Quý II/2022 là quý thứ hai liên tiếp tập đoàn SoftBank của Masayoshi Son bị sụt giảm về doanh thu do sự lao dốc của cổ phiếu công nghệ.
Trong báo cáo tài chính mới nhất, tập đoàn đầu tư Nhật Bản lỗ nặng 21,68 tỷ USD chỉ trong quý II. Con số này đã làm lỗ ròng trong quý của SoftBank tăng đến 23,4 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với con số 15,5 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Hàng trăm khoản đầu tư chưa niêm yết sẽ trở thành lực cản lớn với SoftBank. Ảnh: Getty Images. |
Trong đó, quỹ Vision Fund, chuyên đầu tư vào các tập đoàn công nghệ, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng giá cổ phiếu lao dốc và tỷ lệ lạm phát, lãi suất tăng cao.
Theo Nikkei Asia, đế chế của Masayoshi Son đã đánh giá sai về tình hình cổ phiếu của hơn 300 công ty công nghệ mà hai quỹ đầu tư Vision đang nắm giữ. Trước đó, vào quý I, hai quỹ này và quỹ Latin America đã thua lỗ 21,6 tỷ USD do đầu tư.
Giá cổ phiếu của các công ty đã niêm yết như hãng thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang, hãng gọi xe Uber và hãng giao đồ ăn DoorDash đều sụt giảm, kéo lợi nhuận của SoftBank đi xuống.
Trong khi đó, tình hình những khoản đầu tư chưa niêm yết cũng không khả quan hơn trong quý vừa qua. Do đó, quỹ Vision 2, chuyên đầu tư vào các công ty chưa niêm yết, phải đối diện với viễn cảnh tệ hơn, theo SoftBank.
Trong đó, khoản đầu tư vào 24,28% cổ phiếu ở Alibaba của tập đoàn vào tháng 12/2021 đã giảm xuống chỉ còn 23,73% trong quý vừa qua. Nikkei cho biết SoftBank đã bán bớt tài sản của mình tại tập đoàn công nghệ Trung Quốc để làm tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, SoftBank cũng lỗ hơn 6 tỷ USD trên thị trường ngoại hối do đồng yen mất giá.
Song, theo Nikkei, những số liệu tài chính này không phản ánh đầy đủ về tình hình của một vài công ty trong danh mục đầu tư của SoftBank như Alibaba, vốn được rót tiền dưới hình thức vốn chủ sở hữu.
CEO Masayoshi Son cũng cho biết ông có xu hướng theo dõi giá trị tài sản ròng để đánh giá hiệu suất của công ty. Trong quý II, giá trị tài sản ròng của công ty đã giảm từ 200 tỷ USD hồi tháng 6/2021 xuống còn 137 tỷ USD.
Sự sụt giảm giá trị của các công ty công nghệ khiến danh tiếng của Son tổn hại nghiêm trọng. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, hồi tháng 5, vị CEO từng khẳng định hai quỹ Vision Fund sẽ chuyển sang "chế độ phòng ngự", đồng thời đưa ra các tiêu chí nghiêm ngặt hơn và thận trọng hơn khi đầu tư mới.
Tập đoàn Nhật Bản cho rằng sự sụt giảm cổ phiếu của các khoản đầu tư chủ yếu là do xu hướng lao dốc của thị trường chung trước bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất gia tăng.
Theo Nikkei, việc quay lại quá khứ tăng trưởng huy hoàng trước đây là một bài toán khó dành cho CEO Masayoshi Son. Nổi tiếng với phong cách đầu tư táo bạo, mạo hiểm với giá trị lớn, ông là người đã đưa SoftBank từ một tập đoàn viễn thông trở thành đế chế đầu tư start-up công nghệ hàng đầu thế giới.
Song, gần đây, Son còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt nhân sự. Rajeev Misra, từng giữ chức vụ quản lý các quỹ start-up của SoftBank, cũng từ chức trong bối cảnh bất ổn nội bộ của tập đoàn.