Công nhân bị “mắc kẹt” ở quê nhà, không thể trở lại xí nghiệp. Các quan chức yêu cầu phải có phương án về y tế trước khi văn phòng hay nhà máy mở cửa trở lại. Các dây chuyền phục vụ cho xe hơi General Motors hay điện thoại iPhone đều nằm im.
Đa phần Trung Quốc đến giờ này đáng ra phải hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhưng dịch virus corona làm cho đường phố vắng lặng, xí nghiệp đình trệ. Có thể phải vài tuần hoặc vài tháng nữa, kinh tế Trung Quốc, một trong những động cơ của tăng trưởng toàn cầu, mới có thể “hồi sinh”, theo New York Times.
Một khảo sát của Reuters với các nhà kinh tế học cho thấy nhiều người dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất trong quý này, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cụ thể, 40 nhà kinh tế học ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore, châu Âu và Mỹ dự đoán tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức 4,5-6% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, các nhà kinh tế lạc quan đà tăng trưởng sẽ sớm trở lại trong quý sau.
Taikoo Li, một trong những khu sầm uất của Thành Đô, hoàn toàn vắng lặng ngày 6/2. Ảnh: New York Times. |
Thiệt hại kinh tế lan ra toàn cầu
Chừng nào Trung Quốc còn trong tình trạng “hôn mê” do phong tỏa và dịch bệnh, kinh tế thế giới sẽ còn chững lại. Lệnh cấm đi lại khiến công nhân không thể về với công việc, và xí nghiệp không thể tiếp cận nguyên liệu.
Hệ quả, giao thông hàng hóa trên những tuyến hàng của thế giới giảm mạnh, dẫn đến những dự báo không mấy lạc quan, trong đó sản lượng của mọi mặt hàng đều giảm, từ xe hơi tới điện thoại.
“Như châu Âu thời Trung Cổ”, Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, nói với New York Times, “mỗi thành phố đều có người gác, trạm kiểm soát”.
Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một bệnh viện ở Bắc Kinh, trong nỗ lực mà truyền thông nhà nước mô tả là cuộc kiểm tra hoạt động chống dịch tại tuyến đầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một bệnh viện ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhóm chuyên gia của tổ chức này đã tới Trung Quốc ngày 10/2 để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. WHO cho biết đây là đoàn “tiền trạm”, và có nhiệm vụ “chuẩn bị cho một nhóm chuyên gia quốc tế lớn hơn” sẽ tới nơi “sớm nhất có thể”, CNN dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
“Chúng ta có thể mới chỉ đang thấy phần nổi của tảng băng”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo trên Twitter, và nói các nước chưa có nhiều ca nhiễm vẫn có nguy cơ phát hiện thêm.
Số ca tử vong nhiều ngày liên tiếp lập kỷ lục cho thấy Trung Quốc còn nhiều việc phải làm để kiểm soát dịch bệnh. Cho tới khi đó, thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu vẫn đang lan rộng.
Lái xe qua vùng dịch cũng bị cách ly
Ngày 10/2, hãng xe Nissan của Nhật Bản tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy ở Kyushu, Nhật Bản trong bốn ngày “vì khan hiếm nguồn cung từ Trung Quốc”. Các hãng xe như FCA của Italy hay Hyundai của Hàn Quốc cũng cảnh báo về việc cắt giảm sản lượng.
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, nơi họp mặt của những doanh nhân, kinh tế gia hàng đầu, phải hoãn cuộc họp thường niên đã lên lịch vào tháng sau.
Hãng xe Nissan của Nhật Bản tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy ở Kyushu trong bốn ngày. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ trước đó gia hạn nghỉ Tết thêm ba ngày tới ngày 3/2 để mọi người ở nhà. Nhưng nhiều trung tâm kinh tế như Bắc Kinh, Thượng Hải, tỉnh Quảng Đông và Sơn Đông sau đó đã kéo dài kỳ nghỉ cho tới ngày 10/2 đầu tuần này.
Nhưng đến ngày 10/2, rõ ràng mọi thứ chưa bắt đầu hoạt động lại. Xe cộ ở Bắc Kinh vắng hơn thường lệ, cửa hàng vẫn đóng, và nhiều cư dân làm từ xa hoặc không làm việc.
Hãng xe Daimler, sản xuất dòng xe Mercedes, cho biết sẽ dần khởi động lại hoạt động sản xuất ở các xí nghiệp Trung Quốc. Nhưng các công ty lớn khác nói vẫn đóng cửa. Ford Motor cho biết liên doanh của hãng với một công ty quốc doanh đang khởi động sản xuất, nhưng sẽ “tăng dần trong vài tuần tới”.
Các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc khiến công nhân không thể trở về với công việc. Các chính quyền địa phương đều thắt chặt kiểm soát, chẳng hạn bắt buộc cách ly hai tuần đối với các tài xế xe tải chuyển hàng từ những vùng dịch, thậm chí chỉ lái xe qua vùng dịch.
Wu Lin, Phó giám đốc một công ty quảng cáo ở Thượng Hải, trở về Vũ Hán ngày 21/1 để ăn Tết, và định bắt tàu cao tốc về Thượng Hải ngày 2/2. Nhưng chuyến về bị hủy do lệnh phong tỏa, và bà đã tìm mọi cách nhưng không thể ra khỏi Vũ Hán.
“Có tìm nữa cũng chẳng ích gì”, bà nói.
Tàu cao tốc xếp hàng ế ẩm ở Vũ Hán vào ngày 9/2, trong tuần thứ ba thành phố bị phong tỏa. Ảnh: Getty Images. |
Đạt yêu cầu về y tế mới được mở cửa lại
Các xưởng đóng tàu khắp đất nước khan hiếm lao động và họ bắt đầu phải dùng các điều khoản về “các tình huống ngoài tầm kiểm soát” trong hợp đồng để xin gia hạn bàn giao sản phẩm.
Ngoài lo ngại về dịch bệnh, gần 300 triệu lao động nhập cư Trung Quốc (gần 40% lực lượng lao động nước này) còn mối lo nữa, khiến họ không thể tới thành phố khác: con cái họ vẫn ở nhà. Nhiều trường học đã cho học sinh nghỉ tới ngày 25/2 hoặc thậm chí 1/3.
Các chính quyền địa phương dùng mọi biện pháp để kiểm soát dịch, nhưng cũng làm tê liệt hoạt động sản xuất. Họ yêu cầu mọi doanh nghiệp ở các trung tâm kinh tế như Thượng Hải, Thâm Quyến, Tô Châu, Nam Kinh phải kiểm tra quá trình đi lại và tình hình sức khỏe nhân viên hai tuần qua. Doanh nghiệp phải đo thân nhiệt, có kế hoạch cách ly và chuyển tới viện các trường hợp dù chỉ là sốt nhẹ.
Tệ hơn, doanh nghiệp không thể mở lại nếu các phương án nói trên không được quan chức thành phố phê duyệt, và doanh nghiệp lớn thậm chí phải được các quan chức tới tận nơi thẩm định.
Thâm Quyến yêu cầu các cơ sở sản xuất iPhone và các sản phẩm Apple phải đạt một số quy định về y tế và an toàn mới công bố ngày 9/2, trước khi có thể mở lại. Sản lượng điện thoại iPhone của Apple, tập trung nhiều ở Trung Quốc, có thể giảm 10% trong ba tháng đầu năm, theo công ty dự báo TrendForce của Đài Loan.
Một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh vẫn đóng cửa ngày 9/2. Ảnh: New York Times. |
Chính quyền Thượng Hải nói chỉ 70% số doanh nghiệp đang có động thái khôi phục sản xuất, nhưng ít nơi được chấp thuận để quay trở lại hoạt động.
Trên toàn cầu, các ngành công nghiệp cần nhiều linh kiện, phụ kiện có thể sẽ chịu thiệt hại nhất. Đứng đầu danh sách chắc chắn là ngành xe hơi. Một chiếc xe có thể đòi hỏi 30.000 linh kiện từ các nhà cung cấp khác nhau.
“Nếu dịch virus corona tiếp tục làm gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc, sau cùng dây chuyền sản xuất xe hơi ở Mỹ hay Mexico cũng bị ảnh hưởng”, Razat Gaurav, Giám đốc công ty hậu cần Llamasoft cho ngành xe hơi ở Mỹ, nói.