Trong cầu truyền hình "Tổ quốc nhìn từ biển", cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa 3 con người một lần nữa khẳng định Hoàng Sa từ trước đến nay vẫn nằm trong chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Ông Trần Quân Bảo (Hà Nội) còn nhớ rõ những ký ức từ khi mới chỉ 5 tuổi, cùng mẹ và hai em theo cha ra nhận nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa. Khi đó, cha ông - ông Trần Văn Phước là cán bộ kỹ thuật của Sở Vô tuyến điện Đông Dương, được chính quyền bảo hộ Pháp điều động ra làm trưởng trạm vô tuyến điện đầu tiên tại đảo Hoàng Sa từ những năm 1939-1940.
Đối với ông Bảo, cho đến hôm nay, những hình ảnh tại đảo Hoàng Sa vẫn còn đọng lại rất sâu sắc và rõ ràng. "Tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi là thành viên của một trong những gia đình người Việt đầu tiên từng sinh sống và làm việc tại đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày nay. Tôi và các em đã trở thành những công dân nhỏ tuổi nhất tại Hoàng Sa".
Ông Quân Bảo kể lại những ngày đầu tiên khi lên đảo, các thành viên cảm nhận được tình cảm thân thiết mà những người đang sống trên đảo dành cho gia đình: "Họ ùa ra, chào đón chúng tôi những những người xa lâu ngày không gặp, điều đó giúp chúng tôi quên đi tất cả nỗi lo sợ, lạ lẫm khi xa đất liền".
Hai năm sống tại đảo Hoàng Sa, ông Bảo vẫn nhớ hình ảnh về các công trình trên đảo lúc bấy giờ. Các công trình đã được xây dựng khá chắc chắn, nổi bật nhất là hai cột ăng-ten, cao khoảng 20 m. Đối với ông Bảo khi đó còn là một đứa trẻ thì cột ăng-ten còn cao hơn cả những cột điện được nhìn thấy ở đường phố ở Hà Nội. Đường sá ở Hoàng Sa lúc đó tuy nhỏ hẹp nhưng đã hình thành rõ ràng, thẳng và tập trung về khu vực giữa đảo.
Có khoảng 10 ngôi nhà được xây ngang hàng, quy củ, trong đó có hai ngôi nhà to và rộng nhất của đảo, một ngôi nhà dành cho đồn trưởng Pháp quản lý, gọi là nhà đồn, còn nhà thứ hai để trạm khí tượng, trạm thiên văn nên được gọi là nhà trạm.
Nhường cơm cho ngư dân tàu Trung Quốc gặp bão
Đến bây giờ, những ký ức của ông Trần Hòa, người y tá từng làm việc tại Hoàng Sa vẫn còn in đậm trong tâm trí, như ông nói mọi chuyện dường như chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Ông Trần Hòa (Duy Xuyên, Quảng Nam) nhớ lại Hoàng Sa giống như một bức tranh tuyệt đẹp, đó là cồn cát vàng nổi lên giữa biển xanh đen, được phủ bởi màu xanh lục của cây bàng biển, bãi san hô lấp lánh đủ màu dưới lớp nước long lanh trong vắt, những dải màu của nước biển nông sâu.
Sống tại Hoàng Sa từ năm 1973 khi chỉ mới 20 tuổi, trong khoảng thời gian khó quên đó, câu chuyện khiến ông Trần Hòa nhớ nhất đó chính là lần cứu tàu Trung Quốc bị bão. Gia đình Trung Quốc gồm 5 người đã được người dân trên đảo cứu sống.
Với ý nghĩ cứu được người nhưng cũng không để người ta bị đói, dù ngày đó mỗi chiến sĩ trên đảo chỉ có 700 gram gạo ăn trong 3 tháng, nhưng mọi người vẫn quyết định đem những phần dạo của mình cho những người dân Trung Quốc gặp bão.
Hoàng Sa là của Việt Nam
Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến hạm Nhật Tảo làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Hoàng Sa. Tháng 1/1974, chiến hạm này bị quân đội Trung Quốc tấn công và đánh chìm. Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng lúc ấy phụ trách trọng pháo trên tàu đã tử trận cùng nhiều quân nhân khác. Trong giấy báo tử gửi về gia đình, có ghi rõ Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng mất tại quần đảo Hoàng Sa.
Hai tháng sau, con trai ông ra đời tại Cần Thơ và được mẹ đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa. Xuất hiện trên cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển, anh Nguyễn Hoàng Sa chia sẻ: “Tôi rất tự hào về người cha đã chiến đấu và hi sinh, về tên Hoàng Sa mà mẹ đã đặt cho tôi, vì đó là tên hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin rằng mẹ tôi đặt tên Hoàng Sa để luôn nhớ đến sự hi sinh của cha và đó cũng là lời nhắc nhở, khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Dù sinh ra khác thế hệ, từ nhiều nơi ở đất nước, nhưng những người như ông Quân Bảo, ông Trần Hòa và anh Hoàng Sa lại có mối liên kết với nhau, bởi họ đều rất gắn bó với đảo Hoàng Sa. Cuộc hội ngộ của họ trong cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển, còn hơn tất cả những bằng chứng, hơn tất cả những trang bản đồ, lý lẽ và cả những hành động vũ lực, sức mạnh quân sự để cố chứng minh Hoàng Sa là của "ai đó".
Sự có mặt của các nhân chứng trong cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển nói lên một điều rất giản dị, họ đã từng sống, từng chiến đấu và làm việc tại Hoàng Sa, đã có người thân nằm lại tại mảnh đất thiêng liêng, mãi mãi của Việt Nam.