Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Dự lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tỉnh Nghệ An đưa khu lưu niệm Phan Bội Châu thành địa chỉ đỏ thu hút, tập hợp, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Ngày 16/12 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Phan Bội Châu.

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến tham dự buổi lễ cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các bộ, ngành Trung ương và gia đình chí sĩ Phan Bội Châu.

Ky niem ngay sinh Phan Boi Chau anh 1
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham quan khu tưởng niệm.

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng nêu rõ dù đã mất cách gần 80 năm trước nhưng đóng góp của Phan Bội Châu cho cách mạng, cho văn hóa luôn luôn được hậu thế trân trọng. Mối quan hệ tốt đẹp của Phan Bội Châu để lại ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan tiếp tục được các bên tìm hiểu, giữ gìn.

Dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định trao tặng bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho khu lưu niệm Phan Bội Châu.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo địa phương và dòng tộc họ Phan tiếp tục giữ gìn khu di tích; sưu tầm, trưng bày những kỷ vật về Phan Bội Châu. 

“Đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ thu hút, tập hợp, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam", Phó thủ tướng phát biểu.

Ky niem ngay sinh Phan Boi Chau anh 2
Dịp kỷ niệm 150 ngày sinh chí sỹ Phan Bội Châu, khu tưởng niệm của ông được trao tặng bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhân dịp này, Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành phát triển mạnh văn hóa và du lịch của tỉnh, đưa du lịch thành thế mạnh kinh tế của địa phương.

Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt sẽ được lưu giữ tại khu lưu niệm Phan Bội Châu ở xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn.

Cụ Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Phan Bội Châu nổi tiếng thông minh từ bé, 13 tuổi thi đỗ đầu huyện, năm 17 tuổi, viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc", năm 19 tuổi cùng bạn bè lập đội "Sĩ tử Cần Vương", kết giao với những người yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân để tìm phương sách cứu nước.

Cụ cùng các đồng chí mình thành lập Hội Duy Tân, sang Trung Quốc, Nhật Bản hoạt động yêu nước, đưa nhiều thanh niên ưu tú “Đông Du” ở Nhật Bản. Những hoạt động yêu nước sôi động của Cụ, những bài thơ, bài văn và lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Cụ đã truyền bầu máu nóng đến toàn dân tộc, giúp nhiều thanh niên sau đó tiếp tục tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân của cụ.

Kỳ vọng những chiến công mới của thanh niên trong thế kỷ 21

Ngày 13/12, Thủ tướng tin tưởng nhiều bạn trẻ sẽ là chiến binh khởi nghiệp, chiến binh công nghệ, chiến binh thương mại toàn cầu và chiến binh kiên cường giữ gìn bờ cõi quốc gia.


Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm