Với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao ở các quốc gia phát triển, số ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 đang giảm dần. Theo Bloomberg, đối với những quốc gia này, trọng tâm hiện nay là học cách sống chung với virus và làm thế nào để tránh tình trạng phong tỏa.
“Có thể chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn chỉ theo dõi các ca nhập viện”, tiến sĩ Jennifer Nuzzo - nhà dịch tễ học tại Trung tâm nguồn lực chống virus corona của Đại học Johns Hopkins, nơi xây dựng một trong những nền tảng toàn diện nhất để theo dõi Covid-19 - nói.
Học cách sống chung
Trước khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra, hệ thống chăm sóc y tế của nhiều nước đứng trên bờ vực sụp đổ bởi số ca nhập viện và số ca mắc Covid-19 gia tăng kỷ lục. Trong bối cảnh đó, các chính quyền không còn lựa chọn nào khác ngoài ban hành lệnh phong tỏa, gây áp lực lên nền kinh tế và buộc những người mắc các bệnh lý khác phải chờ đợi để được chữa bệnh.
Giờ đây, các nhà khoa học và quan chức chính phủ đang quan tâm liệu việc mở rộng phạm vi tiêm chủng có phá vỡ chu kỳ đó hay không. Các sự kiện ở Vương quốc Anh đang đưa ra nhiều kết luận quan trọng.
Theo Bloomberg's Vaccine Tracker, hiện khoảng 46% dân số Anh được tiêm chủng đầy đủ, giúp giảm tỷ lệ tử vong hàng ngày vì Covid-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm 2020.
Tỷ lệ nhập viện ở Anh đang tăng cao trong vài tuần gần đây. Ảnh: Straits Times. |
Tuy nhiên, theo số liệu Public Health England cung cấp ngày 18/6, những người nhiễm biến thể Delta - biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn - đã tăng gần gấp đôi trong tuần qua. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng cao hơn, hầu hết bệnh nhân chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Ngày 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trì hoãn việc mở cửa trở lại trong 4 tuần nhằm cho phép nhiều người trưởng thành hơn được tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai. Điều này phần nào chứng minh hiệu quả của vaccine trước những biến thể mới.
Ngay cả khi virus có lây lan mạnh mẽ ở đối tượng trẻ em và thanh niên chưa được chủng ngừa, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chiến dịch tiêm chủng có giúp số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 duy trì ở mức thấp hay không.
Nếu câu trả lời là có, Covid-19 sẽ dần không còn là một đại dịch không thể kiểm soát mà trở thành một căn bệnh theo mùa, giống như cúm. Đối với các nhà hoạch định chính sách, đó chính là mục tiêu.
“Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu sống chung với loại virus này giống như cách mà con người đã làm với cúm mùa”, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phát biểu trước Quốc hội tuần trước.
Các nhà khoa học cho biết việc so sánh sự phổ biến của Covid-19 với bệnh cúm, căn bệnh giết chết khoảng 650.000 người trên toàn cầu mỗi năm, sẽ trở thành một thước đo quan trọng vào mùa thu và mùa đông tới.
Covid-19 đã khiến hơn 3,8 triệu người qua đời kể từ đầu năm 2020, nhưng các quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao có thể xử lý và điều trị bệnh nhân theo định kỳ - giống như cách họ đã làm với bệnh cúm - và đưa ra quyết sách phù hợp.
Vaccine là chìa khóa quan trọng
Việc giảm tần suất công bố dữ liệu liên quan đến Covid-19 có thể là dấu hiệu khả quan - hoặc là dấu hiệu mệt mỏi - khi mà khoảng hai chục bang của Mỹ đã không còn thường xuyên công bố số liệu Covid-19 như trước. Bang Florida hiện chỉ báo cáo thông tin mỗi tuần một lần.
Tuy nhiên, ở hầu hết quốc gia trên thế giới, các quan chức y tế vẫn chưa rời mắt khỏi các con số liên quan đến ca bệnh.
Ở đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm đã có lúc giảm xuống gần như bằng 0. Điều đó cũng có nghĩa ghi nhận trường hợp đơn lẻ đều sẽ thu hút sự chú ý của công chúng. Thiếu hụt vaccine khiến những cụm dịch nhỏ cũng được coi là mối đe dọa.
Trung Quốc đại lục, nơi đã trải qua nhiều đợt phong tỏa nghiêm ngặt, đang phải đối mặt với tình trạng người dân do dự tiêm vaccine ở mức cao. Hiện nước này mới tiêm được đầy đủ hai mũi cho khoảng 1/3 dân số.
Một số khu vực khác của châu Á đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới do khả năng tiếp cận vaccine còn kém. Ảnh: Headtopics.com. |
Tại đảo Đài Loan, sau một năm kiềm chế thành công đại dịch với các ca mắc hàng ngày ở mức một con số, số ca nhiễm đã tăng cao tới 723 ca vào ngày 22/5. Nhà chức trách buộc phải đóng cửa các địa điểm giải trí và hạn chế tụ tập quá 5 người trong nhà nhằm phá vỡ chuỗi lây truyền.
“Đài Loan - từng là hình mẫu chống dịch của nhiều nơi trên thế giới - đã chứng minh rằng nhà lãnh đạo không thể buông lỏng cảnh giác cho đến khi toàn bộ người dân được tiêm chủng rộng rãi”, Tiến sĩ Nuzzo nói.
Với dân số 24 triệu người, Đài Loan hiện chỉ có khoảng 1 triệu liều vaccine.
Vẫn cần theo dõi ca bệnh
Tuy vậy, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, theo dõi số ca bệnh vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Càng nhiều người mắc bệnh, virus càng có nhiều khả năng đột biến thành các chủng gây chết người hoặc kháng lại các loại vaccine hiện có.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Scotland được công bố trên tạp chí The Lancet, những người bị nhiễm chủng Delta có nguy cơ phải nhập viện cao hơn gấp đôi so với những người nhiễm chủng Alpha.
Mặc dù biến thể Delta có thể được kiểm soát thông qua việc tiêm vaccine, mối đe dọa đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, dù chỉ từ những cụm dịch nhỏ và lẻ tẻ, vẫn đáng lo ngại, đặc biệt nếu virus corona tiếp tục đột biến thành các chủng mạnh hơn.
Việc không ghi nhận ca mắc mới nào trong cộng đồng sẽ khó trở thành hiện thực, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.
"Chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng sẽ xuất hiện những biến thể mới trong tương lai. Đó là điều sẽ xảy ra", tiến sĩ Marc Baguelin, nhà dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết.