào đêm đen vào lúc 20h37’.
Lần này do công tác chỉ huy, dẫn đường, bắt mục tiêu được chuẩn bị chu đáo, nên sau khi cất cánh 20 phút, phi công Vũ Đình Rạng phát hiện cách địch 11 km. Lúc này ở sở chỉ huy B8, không còn một tiếng động nào phát ra, mọi người nín thở, im phăng phắc. Tưởng chừng như chỉ cần một tiếng động nữa thôi sẽ là “giọt nước tràn ly”, mọi cảm xúc vui sướng vỡ òa vì sau bao ngày tháng rõng rã cuối cùng đã phá được trận địa nhiễu của địch.
Vào 20h57’, người dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên cho phi công tăng tốc để tiếp cận B-52. Thủ trưởng trực chỉ huy Trần Hanh lệnh: "Đồng chí Rạng, bình tĩnh công kích”. Ông Rạng phóng một quả tên lửa sau đó theo lệnh thoát ly. 21h15’, phi công Rạng hạ cánh an toàn tại sân bay Anh Sơn. Phải một khoảng thời gian sau đó, theo tin tình báo, không quân ta mới biết trận đèo Mụ Giạ đã gây thiệt hại lớn cho B-52 của địch.
Khi hòa bình được lập lại, phi công David Volker Robert lái B-52 ngày ấy có quay về Việt Nam thăm chiến trường xưa cùng ông Vũ Đình Rạng. Khi đang ôn lại chuyện cũ, David có gửi lời cảm ơn đến ông Rạng: “Nhờ tối ngày 20/11/1971 ông Rạng không bắn rơi máy bay nên tôi mới có thể sống đến ngày hôm nay”. Giữa hai người phi công lúc bấy giờ chỉ còn lại những cái bắt tay thân mật.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Hồi ký bay của Phi công huyền thoại Nguyễn Đức Soát
"Bầu trời - Trường đại học của tôi" là tác phẩm mới của Trung tướng Nguyễn Đức Soát ra mắt vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quân chủng Phòng không - Không quân đưa thần tượng B-52 xuống bùn đen
Bắn rơi B-52 của Mỹ cho thấy hiệu suất chiến đấu cao của tên lửa Phòng không Việt Nam.
Nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân
Cuốn "Mãi lá trung quân" viết về 27 nhân vật mà chủ yếu là các sĩ quan quân đội, đặc biệt là những trang viết giàu cảm xúc về Đại tá Hoàng Long Xuyên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.