Sự kiên trì giúp trẻ giữ được động lực và luôn nỗ lực, chăm chỉ để hoàn thành mục tiêu. Ảnh: Tara Moore, Getty Images. |
Michele Borba là tiến sĩ giáo dục, nhà tâm lý học giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái, tác giả của 2 cuốn sách Những lý do đáng ngạc nhiên một số trẻ em chật vật và một số khác thành công và Tại sao những đứa trẻ biết đồng cảm lại thành công trong thế giới luôn đề cao cái tôi này.
Bà Michele Borba nhận thấy tính kiên trì là kỹ năng mềm số 1 tạo ra sự khác biệt giữa những đứa trẻ giữ được động lực và những đứa trẻ dễ bỏ cuộc.
Trên thực tế, các nghiên cứu chứng minh tính kiên trì là yếu tố dự đoán thành công đáng tin hơn chỉ số IQ. Những đứa trẻ có lòng kiên trì sẽ không bỏ cuộc khi gặp thất bại. Chúng tin rằng nỗ lực sẽ được đền đáp. Vì vậy, chúng luôn có động lực để làm việc chăm chỉ và hoàn thành những gì chúng bắt đầu, bất chấp mọi rào cản nảy sinh. Cha mẹ hãy xem 9 cách giúp trẻ xây dựng tính kiên trì dưới đây.
Loại bỏ những yếu tố làm trẻ nản lòng
Bước đầu tiên cha mẹ cần làm là chống lại 4 yếu tố ảnh hưởng sự kiên trì của trẻ.
- Mệt mỏi: Bạn cần giúp trẻ hình thành thói quen ngủ đúng giờ để bảo vệ khả năng tập trung của con bạn. Chuyên gia khuyên cha mẹ tắt các thiết bị điện tử một giờ trước khi đi ngủ và để chúng bên ngoài phòng ngủ vào ban đêm để trẻ ngủ đủ giấc.
- Lo lắng: Áp lực phải thành công có thể khiến trẻ thấy nặng nề. Bạn nên bày tỏ với con rằng tình yêu của cha mẹ không phụ thuộc vào thành công của chúng.
- Công nhận con vì những thành tích chớp nhoáng: Cha mẹ phải giáo dục con rằng thành công không phải cột mốc cố định. Chúng ta nên khen ngợi trẻ vì những nỗ lực thay vì kết quả.
Cha mẹ nên khen ngợi nỗ lực của trẻ thường xuyên hơn thay vì chỉ chú trọng vào kết quả. Ảnh: counselingwellnesspgh.com. |
- Đặt kỳ vọng không phù hợp với khả năng: Cha mẹ chỉ nên đặt kỳ vọng cao hơn một chút so với trình độ kỹ năng của con. Nguyên nhân là kỳ vọng quá cao có thể gây lo lắng cho trẻ, trong khi kỳ vọng quá thấp làm con dễ chán nản.
Giáo dục trẻ rằng sai lầm là cơ hội phát triển
Đừng quên nhắc nhở con bạn rằng sai lầm có thể là một điều tích cực, ngay cả khi tình huống không diễn ra theo cách trẻ mong đợi. Chúng ta nên chấp nhận lỗi lầm của trẻ và nói: “Mắc sai lầm là chuyện bình thường. Điều quan trọng là con đã cố gắng”.
Bạn cũng phải thừa nhận những sai lầm của bản thân. Điều này giúp trẻ nhận ra cha mẹ và mọi người đều mắc sai lầm, thành công sẽ đến với ai không để thất bại định hình con người mình.
Chỉ cho trẻ cách chia nhỏ công việc
Dạy chia các nhiệm vụ lớn thành các phần nhỏ hơn cũng là điều cần thiết. Việc này khiến trẻ dễ quản lý đầu việc hơn và chúng sẽ cảm thấy tự tin rằng mình sẽ hoàn thành công việc.
Ví dụ, nếu trẻ cảm thấy bực bội vì phải làm một tờ phiếu toán, hãy yêu cầu chúng lấy một tờ giấy khác che tất cả tờ phiếu đi, ngoại trừ hàng trên cùng. Sau khi con bạn giải xong câu hỏi đầu tiên, tiếp tục hạ tờ giấy xuống hàng tiếp theo.
Để trẻ không cảm thấy ngập trong bài tập, cha mẹ nên dạy trẻ cách chia nhỏ công việc cần làm. Ảnh: Huffingtonpost. |
Trong trường hợp trẻ thấy choáng ngợp với số lượng bài tập, bạn có thể gợi ý con viết từng bài tập môn học vào giấy nhớ, sắp xếp chồng chúng theo độ khó và làm từng việc một.
Ăn mừng những chiến thắng nhỏ
Thất bại liên tục sẽ phá hủy sự kiên trì, nhưng thành công rất nhỏ lại có thể khuyến khích trẻ tiếp tục, vì vậy hãy giúp trẻ tìm ra những chiến thắng nho nhỏ. Ví dụ, bạn có thể nói với con: “Lần trước, con đánh vần đúng 6 từ. Hôm nay là tận 8 từ! Vì con chăm chỉ luyện tập nên con đang tiến bộ rồi đấy”.
Kéo dài sự tập trung của trẻ
Nếu con bạn muốn từ bỏ một bài tập, hãy đặt đồng hồ đếm ngược một khoảng thời gian phù hợp với mức độ chú ý của trẻ. Cha mẹ bảo trẻ chỉ cần làm bài cho đến khi chuông kêu. Sau đó, trẻ có thể nghỉ giải lao nhanh. Bạn hãy khuyến khích con đếm số bài tập con giải được trước khi chuông reo để chúng thấy mình đang làm tốt. Theo thời gian, thói quen này giúp trẻ tập trung dễ dàng hơn.
Chỉ ra nguyên nhân khiến trẻ bế tắc
Khi trẻ bỏ cuộc, đó có thể là do chúng không thể tìm thấy cách giải quyết vấn đề. Bạn cần chia sẻ với con sự tức giận là cảm giác bình thường. Hãy giúp con bình tĩnh lại bằng cách thử tập thở hoặc nghỉ ngơi.
Sau đó, khi quay lại vấn đề, bạn hãy giúp trẻ xác định yếu tố cản trở trẻ hoàn thành công việc. Ví dụ, nếu con bạn đang không giải được bài toán, cha mẹ có thể chỉ ra lỗi sai: “Có vẻ như con đang lẫn lộn ký hiệu cộng và nhân rồi”. Khi trẻ hiểu vấn đề, hãy giúp trẻ tập trung vào yếu tố cản trở đó cho đến khi trẻ từ từ vượt qua.
Cha mẹ cần bình tĩnh chỉ ra những khúc mắc khiến trẻ không giải quyết được vấn đề. Ảnh: Hanleyfoundation. |
Khen ngợi nỗ lực
Nhà tâm lý học Stanford Carol Dweck phát hiện ra khi những đứa trẻ được khen ngợi vì trí thông minh (ví dụ: “Con thật thông minh!”), chúng sẽ mất kiên trì trong tương lai. Nhưng khi được khen ngợi về nỗ lực (ví dụ: “Con đã làm việc rất chăm chỉ! Làm tốt lắm”), trẻ có động lực hơn và làm việc chăm chỉ hơn.
Để kéo dài sự kiên trì, hãy khen ngợi nỗ lực thay vì điểm số của trẻ. Mục tiêu là thúc đẩy trẻ vươn tới để thành công mà không cần động lực bên ngoài nào. Đó là lý do bà Michele Borba không quan tâm đến phần thưởng giáo viên thường trao cho học sinh như nhãn dán và sao vàng. Nghiên cứu phát hiện ra các nguồn động lực bên ngoài có thể làm giảm sự kiên trì của trẻ.
Tạo ra khẩu hiệu tích cực
Những lời tự nhủ tiêu cực như “Con không thể làm được” hoặc “Con không đủ thông minh” làm trẻ nản chí. Bạn nên giúp con chọn một câu ngắn gọn, tích cực để nói với bản thân khi rơi vào tình trạng khó khăn.
Nhắc trẻ nói to câu đó nhiều lần trong vài ngày cho đến khi chúng nhớ được và tự sử dụng được câu nói: “Mọi thứ không cần phải hoàn hảo. Tôi sẽ ngày càng tốt hơn nếu tôi tiếp tục cố gắng”.
Hãy để trẻ tự làm những việc trong khả năng để chúng cảm nhận được cảm giác thành tựu. Ảnh: Thespruce. |
Để trẻ tự tìm cách giải quyết
Một trong những quy tắc nuôi dạy con cái hàng đầu của bà Michele Borba là: Đừng bao giờ làm hộ con cái những việc mà chúng có thể tự làm.
Mỗi lần bạn sửa lỗi cho con hoặc làm điều gì đó thay con, chúng sẽ ngày càng phụ thuộc vào bạn. Khi bạn biết con có thể hoàn thành việc một mình, hãy để chúng tự làm và tận hưởng cảm giác thành công đó.