Ông Nhậm Chính Phi khởi nghiệp ở tuổi 44 với niềm mơ ước biến Huawei trở thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu thế giới. Để đạt được giấc mơ này, ông Nhậm đặt tôn chỉ khách hàng là trung tâm, khơi gợi cảm hứng để toàn bộ nhân viên sẵn sàng lao vào gian nguy với mục tiêu duy nhất vì khách hàng.
Mai Chí Linh là một nhân viên được truyền cảm hứng như thế. Ba lần đặt chân đến Haiti, anh lý giải đơn giản: “Tôi đi vì công ty thôi”. Nhưng ngoài lần đầu tới Haiti vì được điều động, còn lần thứ 2, thứ 3 anh hướng về đất nước ở vùng biển Caribe này với tấm lòng vì khách hàng và dự án.
Lần đầu đến Haiti
Năm 2018, một tháng sau khi kết thúc dự án ở Burundi, anh Linh trở về Việt Nam và chỉ kịp nghỉ ngơi một tuần rồi tiếp tục chuyến công tác mới. “Lần này sang tận châu Mỹ, cách Việt Nam đúng nửa vòng trái đất. Tôi tìm hiểu trước thông tin trên Internet và nhận thấy Haiti là đất nước nghèo nhất thế giới. Trận động đất năm 2010 đã cướp đi sinh mạng 200.000 người và khoảng 1,5 triệu người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất”, anh kể.
Anh Linh tại Qatar, trên đường nối chuyến sang Haiti. |
Anh nhớ lại mình đã trải qua 3 chuyến bay, nối chuyến ở Qatar và Miami (Mỹ). “Tôi đến Haiti vào chiều một ngày đầu tháng 7. Rất may mắn là Haiti vừa kết thúc cuộc biểu tình và bạo loạn vài ngày trước đó. Xe của khách hàng đón tôi ở sân bay phải đi vòng qua nhiều con đường còn xác lốp xe, bãi đá to chưa được dọn dẹp do hậu quả của cuộc biểu tình”, anh hồi tưởng.
Về đến nhà, anh Linh tiếp tục được khách hàng dặn dò kỹ lưỡng về việc không ra đường vào buổi tối, không tự ý đi đâu một mình, đi làm về phải có cảnh sát đi kèm do tình hình an ninh ở đây phức tạp. Những điều này khiến anh dần lo lắng và chán nản dù dự án còn chưa bắt đầu.
Những ngày đầu mới sang Haiti, anh đã có suy nghĩ chùn bước. Dự án bước đầu có trục trặc do khách hàng chưa đồng ý phê duyệt thiết kế, khiến anh mất thời gian làm đi làm lại. Dù trễ hẹn 2 tuần, anh vẫn triển khai dự án suôn sẻ và bắt đầu tăng tốc vì sự quyết tâm, một lòng vì khách hàng.
Những cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên ở Haiti. |
“Khách hàng đã hỗ trợ tôi nhiệt tình không chỉ trong công việc mà cả đời sống, ăn uống đi lại. Trong thời gian 2 tháng ở Haiti, tôi hầu như chỉ di chuyển giữa công ty và nhà vì e ngại gặp phải tình huống nguy hiểm. Cũng vì thế nên tôi may mắn không gặp tình huống gì xấu và cũng yên tâm trở lại. Làm việc trong tiếng súng nổ và cảnh bạo loạn dường như đã trở nên quen thuộc với tôi”, anh Linh tâm sự.
Tình cảm với vùng đất này cũng lớn dần lên trong anh. Trong một lần ra biển cùng khách hàng, anh nhận thấy đất nước này có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ. “Quả đúng là vùng biển Caribbe, đẹp như trong phim”, anh cảm thán.
Kết thúc 2 tháng dự án, anh Linh nhớ lại cảm xúc chán nản ngày đầu vì những điều bất ổn, nhưng vì mục đích triển khai dự án và hỗ trợ khách hàng, anh không ngại khó khăn để vượt qua tất cả. Anh trở về Việt Nam đầu tháng 9/2018 đúng như kế hoạch.
2 lần trở lại Haiti và cuộc giải cứu bất thành
Năm 2019, anh Linh trở lại Haiti cho dự án tiếp theo. Lần này, anh bay nối chuyến ở Tokyo (Nhật Bản) và New York (Mỹ). Tại Haiti, người dân chủ yếu mua hàng hoá từ các khu chợ. Hàng hoá trong siêu thị cũng có nhiều nhưng giá khá cao so với mặt bằng chung, đa số phục vụ người có tiền và người nước ngoài.
Người dân Haiti sống trong tình cảnh tạm bợ. |
Trong lần trở lại Haiti, anh Linh có tinh thần tốt hơn do thực tế trải nghiệm lần trước và cũng đã thân quen với khách hàng. Để hoàn thành công việc, anh cùng khách hàng ăn, ngủ ngay tại phòng làm việc. Giường chiếu được chế từ vỏ hộp thiết bị của dự án, bên ngoài vẫn là cảnh nổ súng, bắt cóc và bạo loạn. Đây là văn hóa đã ăn sâu vào máu của người Huawei - làm việc không biết mệt mỏi, sẵn sàng lăn ra ngủ ngay cạnh bàn làm việc để lấy lại sức và tiếp tục cống hiến cho công việc.
Mối duyên với đất nước Haiti lại đến với anh lần thứ 3 vào năm 2020, dự kiến kết thúc vào tháng 4 cùng năm. Do dự án trải qua Tết Nguyên đán, ban giám đốc Huawei đã tạo điều kiện cho đội ngũ của anh trở về Việt Nam ăn Tết. Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ sau Tết, cả đội vẫn quay lại Haiti làm việc vì dự án và khách hàng là điều đặc biệt quan trọng.
Khối lượng công việc lần này lớn hơn, công việc vận hành mạng nhiều và bên khách hàng còn có thay đổi nhân sự nên dự án bị chậm vài tuần. Anh cho hay: “Chúng tôi cố gắng kiểm soát để việc không trôi quá nhiều. Ban giám đốc cũng gia hạn cho chúng tôi 2 tuần nữa để kết thúc dự án. Tuy nhiên, có một sự kiện làm thay đổi mọi kế hoạch”.
“Ở thời điểm đó, mọi người đều không lường trước được tình huống phức tạp của dịch. Ngay khi Haiti phát hiện ra 2 ca đầu tiên nhiễm Covid-19 cuối tháng 3, cuộc họp khẩn Huawei diễn ra ngay tối hôm đó, ban giám đốc đồng ý rút tôi về, để một đồng nghiệp ở lại. Ngay lập tức chúng tôi được tạo điều kiện từ phía khách hàng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn. Ngay hôm sau Haiti đóng cửa biên giới, hủy toàn bộ chuyến bay. Tiếp đó, Việt Nam, châu Âu, Mỹ cũng đóng cửa. Chúng tôi chính thức bị kẹt lại tại đây”, anh Linh kể.
Cảnh ngủ trên sàn nhà, lót tấm bìa carton dường như đã quen thuộc với anh Linh. |
Dịch bắt đầu bùng phát và Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn. Hàng hoá siêu thị, đặc biệt là nước rửa tay và khẩu trang cháy hàng. Khẩu trang được bán với giá 5.000 HGT (khoảng hơn 1 triệu đồng/hộp) và khó mua. Cảnh bắt cóc, nổ súng, trộm cắp khiến Haiti càng trở nên nguy hiểm hơn.
Số lượng người nhiễm dịch tăng ngày càng nhanh, Chính phủ không thể thống kê hết các ca tự nhiễm và tự khỏi trong cộng đồng. Tới khi Chính phủ Haiti quyết định bỏ lệnh giới nghiêm và mở cửa sân bay, các nước khác vẫn hạn chế chuyến bay nên anh Linh cùng khách hàng tiếp tục mắc kẹt, phải gửi lời kêu cứu tới Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba (phụ trách bảo trợ công dân vùng Caribbe).
Thời điểm đó, anh Linh và đồng nghiệp nhận được thông báo giải cứu từ Đại sứ quán Cuba. Chuyến bay giải cứu sẽ xuất phát từ Havana. Tuy nhiên lúc đó, Cuba vẫn đóng cửa, công ty quyết định thuê máy bay riêng cho đội ngũ bay sang Cuba.
Dù vậy, phía Cuba yêu cầu mọi người sang nước này phải cách ly 14 ngày và có xét nghiệm âm tính mới được lên chuyến bay. Lúc đó đã là ngày 7/7, nghĩa là đội của anh Linh phải bay ngay trong ngày hôm sau. “Mọi chuyện quá gấp, thủ tục thuê máy bay phức tạp, cộng với rủi ro lớn vì chẳng may dương tính ở Cuba thì sẽ mắc kẹt lại, nên chúng tôi đành ngậm ngùi nhìn cơ hội trôi qua”, anh cho hay.
Hiện nay, Haiti chỉ mở đường bay đến Mỹ và Dominica. 2 quốc gia này đều yêu cầu có visa trong khi đại sứ quán tại Haiti của 2 nước vẫn đóng cửa. “Chúng tôi chưa biết kế hoạch tiếp theo như thế nào và bao giờ mới được trở về. Theo đúng kế hoạch, lẽ ra tôi đã trở về để đón con đầu lòng. Nhưng tôi đã không làm được điều đó”, anh Linh ngậm ngùi.
Hiện tại, anh Linh bị kẹt lại ở Haiti vì dịch Covid-19 nhưng vẫn dành sự quan tâm tối đa với công việc, hỗ trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn. Câu chuyện của anh cũng là một ví dụ của “khách hàng là trung tâm” - triết lý đưa Huawei thành công như hôm nay dù đối mặt không ít khó khăn. Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông gần đây, ông Nhậm Chính Phi nói động lực từ bên ngoài là thứ ông đang cần để giúp Huawei phát triển hơn nữa, thay vì tự mãn với những gì mình đang có.
Bình luận