“Trong gia đình” kém nổi tiếng hơn, nhưng dễ thương không kém, sau khi ra mắt năm 1893 đã đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp.
Hector Malot đã mô tả bước đường lưu lạc từ Á sang Âu tìm về gia đình của cô bé Perrine. Một cách tự nhiên, người ta thường so sánh hai truyện này với nhau, một được coi là phiên bản nam, kia là phiên bản nữ. Không phải tình cờ mà tên chuyển ngữ bản tiếng Anh của “Không gia đình” là “Nobody’s boy” còn “Trong gia đình” là “Nobody’s girl”.
"Trong gia đình" cũng là tác phẩm về đề tài gia đình nổi tiếng của Hector Marlot. |
Perrine là cô bé 12 tuổi lai Pháp và Ấn Độ, từ Ấn sang Nam Âu, Hy Lạp, đến Paris rồi về quê Maraucourt tìm lại gia đình, trong quãng đường đó lần lượt bố đến mẹ của em qua đời. Là con người can đảm, tự lập và tự trọng, Perrine lần lượt vượt qua mọi khó khăn, mặc dù đôi khi tưởng chừng cô đã ngã gục vì hiểm nguy hay đói rét. Cuối cùng, cô đã về được trong vòng tay yêu thương của gia đình (và tất nhiên trong một lâu đài sang trọng, như cậu bé Remi, cũng hệt như motif trong các truyện cổ tích).
Khác với câu chuyện về Remi, cuốn truyện này mang nhiều nét nữ tính rất tỉ mỉ và đáng yêu, bé gái nào đọc cũng sẽ thấy ngay mình cần phải có các kỹ năng khâu vá, nấu nướng, mặc cả… sẽ có lúc nhất định cần đến!
Xen giữa những đoạn văn về sự vượt qua khó khăn trắc trở khiến người đọc cảm phục là những đoạn miêu tả thiên nhiên, con người dưới cái nhìn trẻ con, ngây thơ trong sáng làm cho người đọc bật cười đầy thú vị. Đó là những đoạn miêu tả chú lừa ngố Palica, người bạn đồng hành từ Hy Lạp, đoạn tả những người hàng xóm cùng khổ ở bãi trọ Paris, cảnh vật trên đường thiên lý…
Truyện còn truyền đạt các kiến thức về lịch sử, địa lý, khoa học một cách dễ hiểu cho các em nhỏ. Chẳng hạn như mẹ Perrine là người Ấn Độ, nên bề ngoài em đặc biệt ở đất Paris vì vẻ lai Âu – Á, nhưng hồi đó Ấn thuộc Anh nên dưới mắt mọi người, Perrine có mẹ người Anh. Hay con đường mà gia đình em đi từ Ấn về Pháp, vòng qua bán đảo Balkan trên chiếc xe lừa được mô tả rõ ràng đến mức người đọc nhỏ tuổi nhắm mắt lại có thể hình dung ra bản đồ châu Âu trong đầu.
Có thể chú ý đến Hector Malot miêu tả thủ đô Paris dưới góc nhìn của những người cùng khổ. Trong cả hai cuốn truyện, dưới con mắt của Remi cũng như Perrine,
Đặc biệt đáng yêu và đáng nhớ trong tiểu thuyết này là đoạn Perrine tìm ra ngôi lều vắng giữa hồ nước, rồi sung sướng chuyển từ phòng trọ ngột ngạt ra đó ở. Cô bé đã tự khâu đôi giày từ các cành liễu, tự làm nồi và thìa từ những mảnh thiếc, tự khâu áo, tìm thức ăn bằng cách câu cá, kiếm trứng vịt trời, hái rau dại, tự nấu một bữa “thịnh soạn” được trang trí bày biện bằng những đóa hoa mời bạn đến ăn trên vương quốc nho nhỏ của mình. Chắc hẳn cô bé hay cậu bé nào cũng đều mơ ước mình có một lãnh thổ riêng như vậy.
Cái viễn cảnh thơ mộng đó không chỉ hấp dẫn riêng con trẻ. Căn lều nhỏ và bữa ăn tự chế của Perrine đã nổi tiếng đến nỗi tại thung lũng tỉnh Somme, Pháp, một tour du lịch đã được kiến tạo mang tên "Dans les pas de Perrine" – theo bước chân Perrine.
Du khách sẽ đi bộ trong khu đầm lầy, tham quan lâu đài gần đó - được coi là dinh thự của gia đình cô bé, thăm hòn đảo trên hồ và thưởng thức bữa tiệc theo “phong cách Perrine”, gồm cá, rau dại, vịt và các sản vật địa phương, trung thành như mô tả trong cuốn tiểu thuyết. Đó thực sự là cái cách thú vị mà những người Pháp dùng để khai thác tiềm năng trong những di sản văn chương của họ.
Tour du lịch “Theo bước chân Perrine” tại Pháp. Ảnh: Amiens-ouest-tourisme. |
Và chúng ta tự hỏi, đó phải chăng là những thứ còn thiếu hụt trong các nội dung giáo dục con trẻ đang hiện hành bây giờ? Lòng yêu thiên nhiên, một chút máu phiêu lưu mạo hiểm, kỹ năng phán đoán và tự phục vụ trong các hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như nếu không có nồi thì ta có thể vùi trứng vịt trời trong tro nóng?