Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ tích sông Hán và công cuộc đổi mệnh của Seoul

Từ một thị trấn công nghiệp nhỏ của tỉnh Gyeonggi cách đây 60 năm, Seoul hiện là thành phố lớn nhất Hàn Quốc và một trong những đại đô thị hàng đầu thế giới.

Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 64 USD. Đến những năm 1960, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc vẫn chỉ mức tương đương với các nước nghèo tại châu Phi và châu Á.

su phat trien than ky cua Seoul anh 1
Khu mua sắm ở quận Gangnam, thủ đô Seoul. Quận Gangnam là một trong những khu phố giàu có nhất của Hàn Quốc, tập trung nhiều trụ sở tài chính, công ty lớn, ngân hàng, chung cư cao cấp Ảnh: Getty

Năm 1963, tướng Park Chung Hee trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Với tư tưởng biến Hàn Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh, ông bắt tay vào thúc đẩy kinh tế. Hàn Quốc tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, hay chaebol.

Các chaebol được giao nhiệm vụ đưa một Hàn Quốc từ quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế như hiện nay. Qua đó, Hàn Quốc trở thành một trong 4 "con rồng" kinh tế châu Á đầu thập niên 1990.

Con đường phát triển của Hàn Quốc được coi một bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là "Kỳ tích sông Hán".

Vận mệnh hoá rồng

"Kỳ tích sông Hán" được dùng để nhắc đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhờ xuất khẩu, công nghiệp hoá và hiện đại hoá nhanh chóng của Hàn Quốc. Các thành tựu công nghệ, giáo dục và đô thị hoá đã đưa Hàn Quốc từ đống tro tàn sau chiến tranh thành một quốc gia thịnh vượng.

Cụm từ này còn được dùng để mô tả sự phát triển vượt bậc của Seoul. Thủ đô Hàn Quốc hiện có dân số hơn 10 triệu người. Với diện tích 605 km2, nhỏ hơn London hay New York, đây là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Tổng dân số sống tại Seoul và 5 thành phố vệ tinh hiện nay là khoảng 25 triệu người, chiếm 47% dân số cả nước. Đây là mật độ dân số cao hơn khu vực đô thị ở nhiều nước khác như Paris (20%) hay Tokyo (32%). 

Trong quá khứ, Chiến tranh Triều Tiên phá hủy nghiêm trọng thành phố Seoul, khiến khoảng 30% ngôi nhà, 70% nhà máy và các tòa nhà thương mại, công trình công cộng bị phá hủy. Mãi cho đến năm 1955, dân số của Seoul mới hồi phục đến mức trước chiến tranh.

Đến năm 1960, dân số tăng 2,4 triệu. Dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee những năm 1960, Seoul trở thành là trung tâm sản xuất của quốc gia.

su phat trien than ky cua Seoul anh 2

Seoul được mệnh thành là "thành phố không bao giờ ngủ". Ảnh: Getty


Giải phóng mặt bằng ở các khu ổ chuột và quy hoạch các khu định cư bất hợp pháp là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Seoul ở thời điểm dó. Từ năm 1966 đến 1970, chính quyền cải tạo các khu ổ chuột, xây dựng những căn hộ 4-5 tầng để thay thế công trình xuống cấp và tái tạo cảnh quan thành phố.

Dòng suối Cheonggyecheon được san lấp để phục vụ cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Công nhân thất nghiệp từ nông thôn đổ về thành phố.

Thay đổi bộ mặt đô thị

Đây là thời điểm dân số và cơ sở vật chất, vốn chủ yếu tập trung ở khu vực phía bắc của sông Hán, bắt đầu mở rộng đến phía nam. Các khu căn hộ đồng loạt mọc lên. Sự xuất hiện của tàu điện ngầm mới đã làm nên bộ mặt mới cho hệ thống giao thông công cộng.

Chính quyền thành phố quyết định cải tạo và phát tiển đảo Yeouido, một khu vực thường bị ngập lụt trong mùa mưa, đồng thời phân tán dân cư và các cơ sở ở phía nam sông Hán.

Nhiều khu chung cư mọc lên ở Kangnam, những cây cầu lớn được xây dựng để kết nối khu vực phía nam và phía bắc của thành phố như Chamshil, Tongjak, Yongdong. Từ 1967, chính phủ bắt tay vào dự án đầy tham vọng là xây bờ kè cao 10 m, dài 7,6 km quanh Yeouido.

Những năm 1970, Yeouido được chuyển đổi thành một khu dân cư và thương mại theo kế hoạch ''Manhattan'' của Seoul. Năm 1973, địa giới hành chính của Seoul mở rộng đến 605 km2.

Quá trình mở rộng của thành phố được kèm theo những nâng cấp trong hệ thống giao thông vận tải công cộng. Đường tàu điện ngầm số 1 của Seoul hoàn thiện năm 1974, tuyến số 2 đến số 4 lần lượt mở vào các năm 1984 và 1985. 

''Có thể nói rằng sự chuyển mình của Seoul thành một thành phố hiện đại và công nghiệp hóa được hoàn thành nhờ những thay đổi trong những năm 1960 và 1970 dưới chính quyền quân sự. Đó là thời điểm cả nước nhận thấy sự nổi lên của Seoul như một siêu đô thị", sử gia Chang Kyu-shik thuộc Đại học Yonsei cho biết.

su phat trien than ky cua Seoul anh 3
Đường tàu điện ngầm đầu tiên của Seoul năm 1974 (ảnh trên) và tàu điện ngầm năm 2014. Ảnh: Seoul Metro 

Cú hích Thế vận hội

Seoul trở thành một đô thị 8,5 triệu người vào năm 1980, chiếm khoảng 22,3% dân số Hàn Quốc và trở thành siêu đô thị 10,8 triệu dân vào năm 1989. Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu tập trung hơn vào việc cải thiện hình ảnh văn hoá và làm đẹp thành phố.

Qua hai kỳ Olympic năm 1986 và 1988, Seoul đã đẩy mạnh các hoạt động nằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh ra thế giới. Việc xây dựng một sân bay quốc tế mới và sự xuất hiện của các trung tâm hội nghị phản ánh sự phát triển thành một đô thị toàn cầu của Seoul. 

Chính phủ bắt đầu dự án làm sạch nước ô nhiễm sông Hàn. Các bờ sông tự nhiên được thay thế bằng khối bê tông và đường ống thoát nước được đặt dọc theo hai bên sông để lọc ra chất ô nhiễm nguy hiểm.

Một đường cao tốc được xây dọc theo bờ sông để nối sân bay Kimpo đến trung tâm thành phố và sân vận động Olympic. Đường tàu điện ngầm cũng được mở rộng. Các tuyến số 2, số 3 và số 4 tạo thành một chữ X đi khắp trung tâm Seoul.

Trong thập niên 80 thế kỷ trước, chính phủ thúc đẩy dự án tái phát triển và đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt Seoul. Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, chính phủ khởi đông các dự án nhà ở khổng lồ được xây dựng tại các khu Mok-dong, Kodok-dong, Kaepo-dong và Sanggye-dong.

Năm 1989, chính phủ Hàn Quốc xây dựng năm thành phố vệ tinh là Ilsan, Pundang, Sanbon, Pyongchon và Chungdong để giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở Seoul. Seoul không còn là một thành phố độc lập, mà là trung tâm của vùng mở rộng đô thị hơn 20 triệu người.

Thành phố tiếp tục thay đổi nhanh chóng vào những năm 1990, khi nền tảng công nghiệp từ lao động được thay bằng công nghệ cao.

Thành phố toàn cầu

Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp thông tin và truyền thông tại Seoul là nền tảng của tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc thời gian qua. Thành phố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia.

Sân bay quốc tế Incheon cũng giúp Seoul trở thành trung tâm giao thông quốc tế. Hiện nay, Seoul đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố toàn cầu, là trung tâm tài chính và thương mại của Đông Bắc Á. 

su phat trien than ky cua Seoul anh 4

Sân bay quốc tế Incheon. Ảnh: Getty

 

Sau khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990, Seoul cũng phải đương đầu với nhiều vấn đề đô thị như thất nghiệp và phúc lợi xã hội. Sự ra đời của một hệ thống quyền tự quản của địa phương là khởi đầu mới cho Seoul.

Bầu cử trực tiếp thị trưởng và hội đồng thành phố cũng mang lại thay đổi cơ bản trong chính trị địa phương, cho phép người dân tham gia đóng góp kế hoạch xây dựng thành phố. "Seoul vừa củng cố vị trí thành phố toàn cầu vừa đang tìm cách xây dựng một đời sống văn hóa riêng", sử gia Chang nhận định.

"Từ một thủ đô nhỏ và ít được biết đến, Seoul đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Thật khó có thể nghĩ đến một thành phố nào khác trên thế giới trải qua sự thay đổi kinh ngạc đến như vậy", nhà nghiên cứu Kim Kwang-joong thuộc Viện Phát triển Seoul nhấn mạnh.

Hiện nay, Seoul là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của cả Hàn Quốc. Khu vực đô thị quanh Seoul hiện tập trung 84% cơ quan và tổ chức chính phủ, 88% của 30 công ty lớn nhất Hàn Quốc, và 65% trong số các trường đại học phổ biến nhất cả nước.

Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới xét về GDP (GDP bình quân năm 2015 là 27.900 USD). Thủ đô Seoul đứng thứ 7 trong nhóm các thành phố bền vững nhất thế giới.

Singapore và câu chuyện phát triển thần kỳ

"Hồi là cậu bé vùng quê, tôi không nghĩ có thể trở thành giáo sư ở trường đại học hàng đầu thế giới", ông Freddy Boey nhớ về thời kỳ chuyển mình thần kỳ của Singapore sau độc lập.

Bài học Thượng Hải hóa rồng

Thượng Hải - thành phố mà Bí thư Đinh La Thăng đánh giá là hình mẫu để TP HCM học hỏi - từng xuống cấp, suy tàn nhưng rồi trỗi dậy mạnh mẽ, “hóa rồng” nhờ các quyết sách hiệu quả.





Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm