Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ niệm về Obama từ cuộc bầu cử 2012

Khi đi đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, tôi đã có cơ hội tham dự các sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle tại bang Iowa.

Tổng thống Barack Obama ra sân bay để đi công du Nhật và Việt Nam Ảnh: Reuters

Đối với cánh phóng viên nước ngoài, dự các sự kiện vận động tranh cử tổng thống Mỹ là khá trầy vi tróc vảy. Đầu tiên bạn phải đăng ký qua mạng với đội ngũ vận động tranh cử của ông Obama tại Iowa và cầu nguyện họ trả lời đồng ý. Mỗi nơi ông Obama và phu nhân Michelle xuất hiện luôn có một đoàn hàng chục nhà báo Mỹ đeo bám.

Họ đến từ những hãng tin và tờ báo lớn của nước Mỹ, do đó luôn được ưu ái đăng ký trước. Do đó, đương nhiên một phóng viên từ Việt Nam, đến từ một tờ báo không được ai biết đến tại Mỹ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Những nhà báo đến từ Trung Đông, râu ria rậm rạp thì lại càng ít cơ hội.

Đến không đúng giờ vì an ninh

Đăng ký thành công rồi, điều mà mọi phóng viên cần làm là hôm diễn ra sự kiện phải đến địa điểm sớm ít nhất 2 giờ. Hôm đó, ông Obama có mặt tại cuộc vận động ở công viên trung tâm thành phố Dubuque, bang Iowa. Toàn bộ công viên và khu vực lân cận đều đã được Sở Mật vụ Mỹ phong tỏa tầng tầng lớp lớp từ sáng sớm.

Sự kiện đó thu hút hàng chục nghìn người dân Dubuque và các vùng lân cận, cũng như gần 100 nhà báo. Ai cũng phải tranh thủ đi từ thật sớm để kiểm tra an ninh. Mọi người đều phải xếp hàng, từng người một bước qua máy dò kim loại. Mọi túi xách, thiết bị mang theo người đều bị các nhân viên Sở Mật vụ kiểm tra rất kỹ càng với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ.

Tất nhiên cánh phóng viên được ưu ái đi đường riêng, được sắp xếp vị trí riêng thuận lợi để tác nghiệp. Theo dự kiến, ông Obama xuất hiện tại công viên lúc 4g30, nhưng trên thực tế mãi tới tận 6g đoàn xe hộ tống ông chủ Nhà Trắng mới xuất hiện.

Bret Hayworth, phóng viên báo Soux City Journal ở Iowa, giải thích: “Không phải ông ấy cố tình đến muộn hay vì vấn đề hậu cần. Đoàn tổng thống ít khi có mặt đúng giờ thông báo, có thể muộn hơn hoặc sớm hơn. Đó là biện pháp của Sở Mật vụ và an ninh Mỹ để hạn chế nguy cơ khủng bố”.

Tại các cuộc vận động như vậy, ông Obama ít khi mặc vest thắt cà vạt trang trọng. Ông ăn mặc giản dị, cười tươi thân thiện, bắt tay nhiều cử tri trong tiếng reo hò cổ vũ. Dù vậy, ông cũng không giấu được vẻ mệt mỏi vì phải di chuyển và làm việc nhiều trong những ngày tranh cử căng thẳng.

“Tóc ông ấy bạc nhiều rồi. Áp lực của chiếc ghế tổng thống là vô cùng khủng khiếp”, Hayworth nhận xét. Quả là vậy. Hồi năm 2008, khi còn là thượng nghị sĩ, chưa được nhiều người biết đến và chiến thắng một cách bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó, ông Obama rất trẻ trung, mái tóc còn đen nhánh.

Tong thong My Barack Obama tham Viet Nam anh 1

  Ảnh ông Obama tại một hiệu may ở Hà Nội Ảnh: Reuters

Suốt 4 năm, ông và đội ngũ của mình vật lộn với hàng loạt thử thách khó khăn, từ giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, xử lý hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan cho đến việc phải đối phó với sự chống đối quyết liệt của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Không khó hiểu khi Obama già đi thấy rõ.

Nhưng khi phát biểu trước hàng chục nghìn cử tri Dân chủ, đó vẫn là một Obama đầy năng lượng. “4 năm qua, tất cả các bạn đều đã hiểu rõ tôi. Các bạn có thể không đồng ý với mọi quyết định tôi đưa ra, các bạn có thể thất vọng vì sự thay đổi đến chậm. Nhưng các bạn biết tôi luôn nói ra điều mình suy nghĩ. Các bạn biết tôi tin tưởng vào điều gì. Các bạn biết tôi nói thật”.

"Chúa tồn tại"

Những tiếng hò reo “Thêm 4 năm nữa” liên tiếp vang lên. “Tôi thực sự yêu quý ông ấy”, một cử tri da trắng lớn tuổi nói. “Đúng là nước Mỹ còn có nhiều vấn đề, nhưng thực sự ông ấy đã rất nỗ lực để thực hiện các cam kết đối với người dân. Đó là điều tôi trân trọng”.

Đêm bầu cử tổng thống Mỹ, khi các truyền hình khẳng định Obama giành chiến thắng, quán café tại thành phố Soux City (bang Iowa), nơi các cử tri Dân chủ tập trung chờ kết quả, niềm vui sướng vỡ òa. “Bây giờ thì tôi tin là Chúa tồn tại”, một người xúc động nói. Obama được yêu quý như thế đấy.

Từ đó đến nay, lại 4 năm nữa trôi qua, ông Obama đã sắp hết nhiệm kỳ và chuẩn bị rời Nhà Trắng. Một cuộc bầu cử mới diễn ra đầy sôi động với sự hùng hổ của tỷ phú Donald Trump, một thái cực hoàn toàn trái ngược với ông Obama điềm đạm và thân thiện.

Với những người am hiểu và đam mê chính trị Mỹ, Obama là một vị tổng thống đặc biệt, để lại nhiều dấu ấn khó phai. Và với mỗi nhà báo, có cơ hội tác nghiệp khi tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ tới Việt Nam sẽ là trải nghiệm không thể nào quên.

Tổng thống Obama tới Hà Nội, bắt đầu công du Việt Nam

Tối 22/5, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, bắt đầu chuyến công du chính thức Việt Nam.

Cadillac One của Tổng thống Obama trên đường phố Sài Gòn

Chiếc limousine chống đạn mang biệt danh "Quái thú" (The Beast) vừa được máy bay vận tải của Không lực Hoa Kỳ vận chuyển đến TP HCM để đón Tổng thống Obama.

Hiếu Trung

Bạn có thể quan tâm